Biển miền Trung đã vui trở lại
- Công ty Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm
- Vụ Formosa: Xem xét kỷ luật lãnh đạo Bộ TN&MT và Hà Tĩnh
- Cơ quan chức năng nói rõ về “Cống xả thải Formosa” gây chấn động dư luận
Tại bãi tắm biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, nơi một thời được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm”, khách đã quay trở lại tắm biển từ hai tuần nay, kể từ sau khi xảy ra sự cố môi trường biển…
Cùng với tin vui trên, việc đánh bắt thủy hải sản của bà con ngư dân ở Quảng Trị đã có những tín hiệu đáng mừng. Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, phấn khởi, cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay lượng thủy hải sản do bà con ngư dân ở địa phương đánh bắt được có trội hơn, với khoảng trên 1 nghìn tấn”.
Rất đông khách thập phương đã đến tắm biển ở Cửa Việt. |
Cũng theo ông Cảm, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo tích cực của các cấp chính quyền, ban ngành chức năng, về chuyển đổi sinh kế cho ngư dân. Tuy nhiên, do diện tích đất nông nghiệp rất ít, hơn nữa từ bao đời nay, bà con đã gắn bó với nghề biển truyền thống, nên không ai muốn rời bỏ nghề này để chuyển đổi sang nghề khác.
“Trước sự mặn mà, thủy chung với biển của bà con ngư dân, chính quyền sở tại đã đề xuất với cấp trên, tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận, vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền, đánh bắt cá ở tầng nước nổi và xa bờ, thay vì đánh bắt tầng đáy như trước đây, nhằm đạt được hiệu quả cao, cũng như các loại thủy hải sản đánh bắt được dễ bán ra thị trường”, ông Cảm bày tỏ.
Theo đó, thời gian qua, nhiều hộ gia đình ở thị trấn Cửa Việt đã được tạo điều kiện để vay vốn với lãi suất ưu đãi, đã tiến hành cải hoán, nâng cấp các loại tàu thuyền từ dưới 90CV lên trên 90CV, nhằm đáp ứng nhu cầu đi biển xa bờ và đánh bắt cá, tôm ở tầng nước nổi như đã nói ở trên. Từ đầu năm đến nay, bà con chủ yếu đánh bắt bằng lưới bùng nhùng, với sản lượng đánh bắt được khá cao, bình quân 1 tàu với 1 chuyến đi biển khoảng 2 tuần, thu về từ 3-5 trăm triệu đồng lãi ròng.
Hiện tại, địa phương đang tiếp tục giúp đỡ bà con ngư dân có tàu thuyền đi biển từ 20 hải lý trở vào, được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền, vươn khơi bám biển, vừa mưu sinh, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương…
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Từ sau khi bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp đủ cho người dân vùng biển gần 3.000 tấn gạo, 12.592,400 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp cho tàu thuyền tạm ngừng khai thác và diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng. Các huyện đã khẩn trương, triển khai nghiêm túc tới các xã để kịp thời hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.
Đến nay, các huyện đã hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường biển cho người dân. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh phát động ủng hộ hơn 12,5 tỷ đồng và trên 90 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân từng bước ổn định sản xuất, sinh hoạt. Hỗ trợ 16 xã, thị trấn vùng biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển kể trên, với mỗi xã, thị trấn 300 triệu đồng để xây dựng mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân”.
Với sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, cùng các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể và địa phương, sau sự cố môi trường biển, tình hình đời sống của bà con ngư dân, cũng như người dân ven biển tỉnh Quảng Trị nói chung đã dần ổn định và sản xuất đã dần phục hồi trở lại; các làng biển đã có nhiều khởi sắc đi lên...