Bình Định cấp bách phòng chống cháy rừng

08:02 08/07/2019
Do tình hình nắng nóng và gió Tây Nam thổi mạnh nên những ngày qua, một số nơi trên địa bàn miền Trung liên tục xảy ra các vụ cháy rừng trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến diện tích rừng trồng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, cùng với các lực lượng chức năng của tỉnh, Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Bình Định đã thực hiện các giải pháp PCCC rừng, nêu cao tinh thần thường trực sẵn sàng cứu chữa, dập tắt đám cháy ngay từ đầu, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.


Hiểm nguy từ những vụ cháy rừng

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Bình Định, từ tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2019, liên tục xảy ra 8 vụ cháy rừng trồng, trong đó TP Quy Nhơn xảy ra 6 vụ. Dù các ngành chức năng và dân quân đã huy động lực lượng cứu chữa kịp thời nhưng các vụ cháy đã gây thiệt hại gần 40ha rừng trồng.

Nguyên nhân được xác định là do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa, đốt rác, hút thuốc lan nhanh qua đám thực bì dẫn đến cháy lan sang diện tích rừng trồng. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh đã huy động trên 30 lượt xe và hơn 200 lượt CBCS đến hiện trường tích cực chữa cháy, khống chế ngọn lửa không để lây lan, ngăn ngừa thảm họa do cháy rừng gây ra.
Cảnh sát PCCC và CNCH chữa cháy rừng tại khu vực núi Vũng Chua.

Trung tá Đoàn Viết Ngân, Đội trưởng Chữa cháy và CNCH số 1 trực tiếp chỉ huy chữa cháy cho biết, các vụ cháy ở núi Bà Hỏa và Vũng Chua Quy Nhơn, do địa hình đồi núi, đường sá chật hẹp nên xe chữa cháy khó tiếp cận để dập lửa. Nhiều vụ nối ống nước chữa cháy dài mấy trăm mét, khiến áp lực nước yếu, khó khăn cho phương án chữa cháy.

Như 2 vụ cháy liên tiếp chiều 28-6 và trưa 30-6 tại khu vực 2 và 3, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, khó tiếp cận và tiếp nước, nên rất khó khăn để khống chế lửa cháy lan đến khu vực nhà dân nằm san sát ngay triền núi.

Lực lượng chữa cháy rất khẩn trương, huy động tối đa lực lượng dân phòng, kiểm lâm, chiến đấu trong điều kiện nắng rát và sức nóng của lửa mới khống chế không để cháy lan, đảm bảo an toàn cho tài sản người dân. Hoặc như vụ cháy xảy ra lúc 2 giờ sáng 1-7 tại khu vực đèo Chánh Oai (xã Cát Hải, Phù Cát) đã thiêu rụi hơn 3ha rừng bạch đàn.

Điều đáng nói là đám cháy đe dọa đến an toàn của 2 trạm Viba và phát sóng Viettel nên các lực lượng chữa cháy rất khẩn trương để khống chế, ngăn lửa cháy lan. Phải sau 4 tiếng đồng hồ tích cực chữa cháy xuyên đêm mới khống chế được đám cháy, bảo vệ an toàn cho công trình.

Trung tá Ngân cũng cho biết, chữa cháy ở vùng đồi núi ngoài sức nóng và địa hình phức tạp, lính chữa cháy khó di chuyển, phương tiện khó tiếp cận, nước chữa cháy thiếu, lượng ô-xy trong vùng bị đốt cháy nên rất ngột ngạt, dễ gây ngất xỉu, lính chữa cháy ngại nhất là các loại bom mìn trong chiến tranh còn nằm trong lòng đất gặp nhiệt độ cao dễ phát nổ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Cách đây không lâu, vụ cháy rừng ở Núi Bà (thuộc xã Cát Tài, Phù Cát, là khu căn cứ địa cách mạng trước giải phóng), nhiều loại bom mìn phát nổ kinh hoàng trong đám cháy khiến lực lượng chức năng không thể tiếp cận để chữa cháy. Mới đây, vụ cháy xảy ra chiều 4-7 tại khu vực 1, phường Ghềnh Ráng (gây thiệt hại khoảng 4.000 m2 rừng keo và bạch đàn), khi đã khống chế đám cháy thì những người lính chữa cháy kinh hoàng khi phát hiện 1 quả đạn pháo nằm lộ thiên trong khu vực vừa cháy, rất may là chưa phát nổ.

Toàn dân PCCC rừng

Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Bình Định cho biết, nhiều vụ cháy là do con người không tuân thủ quy định về PCCC rừng như sơ ý vứt tàn thuốc, đốt rác, dọn thực bì gặp gió Tây Nam thổi mạnh, lửa phát tán gây cháy lan.

Cũng không ít trường hợp bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhất là các loại đạn phốt pho gặp nhiệt độ cao tự phát nổ phát tán chất gây cháy. Vì vậy, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với kiểm lâm, bảo vệ lâm trường thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC.

Ở các phường dọc núi Bà Hỏa, Vũng Chua như Đống Đa, Lê Hồng Phong, Ghềnh Ráng, Ngô Mây, Quang Trung, người dân lấn chiếm đất xây nhà, sống chen chúc trên các triền núi, Cảnh sát PCCC đã tham mưu xây dựng nhiều mô hình và giáo dục người dân tuân thủ các quy định về PCCC, cẩn thận khi đốt thực bì, rác sinh hoạt và vàng mã khi viếng mộ.

Đặc biệt, ở khu vực 4, phường Đống Đa; khu vực 2 và 3 phường Ghềnh Ráng, người dân viếng mộ thường đốt vàng mã ở khu nghĩa địa nằm sát chân núi, địa hình cách trở, đường sá nhỏ hẹp. Khi xảy ra cháy rất khó triển khai phương tiện chữa cháy nên Cảnh sát PCCC và kiểm lâm đã trang bị phương tiện chữa cháy nhỏ gọn như bình chữa cháy, can nhựa đựng nước, dụng cụ dập lửa cho dễ cơ động và huấn luyện kỹ năng sử dụng cho lực lượng dân phòng khi có cháy xảy ra.

Trước tình trạng cháy rừng gia tăng, Công an tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách để PCCC rừng. Từng đơn vị chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý và bảo vệ rừng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC rừng, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng phương án hiệp đồng, điều động phương tiện, vật tư, trang thiết bị, xây dựng phương châm “4 tại chỗ”.

Giải pháp huy động lực lượng tại chỗ gồm dân phòng, dân quân và người dân địa phương triển khai lực lượng chữa cháy, khống chế ngọn lửa ngay từ đầu, ngăn chặn lửa phát tán trên diện rộng gây khó khăn cho chữa cháy rừng. 

Tấn Tài

Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có chiều dài lên đến 1.012 km. Trong đó, địa bàn thành phố trước khi sáp nhập có 12 tuyến, tổng chiều dài khoảng 582km; tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 305km và trong số này có 6 tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập có 3 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 125km.

Nhiều ngày qua, tiết trời nắng nóng như trút lửa xuống dải đất miền Trung. Trong cái nắng nóng oi ả giữa trưa hè tháng 7, những CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn căng mình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động, đưa đón những thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến các điểm thu nhận mẫu ADN…

Những khu dân cư hiện hữu với đường hẻm nhỏ hẹp ở khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại, nếu muốn cải tạo, chỉnh trang đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức. Vì vậy công tác phòng cháy hiệu quả nhất vẫn là ý thức của mỗi hộ gia đình, phải biết cứu lấy sinh mạng, tài sản của mình trước vì “giặc lửa” cũng như cơn cuồng phong, chỉ trong chớp mắt đã cuốn phăng tất cả nên không thể chủ quan chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Dẫu nắng hay mưa, dẫu ngày hay đêm, khó khăn vất vả, 2.233 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua vẫn luôn cần mẫn, năng nổ, nhiệt tình cùng lực lượng Công an cơ sở hàng ngày góp sức mình giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Quý Vương, Chủ tịch Hội Cựu CAND Việt Nam, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã đồng chủ trì Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Cựu CAND Việt Nam trong công tác bảo đảm ANTT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.