Bình Dương không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

16:35 01/09/2020
Thoát nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở xây dựng các giải pháp đột phá, nhiều cách làm hiệu quả, tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo ổn định cuộc sống, hơn 3.000 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều của tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020 là bức tranh phản ánh thực tế về công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian qua. ​​


Chung tay cùng người nghèo vượt khó

Anh Nguyễn Thành Sang (ngụ ấp Tân Minh, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng) bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, gia đình lại đông anh em, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 2011, anh lập gia đình, thu nhập của hai vợ chồng phụ thuộc vào công việc làm thuê, vì thế cuộc sống luôn bấp bênh. 

Khó khăn càng thêm chồng chất khi gia đình lần lượt đón thêm hai thành viên nhỏ ra đời, bản thân anh Sang lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong lúc bế tắc nhất, gia đình anh Sang đã tìm được hướng đi mới nhờ vào sự  giúp đỡ của địa phương. Thuộc diện hộ nghèo, anh Sang được hỗ trợ một căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng và nhiều chính sách dành cho người nghèo. Bên cạnh đó, anh còn được địa phương tạo điều kiện cho học nghề điện tử.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (thứ 5 từ trái qua), Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Thanh Trúc (thứ 3 từ phải qua), Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Sau khi thành thạo tay nghề, anh quyết định thuê mặt bằng mở tiệm điện cơ, điện tử; còn vợ anh có thêm công việc bán hủ tíu. Hiện tại, thu nhập trung bình hàng tháng của gia đình anh là 08 triệu đồng và được địa phương công nhận thoát nghèo vào cuối năm 2018. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương mà cuộc sống gia đình anh Sang đã bước một trang mới tràn đầy niềm tin và động lực phấn đấu. 

Anh xúc động, chia sẻ: “Có được cuộc sống như ngày hôm nay gia đình tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ về mặt vật chất và tinh thần để gia đình tôi vươn lên có cuộc sống ổn định, không còn là gánh nặng cho xã hội. Ngoài tích cực lao động sản xuất, tôi còn nhiệt tình tham gia các hoạt động khi ấp và xã phát động, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những hộ gia đình còn khó khăn”.

Sự đổi thay từ đời sống vật chất cho đến nhận thức của những hộ nghèo như anh Sang là minh chứng rõ nét nhất trong hướng đi đúng đắn về công tác giảm nghèo mà tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo đã trở thành một mặt trận rộng khắp trong toàn tỉnh.

UBND phường Phú Cường trao nhà đại đoàn kết cho người nghèo.

Điểm sáng tạo trong thực hiện các chính sách giảm nghèo của tỉnh là không đầu tư dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm và dồn lực theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, hỗ trợ đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. Từ đó khơi dậy được ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi hộ nghèo. Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 là hơn 1.286 tỷ đồng, trong đó, hơn 122 tỷ từ nguồn xã hội hóa. Theo đó, các dự án, chính sách, chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở các địa phương như: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật…

Từ năm 2016 đến nay, Bình Dương đã giải ngân 4.449 tỷ đồng cho hộ nghèo, sinh viên… vay vốn; miễn, giảm học phí cho trên 54.000 lượt học sinh, sinh viên là con hộ nghèo; hỗ trợ xây và sửa chữa 537 căn nhà cho hộ nghèo (từ 50 đến 80 triệu đồng/căn). 

Đồng thời, các cấp hội, đoàn thể đã mở 325 lớp tập huấn chuyển giao hoa học kỹ thuật cho trên 10.600 nông dân, hộ nghèo tham gia. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo cũng được quan tâm, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã cấp phát trên 113.000 lượt thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo. Song song đó, tỉnh còn thực hiện tốt các chính bảo trợ xã hội, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo.

Giảm nghèo bền vững

Năm 2018, Bình Dương đã xây dựng Bộ tiêu chí điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, phù hợp với thực tiễn và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó giúp các đơn vị, địa phương căn cứ vào thực tiễn xây dựng những giải pháp, các mô hình giảm nghèo điển hình bền vững.

Đơn cử như TP Thuận An, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, thành phố đã kết hợp cả hai yếu tố nội lực và ngoại lực. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho hộ nghèo, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị cùng nhập cuộc trong công tác vận động tuyên truyền, tổ chức các buổi đối thoại với người nghèo. 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đặc biệt, phát huy vài trò của từng cán bộ, đảng viên tại cơ sở như đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, chỉ dẫn cách làm ăn. Cùng với đó là huy động các nguồn lực xã hội với phong trào “nhường cơm sẻ áo” của người có điều kiện cho người nghèo…Với sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, tỷ lệ hộ nghèo của Thuận An đã giảm xuống dưới 1% trong năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội  thành phố Thuận An, cho biết: “Công tác giảm nghèo của thành phố đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Ban chỉ đạo công tác  giảm nghèo tỉnh, của Thành ủy, UBND cùng với đó là sự nhập cuộc tích cực của các ban ngành đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở để thành phố đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo ngày càng nhiều và thiết thực  hơn giúp cho người dân tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng và Nhà nước, hộ nghèo an tâm để sản xuất phat triển kinh tế vươn lên thoát nghèo”.

Có thể nói, yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả, chất lượng của công tác giảm nghèo được các địa phương chú trọng là tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo “cho cần câu thay vì cho cá”. Theo đó, nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả tại các địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho hộ nghèo thông qua các mô hình kinh tế,  xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, tư vấn giới thiệu việc làm, mở các lớp dạy nghề. 

Từ năm 2016 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã mở 114 lớp dạy nghề cho trên 2.200 học viên là lao động phổ thông, tổ chức 76 đợt tuyển sinh đào tạo nghề với sự tham gia của trên 35.000 học viên, giới thiệu việc làm cho trên 12.000 lao động, xây dựng 94 hợp tác xã, tổ hợp tác...

Qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh còn 3.806 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,31%. Như vậy, từ năm 2016 đến cuối năm 2019, toàn tỉnh giảm được 3.102 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh giảm 4.556 hộ nghèo, đảm bảo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu của giai đoạn đề ra, cơ bản không có hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, không có hộ tái nghèo. 

Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo còn dưới 2,5% theo chuẩn đa chiều mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đề ra những nhóm giải pháp: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ giáo dục và đổi mới hình thức đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo…

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện Bình Dương là một trong 6 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia (gấp 1,7 lần). Có thể nói đây là một kết quả hết sức khả quan trong giai đoạn vừa qua. Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tỉnh luôn quan tâm bố trí, dành nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Trúc nhấn mạnh, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, các ngành, các cấp, tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh cần đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo. Đồng thời tập trung rà soát các mô hình sinh kế hiệu quả, triển khai nhân rộng chuyển giao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo…Đặc biệt, vấn đề mấu chốt là khơi dậy được ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong mỗi hộ nghèo.

M.Nhi

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文