Bao giờ mới có mô hình kinh doanh thực phẩm sạch?
Thực phẩm bẩn chiếm ưu thế
Vụ dùng nhựa thông để giết mổ gia cầm xảy ra hồi năm ngoái tại Hải Phòng đã khiến xã hội ngỡ ngàng. Chỉ vì muốn tăng nhanh công suất giết mổ mà người kinh doanh sẵn sàng dùng nhựa thông với hàm lượng colophan cực lớn nung chảy để... tuốt lông vịt cho nhanh, bất chấp những tác hại vô cùng nguy hiểm khi chất này thâm nhập vào cơ thể người nếu ăn phải loại vịt "nhựa thông".
Món ăn gần gũi với nhiều người là thịt gà cũng khó để tin tưởng. Bằng mắt thường cũng có thể thấy được gà bệnh tật, ốm yếu thuộc diện thải loại từ các trang trại bên Trung Quốc liên tục nhập lậu về Việt Nam, đưa về bày bán tại các chợ, thậm chí cung cấp cho cả các nhà hàng chuyên doanh "gà tươi".
Cũng tại Hải Phòng, việc kinh doanh giết mổ gia súc bẩn như lợn chết, ốm, nhiễm dịch cũng đã được các cơ quan chức năng phát hiện ngay cả trong thời kỳ căng kíp nhất về kiểm soát phòng chống dịch lợn tai xanh, long móng lở mồm...
Những việc như thế nhiều không kể xiết, nhiều quá hóa quen, coi như chuyện bình thường xưa nay vẫn vậy. Song, những ai quan tâm đến vấn đề VSATTP đều bày tỏ sự bất an, đều cho rằng, người tiêu dùng vẫn còn quá nhiều thứ để lo lắng mỗi khi xách giỏ ra chợ. Mua rau sợ ăn phải thuốc sâu, mua thịt sợ ăn phải mầm dịch bệnh. Đến các loại thực phẩm đã qua chế biến cũng không đáng để tin cậy. Một khi đã không biết đâu sạch, đâu bẩn thì biết ăn gì để an toàn, để không tổn hại đến sức khỏe đây?
Trong con mắt các chuyên gia về y tế cộng đồng, những người có điều kiện đi đây, đi đó, được mở rộng tầm nhìn thì phát ngôn theo kiểu quy nạp: Chỉ có ở nước ta thì thực phẩm "bẩn" vẫn còn lý do để kinh doanh bình thường và người tiêu dùng nhắm mắt chấp nhận.
Thịt sạch ở đâu?
Nắm bắt xu hướng phát triển chung, trong đó có việc nâng cao nhu cầu ăn uống, từ nhiều năm trước đây, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu (CPTPXK) Huy Quang đã mạnh dạn đầu tư khu liên hợp sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, khép kín từ chăn nuôi đến chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô hàng chục tỷ đồng.
Bao gồm trang trại chăn nuôi lợn thịt trên 2000 con tại huyện An Lão, nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm gia súc, gia cầm sạch tại 769 Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân) đạt tiêu chuẩn Quacert, tiêu chuẩn ISO 22000-2005, đủ khả năng đáp ứng trên 60% tổng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch cho các quận nội thành và các vùng lân cận.
Theo ông Phạm Văn Công, Phó Chi cục Thú y Hải Phòng, sản phẩm của Công ty CPTPXK Huy Quang đã được kiểm tra theo quy trình nghiêm ngặt nhất của các cơ quan chức năng trước khi được công nhận là thực phẩm sạch, sạch từ nguồn (nuôi lợn thịt ở trang trại) cho đến khâu chế biến.
Đáng quan tâm nhất là công ty này đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành kiểm dịch, thú y, VSATTP để giám sát thường xuyên, liên tục quá trình hoạt động từ khâu chăn nuôi đến khâu chế biến và thực phẩm kinh doanh, bảo đảm sản phẩm cung ứng trên thị trường sạch theo đúng nghĩa.
Để đưa thực phẩm sạch ra thị trường, giai đoạn một hiện nay, Công ty Huy Quang đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng, thuê địa điểm mở 14 điểm cửa hàng, siêu thị thực phẩm sạch tại các khu vực nội thành đông dân cư, các chợ lớn trực tiếp cung cấp đến tay người tiêu dùng (không bán cho đại lý cấp II) duy nhất loại sản phẩm do chính mình sản xuất. Giá bán ngang hoặc rẻ hơn từ 10-20% so với các phản thịt trong khu vực kinh doanh.
Thông qua hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thế nào là thịt sạch, được cam kết bảo đảm các quyền lợi chính đáng nếu sử dụng sản phẩm của công ty.
Ông Bùi Công Trường, Giám đốc công ty cho biết, đến cuối năm 2008 sẽ nâng số cửa hàng, siêu thị thực phẩm sạch lên 40 điểm. Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng hệ thống này ra các tỉnh thành khác.
Sạch sẽ thắng bẩn
Tuy nhiên, để làm được việc có ích cho xã hội như vậy, công ty gặp không ít khó khăn, từ đối mặt với các kiểu cạnh tranh không lành mạnh của các hộ kinh doanh thực phẩm "bẩn" đến xoay xở nguồn vốn đầu tư lớn lại chưa đặt mục tiêu lợi nhuận vào thời điểm này. Song, về doanh thu có thể sẽ được bù đắp bằng các hoạt động kinh doanh khác.
Điều quan trọng là cần có sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ tạo những điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức cho cộng đồng về VSATTP, về thực phẩm sạch, về xã hội hóa việc kinh doanh thực phẩm sạch.
Cũng theo ông Trường, những ý tưởng này không mới, nhưng rất khó để thực hiện. Tuy nhiên, nếu hướng đến mục tiêu lớn hơn, vì sức khỏe của cộng đồng, dù khó mấy cũng có thể vượt qua được