Cần trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em
Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 7.000 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có nhiều trường hợp tử vong do bất cẩn của người lớn…
Ngày 1/6, 3 trẻ nhỏ rủ nhau đi tắm ở sông Dinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) bị chết đuối. Ngày 4/6, 3 học sinh lớp 8 ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng rủ nhau đi tắm suối ở khu vực suối Đá Bàn, phường B'lao, TP Bảo Lộc. Do bị sa chân vào vùng xoáy nên cả 3 em đã bị nước cuốn trôi…
Trước đó, vào cuối tháng 5, trên địa bàn cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước với mức độ nghiêm trọng như vậy. Vừa mới được nghỉ hè, trẻ không còn chịu sự quản lý của nhà trường, bố mẹ lại bận đi làm nên trẻ em, đặc biệt là trẻ ở vùng nông thôn tự do đi chơi và bị tai nạn. Theo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), nguyên nhân tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước ở nước ta cao do môi trường sống của các em không an toàn.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì hè năm nào ở đây cũng cấp cứu cho hàng chục trường hợp trẻ em bị ngộ độc do ong đốt.
"Trẻ em nghỉ hè không có chỗ chơi, chúng thường nghịch, đập tổ ong ở trên cây và bị ong đuổi theo đốt. Có trẻ bị đốt khắp mình, vào nhập viện trong tình trạng nguy kịch" - Tiến sỹ Sơn cho biết. Thế nên, việc trang bị kiến thức cho trẻ, hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn cho trẻ, đặc biệt là sự quan tâm của gia đình là vô cùng cần thiết.
Trẻ thả diều dưới đường dây điện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. |
Không phải cứ mua nhiều đồ chơi hoặc "nhốt" trẻ trong các lớp học, cho trẻ xem nhiều tivi để "giết" thời gian nghỉ hè đã là đúng. Bởi theo bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TW thì hè nào ở đây cũng tiếp nhận nhiều trẻ em bị hóc, bị dị tật đường thở do nuốt, nhét đồ chơi vào họng, vào mũi, tai. Vì vậy, trang bị những kỹ năng sống, biết tự phòng vệ… sẽ giúp các em tránh được tai nạn đáng tiếc