Báo động vi phạm trong lĩnh vực an toàn bức xạ, phóng xạ
>> Bà Rịa Vũng Tàu: Đang khẩn cấp truy tìm nguồn phóng xạ bị mất
Kiểm tra đâu, phát hiện sai đấy
Kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng nhiều trong công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu…, mà phổ biến nhất là trong y tế. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có trên 70 cơ sở y tế có giấy phép tiến hành công việc bức xạ với 158 thiết bị bức xạ và 49 nguồn phóng xạ đang được hơn 400 nhân viên bức xạ sử dụng.
Thanh tra an toàn bức xạ tại Hải Phòng. |
Thực tế hoạt động của các cơ sở này đang đặt ra nhiều vấn đề về an toàn bức xạ. Mới đây, Thanh tra Sở KH&CN Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra việc sử dụng các thiết bị bức xạ, phóng xạ trên địa bàn. Kết quả cho thấy, trong số 46 cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang ở 12 quận, huyện đều vi phạm hoặc thực hiện chưa đúng yêu cầu do Nhà nước quy định.
Một số vi phạm điển hình như: nhiều cơ sở chưa niêm yết kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, chưa khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ, chưa kiểm xạ nơi làm việc của nhân viên bức xạ và môi trường xung quanh cơ sở bức xạ hằng năm… Thậm chí, một số cơ sở không thực hiện việc đánh giá liều chiếu xạ cá nhân, không khai báo thiết bị bức xạ, cơ sở vi phạm cùng lúc nhiều quy định về an toàn bức xạ.
Lực lượng chức năng đang mở rộng vùng tìm kiếm thiết bị chứa chất phóng xạ bị thất lạc. |
Theo quy định, phòng đặt máy chụp X-quang phải đảm bảo nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như cửa ra vào phòng chụp phải làm bằng thép bạc hoặc các hợp chất chống tia xạ; tường, trần phòng chụp phải được trát vữa barit có khả năng cản xạ. Tuy thế, một cuộc thanh tra của Sở Y tế vừa qua đã phát hiện cơ sở sử dụng máy chụp X-quang một cách tùy tiện: không xin cấp phép, máy không đặt trong phòng chụp chuyên dùng mà đặt ngay cạnh cửa ra vào, gần nơi sinh hoạt của gia đình. Qua thanh tra cũng phát hiện một số cơ sở không đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi ngồi chờ trong phòng chụp X-quang mà không được mặc áo cản xạ.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở KH&CN Hải Phòng, nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm trên là do ý thức, nhận thức của một số cơ sở còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, một phần do điều kiện và khả năng kỹ thuật của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ kiểm định, kiểm xạ về an toàn bức xạ. Việc kiểm định, kiểm xạ hoàn toàn do các đơn vị kỹ thuật của Bộ KH&CN và một số đơn vị dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử thực hiện. Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 8 đơn vị tiến hành các hoạt động dịch vụ kỹ thuật cho các cơ sở (4 đơn vị của Viện Năng lượng nguyên tử, 1 đơn vị của Bộ Y tế, 1 đơn vị của Cục An toàn bức xạ hạt nhân và 2 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động).
Không đợi “vỡ bát mới kê cầu ao”
Được biết, trong thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ tăng cường năng lực cho Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (thuộc Sở KH&CN Hải Phòng) đáp ứng yêu cầu kiểm định thiết bị X-quang, kiểm xạ, phục vụ tốt cho quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn. Đề án tăng cường năng lực cho Trung tâm được thành phố phê duyệt, đang bước vào triển khai thực hiện.
Trong “Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Hải Phòng là một trong những thành phố nằm trong mạng lưới này. Để tạo cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý an toàn bức xạ hạt nhân, Hải Phòng đã tiến hành điều tra, đánh giá tình trạng bức xạ và xây dựng các bản đồ phông phóng xạ trên địa bàn. Cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đo suất liều bức xạ trong không khí, đất bề mặt, nước và sa lắng tại 1868 điểm trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, không có dị thường phóng xạ tự nhiên trên toàn thành phố.
Đồng thời, TP Hải Phòng còn “đặt hàng” Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) xây dựng các bản đồ về phông phóng xạ trên địa bàn Hải Phòng phục vụ cho công tác quản lý. Các bản đồ này đều ở dạng bản đồ kỹ thuật số, mở linh hoạt để có thể tra cứu các thông tin chi tiết về địa danh, tọa độ, giá trị suất liều gamma, tổng hoạt độ phóng xạ hay hoạt độ riêng của từng đồng vị phóng xạ. Các bản đồ này có thể cập nhật các dữ liệu mới.
Vừa qua, việc mất nguồn phóng xạ của Nhà máy Thép Pomina, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra yêu cầu các cơ sở, địa phương cần đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ. Hải Phòng cần tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ quy mô nhỏ… Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ. Hiện Kế hoạch này đang trình Bộ KH&CN phê duyệt.
Để góp phần đảm bảo an toàn bức xạ trên địa bàn, theo TS Vương Thu Bắc (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), các cơ sở bức xạ của Hải Phòng cần từng bước cải thiện kích thước và diện tích các phòng đặt thiết bị X-quang y tế theo TCVN 6561:1999 về an toàn bức xạ ion hóa tại các cơ sở X-quang y tế. Đối với các cơ sở y tế xây mới, cần bắt buộc thực hiện tiêu chuẩn này. Bên cạnh đó, các cơ sở trên cần thực hiện công tác phân loại, kiểm đếm nguồn phóng xạ theo quy chế. |