Bệnh viện quá tải bệnh nhi và người cao tuổi
Tiết trời lạnh, bệnh viện "nóng"
Sáng 6/1, tìm đến dãy hành lang của Khoa Khám nhi - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, khi ngoài trời nhiệt độ đang dưới 10 độ C, chúng tôi chứng kiến hình ảnh nhiều bệnh nhân nhi, người nhà bệnh nhân ngồi đợi đến lượt thăm khám.
Ngồi trên ghế dành cho người nhà bệnh nhân, chị Huyền nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sáng nay chị đã xin phép nghỉ làm để đưa cậu con trai mới 1 tuổi rưỡi đến khám bệnh do trước đó, trời đổ lạnh, cậu con trai ho nhiều đi kèm với sốt nhẹ...
Bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thăm khám cho một bệnh nhi (ảnh chụp sáng 6/1). |
Bác sĩ Nguyễn Thị Thơ - Khoa Khám nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết: Mấy ngày vừa qua, khi miền Bắc liên tiếp hứng chịu nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, phòng khám của khoa bình quân mỗi ngày đã tiếp nhận và chẩn trị cho trên 200 lượt trẻ nhỏ, chủ yếu dưới 5 tuổi. Cũng theo các bác sĩ của Khoa Khám nhi, con số này chưa kể đến khoảng 70 - 80 lượt trẻ nhỏ nhập viện vào thời điểm đêm tối. Đáng chú ý, do không được đưa đến cơ sở y tế khám chữa bệnh kịp thời, nhiều trường hợp trẻ nhỏ phải nằm điều trị nội trú. Con số này tăng gấp nhiều lần so với thường ngày.
Tiếp tục ghi nhận tại Khoa Điều trị Nội I - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, chúng tôi được các bác sĩ nơi đây cho biết: Những ngày qua, khoa cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân cao tuổi đến điều trị. Liên quan đến vấn đề này, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong những ngày qua, bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận, khám và chữa trị cho trên 1.000 lượt trẻ nhỏ. Đáng chú ý, trong số này, có không ít trường hợp được chuyển từ các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến dưới lên. Còn tại Viện Lão khoa quốc gia, tương tự như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, nơi đây cũng đặt trong tình trạng quá tải. Số lượng bệnh nhân cao tuổi đến thăm khám và nằm viện điều trị hằng ngày cũng lên tới 150 lượt.
Chủ động giữ ấm cho cụ già, trẻ em
Theo quy luật, hằng năm, hễ vào thời điểm mùa đông về, các tỉnh phía Bắc lại rơi vào tình trạng giá lạnh. Nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, người dân nhất là trẻ em và người cao tuổi luôn đứng trước nguy cơ phải nhập viện.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa II, Phùng Nhã Hạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết: Thời tiết diễn tiến thất thường, khí lạnh tăng cường là một trong những nguyên nhân khiến lượng trẻ em, người cao tuổi nhập viện gia tăng trong thời gian qua. Dự liệu trước những nguy cơ do rét đậm, rét hại gây ra, ngay từ thời điểm đầu mùa đông, ngoài những trang thiết bị, công cụ y tế thông thường, bệnh viện đã tăng cường thêm nhiều hệ thống sưởi ấm, chăn đệm nhằm kịp thời phục vụ bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phùng Nhã Hạnh, chỉ tính riêng 5 ngày trở lại đây, số lượng bệnh nhi (chủ yếu dưới 6 tuổi) với các triệu chứng như: viêm phổi, viêm phế quản, cảm lạnh, tiêu chảy do virus… lui tới bệnh viện thăm khám, điều trị lên tới trên 1.500 lượt. Còn bệnh nhân cao tuổi với các triệu chứng: cao huyết áp, trụy tim mạch, viêm phổi nặng… được đội ngũ, y bác sĩ bệnh viện thăm khám, điều trị thì đạt "ngưỡng" trên 3.000 lượt.
Theo bác sĩ Phùng Nhã Hạnh, một trong những nguyên nhân khiến số lượng trẻ em, người cao tuổi nhập viện có chiều hướng gia tăng trong thời qua chính là do bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chủ quan trong việc phòng chống bệnh. Nhiều gia đình chưa chú ý sát sao hoạt động của trẻ, không cho trẻ mặc ấm… thế nên, khi tiết trời trở lạnh đột ngột, trẻ rất dễ nhiễm bệnh. Còn đối với người cao tuổi, thói quen dậy sớm tập thể dục vào buổi sáng, ra đường không mặc áo ấm, không ăn uống các chất bổ, đề kháng cao… là những tác nhân chủ yếu làm xuất hiện các bệnh như: trụy tim mạch, viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp… Có không ít trường hợp còn bị đột quỵ, nguy kịch đến tính mạng do dậy tập thể dục vào thời điểm 4-5h sáng phải nhập viện điều trị.
Trước những diễn tiến thất thường của thời tiết, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội khuyến cáo, các gia đình có con em nhỏ tuổi cần mặc ấm cho trẻ, chú ý lúc đêm ngủ vì thời điểm này trẻ thường lật chăn. Đặc biệt, khi ra ngoài đường, trẻ nhỏ, người già phải giữ ấm cho vùng đầu, cổ, ngực và bàn chân của mình. Cũng theo các bác sĩ, thay vì ra ngoài tập thể dục vào lúc sáng sớm (4 - 5h), khi thời tiết khắc nghiệt, người già hãy vận động nhẹ nhàng trong nhà. Việc tắm và gội không nên tiến hành một lúc. Khi phát hiện trẻ nhỏ, người cao tuổi có biểu hiện như sốt, ho, khó nói, mất vận động… cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để cấp cứu, điều trị. |