Cần có chính sách để giáo viên mầm non “trụ” với nghề

06:13 15/03/2021
Cho tới thời điểm hiện tại, ngành Giáo dục vẫn hết sức lúng túng trong việc tìm cách giữ chân giáo viên (GV) mầm non dù nhu cầu tuyển dụng luôn cao. Số liệu cho biết, trong tổng số giáo viên (GV) bị thừa trên cả nước là khoảng 27.000 GV công lập từ tiểu học đến THPT thì lượng GV thiếu ở khối mầm non cũng “ngang ngửa” là tới hơn 30.000 người.


Rõ ràng, nhu cầu tuyển dụng là luôn cao nhưng như chia sẻ từ nhiều người trong cuộc, ngán ngẩm trong nghề, chán nản muốn bỏ cuộc là tâm lý chung của nhiều người làm nghề giữ trẻ.

Đằng sau quan niệm “Giáo viên mầm non là nghề đặc thù”

Chia sẻ với PV Báo CAND, cô Nguyễn Trúc Mai đã có thâm niên trên 24 năm trong nghề GV mầm non thuộc một trường học tại TP Hồ Chí Minh, nói: “Cái chính khiến GV mầm non nản lòng, nhiều người muốn bỏ nghề không phải là mức lương thấp hơn so với đồng nghiệp cũng làm nghề giáo như mình như GV các cấp khác, mà là điều kiện và môi trường làm việc cho GV. Làm sao phải thoải mái để khi tới trường lòng yêu trẻ là yếu tố cốt lõi để GV chúng tôi làm nghề không bị mất lửa”.

Theo cô Mai, cô có một người cháu ruột cũng vừa xin nghỉ việc khỏi một trường mầm non mà chấp nhận về nhà bán hàng online. Dù cách đây 4 năm khi thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm, Khoa Mầm non, cô cháu đã gọi điện vui sướng khoe với cô rằng đã thực hiện được ước mơ làm cô giáo mầm non vì cô nói cô rất yêu trẻ.

“Cô bé này mồ côi cha mẹ sớm nên tôi tin rằng cháu nó nói yêu trẻ là tâm sự thật lòng. Thế nhưng, sau khi ra trường năm 2018, cô giáo trẻ này xin về dạy học tại một trường mầm non thuộc huyện ngoại thành Củ Chi. Chân ướt chân ráo chưa đầy 2 năm đi làm thì chính thức đầu năm 2021, cô cháu buồn rầu thông báo đã xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực công việc hàng ngày”, cô Mai nói.

Chia sẻ về chuyện của cô cháu gái, cô Mai biết, cô quá hiểu những chuyện áp lực trong công việc của các cô giáo mầm non khi mới bước vào nghề. Với những người có kinh nghiệm lâu năm như cô Mai thì áp lực phải nghe lũ trẻ quấy khóc inh ỏi khi cha mẹ rời bước khỏi lớp con để đi làm; hay áp lực trong suốt 8 tiếng lo cho trẻ ăn, cho trẻ đi vệ sinh, cho trẻ học bài, trẻ ngủ… không phải là việc không vượt được qua. Với người có kinh nghiệm như các cô thì biết phải lên lớp vào một ngày mới ra sao để cho công việc tốt nhất. Về mức lương thua kém hơn so với các đồng nghiệp cùng làm nghề giáo, cô cũng cho rằng thu xếp rồi cũng sẽ ổn.

Cô Mai cho biết, khi chưa có dịch COVID-19, bản thân cô đã tự tạo thêm thu nhập do hoàn cảnh vừa phải nuôi chồng bị bệnh hen suyễn, vừa phải chăm con. Vì vậy, sau 17 giờ hàng ngày, cô nhận với phụ huynh dạy kèm chữ cho trẻ lớp tiểu học với mức thù lao là 300.000 đồng/trẻ. Cô nhận dạy rèn chữ cho 3 trẻ. Để có mỗi tháng có thêm nguồn thu nhập này, kết thúc giờ làm việc tại trường là 16h30, cô phải chạy nhanh về nhà để kịp “nhập cuộc” mưu sinh này. Công việc kéo dài 2 tiếng. 19h kết thúc giờ rèn chữ cho trẻ, cô lại lao vào việc gia đình. 22h, cô vào bàn làm việc lo soạn giáo án cho buổi lên lớp sáng hôm sau. Nhất là nếu hôm sau lớp có dự giờ của Ban Giám hiệu thì việc soạn giáo án phải hết sức chỉn chu. Việc chuẩn bị lên lớp này với GV mầm non, các cô giáo luôn phải chịu cực hơn. Với GV THCS, các sản phẩm minh họa cho bài giảng đã có sẵn để giảng dạy trực quan, nhưng GV mầm non lại phải tự tìm kiếm nguyên vật liệu, tự ngồi làm để chuẩn bị đồ dùng học tập minh hoạ cho các cháu. Ví dụ muốn minh hoạ cho các bé hiểu về chữ “Ca” phải ít nhất có cái ca nhựa cho các cháu hình dung. Chữ “Cờ” thì phải chuẩn bị cái cờ đỏ sao vàng 5 cánh chuẩn bị trước.

Hiện nay, mỗi lớp học mầm non các cô phải trông trên 40 cháu/lớp. Hai GV thay nhau trông chừng. Vì vậy, buổi trưa, các cháu ngủ thì 1 trong 2 cô vẫn phải thức để trông các cháu. Với các lớp trẻ 2-3 tuổi thì các cô còn vất vả hơn vì các cháu hết ăn uống, khóc, lại đòi đi vệ sinh khiến các cô giáo phải luôn tay. Trời nóng bức, vừa buông đứa trẻ này đã lo bế đứa trẻ khác, tay chân thường xuyên mỏi nhừ sau 1 ngày làm việc.

Nhiều năm qua, 23h khuya cô Mai mới đi ngủ. Tuy nhiên, dù phải mưu sinh vất vả như vậy nhưng mỗi khi nghĩ về nghề GV mầm non, cô Mai vẫn tự nhủ “yêu nghề nghề không phụ”.

Một GV mầm non khu vực quận Gò Vấp chia sẻ, dù công việc của GV mầm non có thể chỉ cần gạch đầu dòng, nhưng thực tế, các cô phải làm rất nhiều những việc không tên. Thông thường mỗi ngày lên lớp cô giáo mầm non phải có mặt tại lớp từ 6h - 6h30 sáng để đứng trước cửa lớp đón các bé. 7h phụ huynh đi làm. Qui định, 16h là giờ trả trẻ nhưng nhiều phụ huynh mải việc cơ quan, 17h cũng chưa về kịp trường, các cô vẫn phải trông và đợi phụ huynh về trao trẻ tận tay.

Sẽ chi 250 tỷ đồng mỗi năm giữ chân giáo viên mầm non

Mới đây, khi đề cập tới nghề nghiệp của GV mầm non, Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng đã đưa vấn đề sẽ có kế hoạch điều tra, nghiên cứu về điều kiện lao động của GV mầm non.

Đặc biệt là nghiên cứu, khảo sát về mức tiêu hao năng lượng, mức độ căng thẳng nghề nghiệp, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi... với lao động diện này nhằm khảo sát, đánh giá đặc điểm điều kiện lao động thực tế của GV mầm non (theo quy định tại Văn bản số 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 1-8-1995 của Bộ LĐ-TB&XH về Hướng dẫn xây dựng nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).

Để xác định một công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phải có nghiên cứu khoa học cụ thể. Tuy nhiên, thực tế, hiện mỗi năm vẫn có hàng ngàn GV mầm non nghỉ việc hoặc về hưu sớm. Ghi nhận đầu vào ngành trung cấp mầm non là 100% thì đầu ra chưa tới 30% do rơi rớt hết trong quá trình học tập giáo sinh bỏ học giữa chừng. Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất sử dụng hơn 250 tỷ đồng mỗi năm để giữ chân người lao động trong khối này.

Trong tờ trình gửi HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết đang thiếu hơn 11.000 GV mầm non, riêng khu vực công lập thiếu hơn 3.300 người. Trong đó, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. UBND thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ cho GV mầm non gồm cả việc bổ sung GV mỗi lớp đủ như quy định bằng việc thực hiện hợp đồng bổ sung theo dạng khoán, sử dụng ngân sách để chi trả.

Thành phố cũng muốn nâng cao thu nhập và chế độ đãi ngộ cho GV mầm non, như: thêm tiền phụ cấp, tiền khuyến khích người có trình độ cao, tăng lương... Thực tế, ngoài thu nhập thấp, không tương xứng với cường độ công việc chính là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều GV mầm non không trụ nổi với nghề thì còn nhiều nguyên nhân khác.

Thời gian làm việc của GV mầm non thường kéo dài 10-12 giờ mỗi ngày, trong khi điều kiện chưa thoải mái để họ cống hiến. Yêu cầu của phụ huynh ngày càng cao với việc chăm sóc con trẻ; việc phát triển mạnh của mạng Internet, nhiều phụ huynh sẵn sàng lợi dụng mạng để có lời nói, hành động xúc phạm và tổn hại đến GV nếu có việc không hài lòng. Điều này cũng là một áp lực tinh thần rất lớn cho nghề GV mầm non hiện nay.

Huyền Nga

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文