Chống giặc lửa - chuyện muôn đời không cũ

Bài 3: Đáng sợ thực trạng lơ là phòng cháy

10:33 09/07/2015
Những khu nhà xưởng bị thay đổi công năng sử dụng, không được trang bị thiết bị phòng chống cháy nổ đúng quy định. Những ngôi nhà được chủ nhân gia cố chống trộm mà không tính đến phương án chống cháy… Sự chủ quan, thiếu hiểu biết của chính người đứng đầu cơ sở, của từng người dân đã vô tình biến nơi sản xuất, nơi ở thành cái “lò bát quái” khi xảy ra cháy. Đây là thực trạng chung vô cùng lo ngại diễn ra ở khắp nơi trên cả nước, là nguyên nhân gia tăng hậu quả sau cháy, nổ.


Phòng trộm quên phòng cháy

Ngôi nhà số 94, ngõ Lan Bá, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội nằm lắt léo, sâu tít. Có thể vào con ngõ này bằng hai hướng, từ tuyến phố Khâm Thiên hoặc Lê Duẩn. Tuy vậy, dù có đi từ hướng nào thì cũng phải vòng vèo rẽ phải, rẽ trái một hồi mới tiếp cận được ngôi nhà. Nắm rõ số nhà, tên ngõ nhưng chúng tôi phải hỏi thăm nhiều lần mới tìm đến đúng địa chỉ.

Hiện trường vụ cháy ở số nhà 94 ngõ Lan Bá, Hà Nội.

Rạng sáng ngày 5/3/2015, bà con trong ngõ phát hiện ngôi nhà này bị cháy từ tầng 1, khu vực bếp và để hai xe máy. Tuy nhiên, ngôi nhà được làm quá kiên cố, tầng 1 khoá cửa chặt, 3 tầng trên thì làm khung sắt kiểu “chuồng cọp”. Mặc dù nỗ lực dùng vật dụng có sẵn để phá cửa cứu người nhưng bà con vẫn bất lực, đành chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Thiếu tá Nguyễn Minh Thành, Đội trưởng Đội chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 Hà Nội kể lại: Khi tiếp cận ngôi nhà, lực lượng chữa cháy phải chia làm 2 mũi, một mũi cắt khoá tầng 1, một mũi cắt “chuồng cọp” tầng 2 để vào cứu người và chữa cháy. Trong nhà lúc này chỉ có một người là cậu sinh viên Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Tuy nhiên, do đám cháy bùng phát từ tầng 1, tay vịn cầu thang cũng đã bắt lửa, khói hút lên theo hướng cầu thang, nhà lại không có lối thoát nạn nên khói nhanh chóng bao trùm toàn bộ các phòng. Khi lực lượng chữa cháy tìm được Tuấn trong nhà tắm thì anh đã bị tử vong, khói bụi bám một lớp dày trên người.

Ngày 26/6, chúng tôi trở lại hiện trường vụ cháy tại ngõ Lan Bá, ngôi nhà đã được chủ nhân dọn dẹp và sửa sang sạch sẽ. Cửa nhà vẫn khoá im ỉm, còn phía trước ngôi nhà, mặt lan can các tầng trên vẫn là các khung sắt kiên cố. Nhìn ngôi nhà ấy, chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi khung cảnh tan hoang, xám xịt sau đám cháy vừa được nhìn qua những bức ảnh chụp hiện trường.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng CS PCCC số 2 Hà Nội nêu thực trạng: “Hiện nay có tới 95% nhà dân là nhà ống, không có đường thoát nạn, phố nhỏ, ngõ nhỏ, khả năng tiếp cận chữa cháy khó. Do diện tích ở chật hẹp nên hầu hết các nhà này đều để xe máy ở tầng 1, nhà bếp. Khi cháy tạo ra khí độc hút lên tầng trên”. Trường hợp vụ cháy ở quận Hoàng Mai khiến 5 người tử vong vừa qua cũng xảy ra trong tình huống tương tự: Tầng 1 nấu ăn và để xe máy. Đám cháy bùng phát ở tầng 1, hút khói lên tầng trên, bao trùm toàn bộ ngôi nhà.

Có lẽ người dân cũng chưa thể quên vụ cháy xưởng giày da tại xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng vào năm 2011 làm chết 13 người, bị thương 25 người. Xưởng sản xuất này không có lối thoát nạn, khi hàn điện gắn cột thu lôi trên nóc nhà, phía cửa ra vào duy nhất của nhà xưởng đã khiến vảy hàn rơi xuống, gây cháy nguyên liệu làm giày, bịt chặt lối thoát của trên 50 công nhân, biến nhà xưởng thành lò thiêu sống người.

“Phòng trộm quên phòng cháy” là tình trạng chung ở các thành phố, đô thị lớn. Tại Hải Phòng, Đoàn kiểm tra của Cảnh sát PCCC Hải Phòng khi tiến hành khảo sát các khu tập thể và chợ trên địa bàn phường Đổng Quốc Bình đã thấy công tác PCCC tại các hộ dân, hộ kinh doanh còn nhiều bất cập. Điển hình như: Khu tập thể D22 là nơi tập trung đông dân cư sinh sống nhưng phòng ốc, hành lang chật hẹp, hệ thống điện đấu mắc không an toàn, ổn áp hở dễ gây chập cháy, ban công bịt kín kiểu lồng sắt, chuồng cọp. Tầng 1 khu tập thể được sử dụng để trông gửi xe, nhưng không đủ điều kiện an toàn PCCC.

Tận dụng mặt bằng, thay đổi công năng - hiểm họa cháy

Tình trạng cháy nổ trong Khu công nghiệp (KCN) luôn gây thiệt hại nặng nề. Gần đây nhất, khoảng 20h30 ngày 25/6, lửa bùng cháy dữ dội tại kho xưởng của Công ty Bao bì Việt Long, KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, thiêu rụi hàng ngàn mét vuông nhà xưởng cùng nguyên liệu dễ cháy.

Khung sắt kiên cố kiểu “chuồng cọp”.

Tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, vào lúc 19h ngày 18/10/2014, tại lô 38B xảy ra vụ cháy khu nhà kho có tổng diện tích lên tới 13.000m². Quá trình chữa cháy ở các vụ cháy trong nhà xưởng sản xuất, KCN, lực lượng PCCC rút ra kết luận, nhiều vụ cháy nguyên nhân do thay đổi công năng nhà xưởng, để vật liệu dễ cháy gần nguồn điện hoặc chất nguyên liệu sản xuất chiếm lối đi trong khi không có lối thoát hiểm.

Thay đổi công năng sử dụng là thực trạng chung không chỉ trong các KCN mà còn phổ biến ở nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản xuất và thậm chí là ở cả nhà dân.

Điển hình có thể kể đến việc thay đổi công năng nhà ở sang kinh doanh quán karaoke. Nhà ở vốn thiết kế phòng hẹp, thiết bị điện chỉ phục vụ cho số ít người. Thế nhưng, khi nhà ở cải tạo thành phòng hát, lượng thiết bị điện tăng lên. Thiết bị điện quá tải đương nhiên tiềm ẩn nguy cơ cháy. Đặc biệt, số vụ cháy do quá trình thi công, hàn xì, lửa bắn vào vật liệu dễ cháy là nguyên nhân hàng đầu xảy ra khi chuyển đổi công năng nhà ở sang kinh doanh các dịch vụ văn hoá như karaoke, quán bar. Điển hình là vụ cháy tại quán Zone 9 gây tử vong cho 6 người ở phố Trần Thánh Tông, Hà Nội năm 2014, vụ cháy vũ trường điểm hẹn ca nhạc Đêm Tây Hồ…

Tình trạng lấn chiếm đất công, bít không gian PCCC cũng xảy ra phổ biến ở nhiều chợ, trung tâm thương mại. Chợ An Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng vốn là chợ dân sinh nên tập trung rất nhiều mặt hàng vải vóc, quần áo, giầy dép, vàng mã, mây tre đan, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Hệ thống điện tại chợ tuy có nâng cấp nhưng hiện tượng đấu mắc không an toàn vẫn tồn tại, dầu mỡ bám dày đặc ở các ổ điện, đường dây điện tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.

Trên địa bàn quận Hồng Bàng, Hải Phòng còn nhiều khu dân cư tập trung, khu phố cũ xây dựng từ nhiều năm tại các tuyến đường như: Lý Thường Kiệt, Tam Bạc, Lãn Ông, Phan Bội Châu, Trạng Trình..., gần các chợ đầu mối như: chợ Sắt, chợ Tam Bạc, đường giao rất nhỏ, hẹp. Đến nay, các khu phố này đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy. Một số hộ dân lấn chiếm lòng đường, hè phố để hàng hóa kinh doanh đã che lấp các trụ nước chữa cháy, ảnh hưởng đến việc xe chữa cháy tiếp cận hiện trường khi xảy ra sự cố.

Hà Nội: Kiên quyết đình chỉ các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Cảnh sát PCCC TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra liên ngành về PCCC, trong đó, tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, kho chứa hàng hóa, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, hóa chất, cơ sở vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, karaoke... Kiên quyết xử lý và đề xuất UBND TP xem xét, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC. (Chi Linh)

Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ: Vẫn còn tình trạng đầu tư hệ thống PCCC đối phó.

Cả nước hiện có khoảng 300 KCN, khu chế xuất. Mỗi KCN có tới vài chục cơ sở sản xuất. Chủ đầu tư KCN có thể là tư nhân hoặc do UBND tỉnh thành lập Ban quản lý, kêu gọi đầu tư hoặc làm hạ tầng rồi thu hút các doanh nghiệp. Theo quy định, khi lập dự án đầu tư, KCN phải có giải pháp, thiết kế về PCCC và được cơ quan chức năng thẩm duyệt. Qua theo dõi, về cơ bản, các chủ đầu tư, Ban quản lý KCN và các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật PCCC trong đầu tư, xây dựng.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thực hiện chưa tốt, không thiết kế hệ thống PCCC, không có giải pháp PCCC khi đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà kho… hoặc có đầu tư nhưng theo kiểu đối phó, chiếu lệ; tình trạng chuyển công năng công trình nhưng không trình báo cơ quan chức năng diễn ra phổ biến; việc duy trì, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị phương tiện PCCC tại chỗ chưa được quan tâm; lực lượng tại chỗ vừa thiếu, vừa yếu, do vậy khi xảy ra cháy thì không xử lý được, dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

C.Hồng – V.Hà – Đ.Hùng

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Từ năm 2023 đến khi bị bắt, những kẻ phạm tội đã câu kết với nhau thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để tạo lập, thu thập và mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép của hàng nghìn người trên địa bàn huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và các tỉnh thành trên cả nước, sau đó bán lại cho người khác, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文