Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại đồng bằng Sông Cửu Long
- 4 người tử vong vì tay chân miệng
- TP Hồ Chí Minh: Nhiều ca trẻ bị tay chân miệng nặng phải nhập viện
- Cứu bé trai suýt tử vong do tổn thương não vì tay chân miệng
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị tổng cộng 2.990 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, TP Cần Thơ có 1.251 trường hợp, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ. Đáng quan ngại, chỉ trong tháng 3, bệnh gia tăng đáng kể, lên đến 1.459 trường hợp (TP Cần Thơ có 451 trường hợp, các tỉnh khác là 790 trường hợp), tăng gấp 19,7 lần so với cùng kỳ.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ 30-50 trường hợp bệnh tay chân miệng, đa số ở mức độ nhẹ. Hầu hết bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn.
Nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 1 chỉ sốt nhẹ, kèm theo ban ở lòng bàn tay, bàn chân được điều trị, chăm sóc tại nhà. Từ mức 2A, bệnh nhân sốt cao, mạch nhanh phải vào cơ sở y tế để theo dõi chăm sóc.
Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. |
Tỉnh An Giang là địa phương có số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng cục bộ đầu năm đến nay, với khoảng 900 trường hợp, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đặc biệt có 1 trường hợp trên địa bàn huyện Tri Tôn tử vong.
Bác sĩ Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, xác định định bệnh tay chân miệng chủ yếu tập trung ở trẻ nhỏ, lây chủ yếu qua đường tiêu hoá nên ngành y tế tỉnh An Giang đã đẩy mạnh kết hợp với các trường học, nhất là trường mẫu giáo triển khai nhiều giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, thông thường dịch bệnh tay chân miệng bùng phát 2 đợt trong năm, đợt 1 từ tháng 3 - tháng 6 và đợt 2 từ tháng 9- tháng 11, nhưng năm nay ngay từ đầu năm bệnh đã tăng và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận có 1.207 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, so với cùng kỳ tăng 4,3 lần.
“Ở đâu xuất hiện trường hợp dương tính với tay chân miệng, đặc biệt là nơi nào có từ 2 trường hợp được chẩn đoán lâm sàng trong vòng 7 ngày, trong phạm vi 200 m thì đơn vị sẽ xử lý ở khu vực này ngay”, Bác sĩ Dương Ân Hận chia sẻ và cho biết nguyên nhân bệnh tay chân miệng tăng do các yếu tố dịch tễ chung.
Hiện đã xuất hiện chủng EV71 (chủng động lực cao) chiếm tỉ lệ khá cao, làm số ca nhiễm trong năm 2021 tăng. Do chủng bệnh EV71 khiến bệnh có chiều hướng nặng hơn và nhập viện nhiều hơn. Có thể trong thực tế còn nhiều nhưng ở thể nhẹ chưa phát hiện…
Về nguyên nhân bệnh tay chân miệng gia tăng từ đầu năm đến nay, Thạc sĩ, Bác sĩ Huy Thanh cho biết do thời tiết thay đổi khác hơn năm trước, thời gian này các bé đi học tập trung nên mức độ lây truyền nhiều hơn. Bệnh tay chân miệng do virus lan truyền qua đường hô hấp của các trẻ có mang mầm bệnh.
Do đó để phòng ngừa bệnh này cần vệ sinh, rửa tay cho các trẻ sạch sẽ, cho các trẻ ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vitamin, ăn đầy đủ các chất. Khi phát hiện các trẻ nổi bóng nước sớm thì nên hạn chế cách ly tránh các trẻ tiếp xúc với bé khác, vệ sinh vật dụng cá nhân... Đặc biệt, cha mẹ cần theo dõi sát các trẻ, khi thấy dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục không hạ, giật mình chới với liên tục (trong 30 phút có từ 3-5 cơn), đi loạng choạng dễ vấp ngã, thở nhanh… là dấu hiệu bệnh trở nặng, phải đưa bé đến cơ sở y tế ngay.