Cảnh giác cao với nguy cơ cháy nổ dịp Tết

14:29 28/01/2014
Cận và sau Tết Nguyên đán, mùa cao điểm của các hoạt động buôn bán, lễ hội cũng là cao điểm của nguy cơ cháy nổ. Hàng hóa được tích trữ, tập trung tại các chợ nhiều hơn, nhu cầu sử dụng lửa cũng tăng cao hơn, tập trung đông người hơn, cộng với thời tiết hanh khô nên rất dễ xảy ra sự cố cháy nổ nếu sơ suất.

Do đó, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), Bộ Công an đặc biệt khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, có trách nhiệm với từng hành vi hằng ngày để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho thấy, trong năm 2013, chỉ riêng 4 vụ cháy nghiêm trọng đã cướp đi 16 mạng người, bị thương 10 người; trong đó vụ cháy cửa hàng vàng bạc tại Quảng Ninh ngày 25/10 làm 5 người chết, 4 người bị thương; vụ cháy điểm bán hàng tạp hóa phục vụ ăn uống tại Kiên Giang ngày 29/10 làm 1 người chết, 5 người bị thương nặng; vụ cháy tạp hóa tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 3/11 làm 4 người chết;vụ cháy số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội) ngày 19/11 làm 6 người chết, 1 người bị thương.

Đáng chú ý, các vụ cháy xảy ra tại các điểm kinh doanh tư nhân, nhà riêng… thường gây thiệt hại về người lớn hơn các điểm tập trung công cộng. Thực tế này dấy lên một báo động về kỹ năng đối phó với hỏa hoạn của mỗi cá nhân. Đã rất nhiều lần, lực lượng Cảnh sát PCCC nhấn mạnh về việc mọi người đều phải có kiến thức về phòng cháy, chữa cháy vì nguy cơ rình rập khắp nơi, ngay trong những sinh hoạt hằng ngày, nhưng đa phần người dân vẫn chưa thực sự ý thức được vấn đề.

Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cảnh giác với nguy cơ cháy nổ để đón một cái Tết đầm ấm, an toàn.

Theo kiểm tra, khảo sát của các lực lượng chức năng, hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều không có ý thức phòng cháy: hàng hóa được chất kín lối đi nên khi xảy ra cháy không có lối thoát hiểm. Rất nhiều trường hợp phát hiện ra cháy nhưng người không thể thoát ra ngoài vì bị lửa bít kín đường đi. Tại các khu chung cư, khu tập thể cũng rất nhiều những lỗi cơ bản về phòng cháy chữa cháy bị vi phạm: cửa thoát hiểm đáng lẽ phải đóng kín để tránh ngạt khói thì luôn được mở; nhiều hộ dân đốt vàng mãi ngay tại cầu thang chung cư, hay thậm chí đốt than tổ ong… Việc thắp hương của nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh cũng là một nguy cơ dẫn đến cháy, nhất là khi bàn thờ ngày Tết thường tập trung nhiều vật liệu dễ bắt lửa như vàng mã, hộp bánh kẹo… Lực lượng chức năng đặc biệt khuyến cáo các hộ gia đình lưu ý khi sử dụng lửa trong những ngày này.

Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, việc phát hiện và báo cháy chậm là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong năm 2013, đã xảy ra 25 vụ cháy lớn, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 1.414 tỷ đồng, tuy chỉ chiếm 1,04% về số vụ nhưng gây đến hơn 85% thiệt hại. Việc ngưng sản xuất của các cơ sở trong các ngày nghỉ Tết cũng hạn chế bớt nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, với hệ thống điện chằng chịt và máy móc, không thể chủ quan với việc phòng cháy tại các địa điểm này.

Để đối phó với nguy cơ cháy nổ trong mùa cao điểm này, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết, đã tiến  hành đồng thời nhiều công việc: Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành tăng cường công tác PCCC; tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra công tác PCCC... Phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền công tác PCCC mùa hanh khô, Tết Nguyên đán và lễ hội... hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng…

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã mở đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC, tập trung và các cơ sở trọng điểm về cháy nổ, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, kho tàng, nhà ga... Hướng dẫn các cơ sở tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, củng cố phương án chữa cháy và phương tiện chữa cháy tại chỗ; tăng cường tuần tra, canh gác vào các thời điểm ngoài giờ hành chính, đặc biệt là ban đêm trong các ngày nghỉ trước, trong và sau Tết. Nhiều sơ hở, thiếu sót vi phạm về PCCC đã được phát hiện, yêu cầu khắc phục. Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ xử lý tình huống cháy nổ lớn, phức tạp cũng đã được rà soát, củng cố; chủ động xây dựng phương án và bố trí lực lượng, phương tiện; phối hợp thường trực chiến đấu cả về lực lượng và phương tiện chữa cháy và CNCH... Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và đốt thả đèn trời, pháo nổ… Tuy nhiên, để đảm bảo đón một cái Tết an toàn, hạnh phúc, trước hết vẫn cần phải dựa vào ý thức trách nhiệm của mỗi người dân

Vũ Hân

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文