Vi phạm về PCCC: Chế tài xử phạt nhẹ, chủ đầu tư “nhờn” luật

14:05 03/05/2016
Mức phạt hành chính cao nhất đối với các vi phạm về an toàn PCCC ở các khu chung cư cao tầng hiện nay tối đa mới chỉ có 80 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt này là quá nhẹ dẫn đến việc các chủ đầu tư “nhờn” luật. 


Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân sống trong các chung cư cao tầng lúc nào cũng phải lo lắng cho tính mạng, tài sản của mình.

Địa bàn quận Hà Đông có 7 khu đô thị lớn như: Văn Quán, Văn Khê, Xa La… và hàng loạt các dự án lớn đang triển khai. Thế nhưng theo đánh giá của UBND quận Hà Đông, công tác quản lý và sử dụng chung cư cao tầng đảm bảo an toàn PCCC vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo UBND quận Hà Đông, một số dự án chậm tiến độ kéo dài nên nhiều điểm bị chia cắt, một số khu đô thị mật độ xây dựng quá cao, giao thông nội đô, vườn hoa, tiểu cảnh còn gây cản trở trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra dẫn đến nguy cơ thiệt hại về người, thiệt hại lớn về tài sản. 

Tuy vậy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn PCCC tại các khu chung cư cao tầng này chủ yếu vẫn xuất phát từ việc các chủ đầu tư chây ỳ, cố tình vi phạm. Điển hình như vụ cháy tầng hầm chung cư CT4 Khu đô thị Xa La ngày 11-10-2015, UBND quận Hà Đông đã có kế hoạch tổng kiểm tra an toàn PCCC đối với các công trình, nhà chung cư cao tầng trên địa bàn. Qua kiểm tra đã cho thấy hàng loạt các vi phạm, tồn tại và bất cập. 

Đợt kiểm tra này đã xử lý vi phạm hành chính 30 trường hợp với số tiền gần 900 triệu đồng (chủ yếu là lỗi vi phạm về hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC).

Theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông thì thiếu chế tài xử lý mạnh là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng mất an toàn PCCC tại các khu chung cư cao tầng này tồn tại. 

“Mức xử phạt hành chính như hiện nay chưa đủ sức răn đe để các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Chúng tôi kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn nữa để lập lại trật tự trong đầu tư xây dựng. Ví dụ như phải kịp thời thực hiện đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết không cấp điện, cấp nước sinh hoạt khi công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. Làm được điều này sẽ ngăn ngừa được tình trạng chủ đầu tư bất chấp công trình chưa đủ các điều kiện về an toàn PCCC đã đưa vào sử dụng, chủ đầu tư bỏ qua nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng”, bà Hòa nói.

Công khai hóa các công trình, dự án không đảm bảo an toàn PCCC cũng là một giải pháp để ngăn ngừa ở các dự án nhà ở chung cư.

Theo đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội thì những tồn tại này là do chủ đầu tư chỉ biết xây nhà lên để bán mà không quan tâm đến công tác an toàn PCCC. Bên cạnh đó cũng còn là do người dân nhận thức kém nên cũng không quan tâm. 

“Chính vì người dân nhận thức kém nên cứ nhận bàn giao nhà rồi ùa vào ở mà không quan tâm đến việc khu nhà đó có an toàn hay không. Chủ đầu tư thì cứ vin vào việc người dân có nhu cầu và rất khó khăn về nhà ở để vi phạm các quy định liên quan đến an toàn PCCC. Đối với những dự án người dân đã vào ở rồi mà chưa thẩm định an toàn PCCC thì rất khó xử lý bởi không thể cắt điện, cắt nước được, ép người dân ra được”, Thượng tá Trần Quế Thường, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 9 chia sẻ.

Đề cập đến giải pháp để tránh tình trạng mất an toàn PCCC tại các chung cư cao tầng, Thượng tá Trần Quế Thường cũng đồng tình ý kiến cho rằng phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ. Theo Thượng tá Trần Quế Thường thì chế tài hiện nay là xử phạt hành chính tối đa 80 triệu đồng đối với tổ chức là quá nhẹ. 

“Lần đầu có thể xử phạt 80 triệu đồng, tuy nhiên nếu lần sau kiểm tra chủ đầu tư vẫn không thực hiện thì cũng không thể áp dụng lại mức phạt cao nhất này nữa mà phải tìm lỗi nhẹ hơn để phạt. Đối với các doanh nghiệp, họ đầu tư một dự án hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thì việc nộp phạt vài chục triệu là quá nhỏ, từ đó mới dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật. Do đó chúng tôi cũng đang kiến nghị phải nâng mức xử phạt mới đủ tính răn đe”. 

Cũng theo Thượng tá Trần Quế Thường, cần thiết phải duy trì công tác kiểm tra liên ngành gồm: Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng, Cảnh sát PCCC, Tài nguyên - Môi trường và LĐ- TBXH ngay từ khi dự án bắt đầu đầu tư xây dựng. Sai phạm ở đâu sẽ xử lý nghiêm ngay từ đó. 

Bên cạnh đó phải bắt các chủ đầu tư cam kết khi nào hoàn thiện mới được đưa dân vào ở. Nếu chủ đầu tư cố tình sai phạm, các cơ quan có thẩm quyền ngay lập tức phải đình chỉ, cắt điện, cắt nước.

“Một cách làm cũng cần thiết phải áp dụng nữa là công khai hóa các công trình vi phạm, nêu tên những dự án chưa đảm bảo an toàn PCCC để người dân được biết trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ đó, cư dân mua nhà tại các dự án chung cư chắc chắn cũng sẽ yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện và nghiệm thu trước khi họ vào ở, bởi qua nhiều sự số cháy chung cư vừa rồi, chắc chắn người dân đã nhận thức tốt hơn về an toàn PCCC tại các khu nhà chung cư”, Thượng tá Trần Quế Thường nêu giải pháp.

Phan Hoạt

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Quý Vương, Chủ tịch Hội Cựu CAND Việt Nam, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã đồng chủ trì Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Cựu CAND Việt Nam trong công tác bảo đảm ANTT.

 Chiều ngày 11/7, thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, đơn vị vừa thực hiện nghi thức chào đón chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Ethiopian Airlines, khai trương đường bay mới kết nối trực tiếp Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) và Addis Ababa (Ethiopia).

Qua xác minh, Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1980, thường trú tại Bạch Mai, Hà Nội), chỉ học lớp điều dưỡng trung cấp y, không phải là bác sỹ, không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo hay tập huấn gì liên quan đến việc khám, chữa bệnh, xét nghiệm và kê đơn thuốc nhưng Hương vẫn trực tiếp khám, xét nghiệm, kê đơn thuốc cho người bệnh.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân để xảy ra một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc là do một số người đứng đầu đơn vị, cán bộ y tế chưa gương mẫu, chưa giữ vững bản lĩnh chính trị, dễ bị mua chuộc, bị lôi kéo tham gia các hành vi phạm tội hoặc tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng...

Ngày 11/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, Bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi thành công cho cụ ông 96 tuổi mắc ung thư đầu tuỵ phức tạp. Theo y văn thế giới, đây là người bệnh cao tuổi nhất thế giới đến thời điểm hiện tại được ghi nhận phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt khối u tá tụy thành công (sau người bệnh 92 tuổi ở Trung Quốc). 

Chiều 11/7, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền hình nhằm tăng cường công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại.  

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, sáng 11/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội ra phán quyết đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu cùng 39 bị cáo khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.