Cảnh giác với thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Qua kiểm tra phát hiện có hơn 80 loại thuốc, thực phẩm chức năng, mĩ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa công bố kiểm định của Nhà nước. Đáng chú ý có sản phẩm dán nhãn Iso Flavone Plus không đáp ứng các yêu cầu theo qui định vệ sinh an toàn thực phẩm, trên bao bì không thể hiện địa chỉ sản xuất.
Đây là sản phẩm trên bao bì ghi do Viện Hàn lâm khoa học công nghệ sản xuất, nhưng khi được hỏi, đại diện Viện này cho biết đơn vị không hề có sản phẩm nêu trên? Đội QLTT số 6 đã thu giữ toàn bộ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, mĩ phẩm vi phạm của Nhà thuốc MC 2 để xử lý theo qui định của pháp luật.
QLTT kiểm tra tại nhà thuốc (ảnh CTV). |
Trước đó, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Các địa phương trên cả nước đã kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Bộ Công thương phối hợp với Chi cục QLTT thành phố kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế nằm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 và một số nhà thuốc y học dân tộc trên đường Nguyễn Trãi, quận 5.
Qua kiểm tra phát hiện một số cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng; thuốc đông dược chưa được Bộ Y tế công bố chất lượng sản phẩm, chưa được phép lưu hành nhưng vẫn bày bán công khai.
Vì vậy, người dân khi mua các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng cần hết sức lưu ý đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, vừa không có tác dụng trị bệnh, vừa mất tiền mà có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.