Cần sớm trang bị áo phao cho khách qua sông
Ngày 7/10/2006, một vụ lật đò kinh hoàng đã xảy ra tại bến đò Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An làm chết 19 học sinh. Nhưng cũng tại Nghệ An có một bến đò mà đã 10 năm nay chưa xảy ra một tai nạn gây chết người nào. Nguyên nhân thật đơn giản: tất cả mọi người trước khi lên đò đều buộc phải mặc áo phao.
Chúng tôi đáp chuyến đò Phuống từ dốc chợ Cồn (Thanh Yên, Thanh Chương) sang Thanh Giang giữa cái nắng chói chang sau mùa mưa lũ. Nước hạ lưu sông Lam đục ngầu tung bọt trắng xóa. Theo ước tính của người dân sống ven sông thì nước đã lên đến 7 mét so với mức bình thường.
Hơn chục khách lỉnh kỉnh những thúng hàng sau buổi chợ. Điều tôi chưa thấy ở bất cứ bến đò nào là ai nấy đều tự giác tiến đến chiếc thùng thiếc đặt vững chãi trên nóc thuyền lấy áo phao. Rồi bà con giúp nhau mặc áo rất nhanh. Duy chỉ có hai vị khách lạ chưa đi lần nào thì không chịu mặc.
Bác tổ trưởng tổ đò Nguyễn Viết Hiệng đưa hai cái áo vào tay khách rồi nói nhẹ nhàng: “Sông nước nỏ biết mô mà lần, cô chú chịu khó mặc vào cho an toàn. Bà con đều mặc hết cả rồi đấy. Cô chú có mặc thì thuyền mới xuất phát”.
Lời nói tuy nhẹ nhàng nhưng rất kiên quyết của bác Hiệng đã làm cho hai vị khách vui vẻ mặc cái áo phao dày cộp vào người. Khi tất cả hành khách đã mặc áo phao, anh lái đò trẻ nhất tổ Trần Văn Chiến mới khởi động máy cho thuyền chạy.
Vừa xếp cẩn thận những chiếc áo phao còn lại vào thùng, bác Hiệng vừa tâm sự: “Bến đò chúng tôi là địa bàn đầu tiên trong tỉnh Nghệ An được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Đường sông Việt Nam chọn phát áo phao để chủ thuyền giao cho khách. Từ khi được giao 30 cái áo phao đến nay có rất nhiều thay đổi trong việc chuyên chở khách qua sông và trong cả nhận thức của người dân.
Để người dân ý thức được như bây giờ, tự động mặc áo phao mà không cần nhắc nhở, chúng tôi đã mất gần một năm tuyên truyền liên tục. Đôi khi dùng cả biện pháp “cứng rắn” như "cảnh cáo" những khách hàng nhất định không mặc lại còn phản ứng. Họ nói chúng tôi “thần kinh”, “dở hơi” vì bao nhiêu năm nay họ đi đò không có áo phao mà có sao đâu (?). Thời tiết nóng bức bắt họ mặc áo bí hơi, nên họ phản ứng.
“Dân mình quen giản tiện, ít khi để ý đến những chuyện áo phao, phao cứu sinh". Những tháng đầu cả tổ cứ nói đi nói lại, cứ thuyền chạy lại phổ biến cho bà con về an toàn sông nước. Đến độ những “lão làng” sông nước như bác Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Viết Hiệng (có hơn 20 năm chở khách trên bến Phuống) được bà con gọi là “ông tuyên truyền áo phao”.
Ngay những anh lái thuyền trẻ măng cũng nắm rất rõ những quy định của một bến đò “đạt tiêu chuẩn quốc gia”. Anh Chiến cười: “Lái đò, thuyền viên không nắm rõ thì làm sao tuyên truyền cho bà con mình. Đó là chưa kể các em học trò hiếu động rất hay hỏi nhiều điều nên mình phải học thuộc và phổ biến kiến thức an toàn giao thông đường thủy nội địa”.
Bác Mai, một người dân thường xuyên đi lại trên đò của tổ lái đò xã Thanh Giang, góp vui: “Lúc đầu ai mà chả ngán khi khoác vào cái áo phao dày kia. Nhưng rồi thấy bác Hiệng, bác Hoàn nói đúng mà cũng vì lo cho tính mạng của mình nên giờ thì quen rồi. Lên đò mà không mặc là rầy lắm đó”.
Công việc của một người lái đò luôn chứa đựng những vất vả, đặc biệt là gánh nặng tâm lý đảm bảo an toàn tính mạng của khách hàng. Ngồi một buổi nhìn các tổ viên trong tổ thuyền Thanh Giang làm việc tôi nghĩ họ phải làm gấp đôi, gấp ba những lái đò bình thường khác. Khi nhận áo phao được cấp, tổ đã phải ký cam kết đảm bảo giữ gìn cẩn thận. Trời nắng thì nắp thùng đựng áo phải đóng xốp cho giảm nhiệt độ. Trời mưa thì “chỉ cần khách xuống bến, trả áo là anh em thay nhau lấy giẻ khô lau áo để tránh nước làm hỏng áo. Áo bẩn là phải giặt giũ sạch sẽ ngay”.
Bác Hoàn chỉ cho tôi cái móc treo lủng lẳng những phao cứu hộ rồi nói: “Treo áo và phao làm sao cho khi xảy ra sự cố bà con lấy nhanh nhất. Chúng tôi hướng dẫn cách thổi còi cấp cứu gắn trên áo cho bà con. Rồi thì tập hô hấp nhân tạo nếu xảy ra tình huống xấu nhất”. Thuyền chở khách trên sông Lam lâu nay chỉ cần một lái đò mà chở đến hàng chục người. Tổ hợp thuyền bến Phuống khi xuất phát luôn có một lái đò chính và hai thuyền viên phụ trách giao áo phao và ứng cứu khi xảy ra tai nạn.--PageBreak--
Công việc của tổ thuyền dần dần được bà con ủng hộ nhiệt tình. Đám trẻ con ríu rít mỗi khi lên thuyền được khoác áo phao cứu hộ. Người lớn không ai bảo ai cũng giúp nhau thắt khuy áo. Mỗi khi thuyền nổ máy sang bờ anh em tổ thuyền lại vững tâm và vui hơn bội phần. Hơn 10 năm nay bến đò Phuống chưa xảy ra tai nạn nào mặc dù bề rộng sông Lam ở đây tới 600m. Người lái đò già nhắn nhủ tôi: “Nói cái cầu thiếu kinh phí và cần thời gian thì còn nghe được chứ mỗi cái áo phao cho bọn trẻ thì có khó lắm mô. Chả lẽ cứ phải mỗi năm ngồi với nhau thống kê người bị tai nạn do đắm đò như ở một vài nơi đã xảy ra mà không làm được chi?”.
Nghệ An là một trong những tỉnh có số thương vong mỗi năm vì tai nạn sông nước rất cao. Thương tâm hơn, hầu hết trong số này lại là trẻ em. Chỉ tính riêng huyện bán sơn địa Thanh Chương hơn 10 năm nay có tỉ lệ trẻ em chết đuối vì sông nước, ao hồ cao nhất tỉnh. Trong hai năm 2005 và 2006, toàn huyện có đến 25 trẻ em bị cuốn trôi trên dòng sông Lam hung dữ. Thiệt hại tính đến thời điểm sau cơn bão Xangsane (số 6) là 29 người. Còn theo con số thống kê của Ủy ban Dân số và Gia đình và Trẻ em huyện Thanh Chương thì tỉ lệ trẻ em từ 6 đến 13 tuổi bị chết do sông nước luôn cao hơn các lứa tuổi khác.
Bao giờ các em khi qua sông cũng được bảo vệ thế này ? |
Thanh Chương có đến 36 bến đò nên người dân Nghệ An vẫn gọi là quê hương của bến đò sông Lam. Số bến đò gần như tỉ lệ thuận với số vụ tai nạn thương tâm hàng năm vẫn xảy ra. Trong số ấy, trừ bến đò Phuống ra thì 35 bến đò còn lại áo phao hoặc chưa được trang bị, hoặc có nhưng chưa đầy đủ nên gây khó khăn cho việc bảo vệ tính mạng, tài sản của khách đi đò. Không chỉ riêng ở Thanh Chương mà còn ở rất nhiều huyện khác ở Nghệ An... cũng có nhiều bến đò chưa được áp dụng những biện pháp an toàn cho người đi đò.
Rất mong chính quyền tỉnh, huyện, xã gấp rút có biện pháp trang bị áo phao cho người dân, góp phần hạn chế tai nạn thương tâm xảy ra như tại bến đò Chôm Lôm vừa qua. Việc trang bị áo phao để đảm bảo tính mạng cho khách qua sông ở các bến đò là việc làm thiết thực và hiệu quả, cách làm ở bến đò Phuống rất cần được triển khai áp dụng một cách rộng rãi.
Việt Nam có gần 2.000 bến đò sông (tuy nhiên chỉ 56% có giấy phép mở bến) với 2.710 phương tiện (chỉ có 65% phương tiện đủ điều kiện hoạt động), hơn 3 nghìn người điều khiển phương tiện (chỉ 64% đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Đây là những hạn chế cần được khắc phục, trước mắt nên trang bị áo phao để bảo đảm an toàn cho khách qua sông