Vị trí, chức năng của Chính phủ trong Hiến pháp năm 2013

10:28 23/03/2015
Từ khi Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời cho tới nay, Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương được xác định với những tên gọi khác nhau, vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể.

Ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta - Hiến pháp năm 1946 - để thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của Nhân dân và thể hiện tính thống nhất của quyền lực nhà nước, Điều 22 đã quy định “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Nghị viện bầu ra Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của toàn quốc.

Đến Hiến pháp năm 1959, tại Điều 71 quy định “Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Với quy định này, Hiến pháp năm 1959 đã thể hiện quyền lực nhà nước tập trung vào hệ thống cơ quan dân cử.

Hội đồng Chính phủ vẫn được xác định là cơ quan hành chính nhà nước, nhưng đồng thời cũng là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định tính chất chấp hành của Hội đồng Bộ trưởng trước Quốc hội, nhưng vị trí, chức năng của cơ quan này đã có sự thay đổi: “Hội đồng Bộ trưởng là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” (Điều 104).

Các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng đều do Quốc hội bầu, bãi nhiệm và miễn nhiệm.

Hội đồng Bộ trưởng không chỉ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng Nhà nước.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử trong cả nước năm 1946.

Đến năm 1992, bên cạnh việc đổi tên Hội đồng Bộ trưởng thành Chính phủ, Hiến pháp năm 1992 đã xác định lại vị trí của Chính phủ: “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 109).

Đến Hiến pháp năm 2013, với quy định Chính phủ là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội” (Điều 94), so với Hiến pháp năm 1992 vị trí của Chính phủ có 02 điểm mới đáng chú ý:

Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Nhà nước ta, Hiến pháp đã chính thức thừa nhận Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp.

Cùng với các quy định: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp được coi là bước tiến quan trọng trong việc tạo cơ sở hiến định nhằm cụ thể hóa nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vừa chỉ rõ Chính phủ không chỉ là cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn tạo cho Chính phủ có đầy đủ vị thế và thẩm quyền độc lập nhất định trong quan hệ với cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp; thực hiện sự kiểm soát đối với cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp để quyền lực nhà nước được thực hiện đúng đắn, hiệu quả vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng thời cũng tạo điều kiện để Nhân dân, người chủ của quyền lực nhà nước có cơ sở để kiểm soát và đánh giá hiệu lực, hiệu quả của mỗi cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực được Nhân dân giao phó.

Thứ hai, về vị trí tính chất pháp lý đã đặt nội dung “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” lên trước nội dung “là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.

Đây không chỉ đơn giản là việc thay đổi trật tự câu chữ mà chính là sự đề cao quyền hành pháp của Chính phủ, tạo cơ sở để xây dựng một Chính phủ phát triển, có khả năng chủ động, sáng tạo cao trong quản lý điều hành các mặt kinh tế - xã hội của đất nước; là cơ sở hiến định để xác lập trật tự trong tổ chức và hoạt động của nền hành chính quốc gia thống nhất, thông suốt, hiệu lực, kỷ cương.

Theo đó, Chính phủ phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định, xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển, các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời cũng là cơ quan thống nhất quản lý, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển, các dự án luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với việc chính thức khẳng định vị trí của Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Quy định này đã phản ánh sự gắn bó chặt chẽ và thống nhất trong việc thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp của Nhà nước ta.

Là cơ quan chấp hành của Quốc hội (cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất), Chính phủ không chỉ có nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (khoản 1 Điều 96), báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước mà còn có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thông qua xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ.

Cùng với các quy định nêu trên, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định khác theo hướng làm rõ hơn chức năng, mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác, như: bỏ quy định về thẩm quyền của Quốc hội “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”; phân định rõ hơn phạm vi chính sách và các vấn đề quan trọng do Quốc hội và Chính phủ quyết định trên một số lĩnh vực, như: Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn nợ an toàn quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội…

Còn Chính phủ có thẩm quyền đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (khoản 2 Điều 96); ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật (Điều 100); thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân (khoản 3 Điều 96); bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (khoản 6 Điều 96); tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70 (khoản 7 Điều 96)…

Cùng với việc đổi mới quy định về vị trí của Chính phủ, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế thực hiện quyền lực, phù hợp với tính chất, vai trò của từng thiết chế: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Đối với Chính phủ, Hiến pháp khẳng định nguyên tắc Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, đồng thời xác lập mối quan hệ trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (khoản 2 Điều 95).

Cùng đó, Hiến pháp cũng quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác của Chính phủ và việc xây dựng chính sách, tổ chức thi hành pháp luật, về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước: Thủ tướng Chính phủ “lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật”, “lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia”, “đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ”; bổ sung thẩm quyền “quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” (khoản 5 Điều 98) v.v..

Với các sửa đổi, bổ sung cụ thể nêu trên, vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ đã được nâng cao hơn một bước, có đủ quyền hạn để định hướng mục tiêu chung và thúc đẩy việc xây dựng chính sách cũng như các hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương trong việc thực hiện các chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 bổ sung quy định về vị trí và nhiệm vụ của Phó Thủ tướng Chính phủ: là thành viên Chính phủ (khoản 1 Điều 95), giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công (khoản 3 Điều 95), cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ (khoản 4 Điều 95).

Đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp 2013 xác định rõ hơn, cụ thể hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn như chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ (khoản 4 Điều 95).

Là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của Bộ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công, tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc (khoản 1 Điều 99); ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật (Điều 100).

Về chế độ báo cáo, giải trình của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp năm 2013 quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý (khoản 2 Điều 99).

Về mối quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân, Hiến pháp năm 2013 không có quy định trực tiếp về cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chính phủ có trách nhiệm quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ, công chức (thống nhất quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, trong đó có Tòa án nhân dân, từ trung ương đến địa phương; thống nhất quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, công sở, công sản và thực hiện chế độ tài chính theo quy định của pháp luật).

Đồng thời, phối hợp với Tòa án nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp, pháp luật, giữ vững kỷ cương pháp luật nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và các chủ trương, chính sách của Nhà nước; đề nghị Tòa án nhân dân xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án nếu thấy bản án, quyết định đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Về phía Tòa án nhân dân, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân thực hiện chức năng kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp thông qua nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và luật.

Cụ thể, Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước (hành pháp) và cá nhân có thẩm quyền của các cơ quan đó; phán quyết về các vi phạm quyền con người; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác hoặc không phù hợp với thực tiễn; kiến nghị cơ quan, tổ chức áp dụng khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó.

Vũ Thị Minh Thúy

Sáng 12/7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đà Nẵng phối hợp với Công an phường Liên Chiêu tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH vận tải Minh Khang (tại địa chỉ lô 168A-A8, KDC Vạn Tường, phường Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Qua đó, đã phát hiện một khối lượng lớn hàng hóa nghi nhập lậu hoặc làm giả, hàng kém chất lượng.

Trong hơn 30 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực di dời khoảng 40 nghìn căn nhà lụp xụp trên và ven nhiều tuyến kênh, rạch chính. Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hàng trăm nghìn người dân sinh sống ven các tuyến kênh, rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn gần 40 nghìn căn nhà nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ kênh, rạch cần di dời để phục vụ chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước, phát triển các tuyến giao thông thủy nội địa, cải thiện ô nhiễm môi trường cho hàng triệu người dân đang sinh sống dọc theo các lưu vực kênh. Do đó, ngày 28/5 vừa qua Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố tờ trình kèm theo dự thảo Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà trên và ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2025-2030…

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc rà soát, duy trì chính sách giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí, đảm bảo quyền lợi cho người dân sau khi địa phương thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) tại TP Hồ Chí Minh phát đi cảnh báo về tình trạng các đối tượng mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế, thậm chí cả Sở Y tế để lừa đảo người dân. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin xã hội đối với ngành y tế.

Tối 12/7, Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 khép lại với màn tranh tài đỉnh cao bên bờ sông Hàn. Đội Jiangxi Yangfeng (Trung Quốc) xuất sắc giành ngôi Quán quân, trong khi đội chủ nhà Z121 Vina Pyrotech (Việt Nam) ghi dấu ấn lịch sử khi lần đầu góp mặt ở chung kết, khẳng định vị thế pháo hoa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Hơn 2,5ha rừng phòng hộ ven biển nhằm ngăn chặn tình trạng cát bay, sạt lở và xâm thực bờ biển ở thôn An Lộc (xã Quảng Công cũ, nay là phường Phong Quảng, TP Huế) vừa bị phát hiện cưa hạ. Đáng chú ý, khu vực rừng phòng hộ bị xâm hại này đang là điểm nóng về tình trạng sạt lở. Toàn bộ số cây sau khi bị cưa hạ đã được đưa ra khỏi hiện trường.

Vụ cháy cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa) ở TP Hồ Chí Minh khiến 8 người tử vong và nhiều người khác bị thương không phải là lần đầu cháy nổ ở các cư xá, chung cư. Có thể nói, đa phần ở các chung cư, cư xá cũ, cháy nổ thường xuất phát từ chuyện hạ tầng xuống cấp, cùng với buông lỏng quản lý từ địa phương, sự coi thường những nguyên tắc sống chung của cộng đồng dân cư...

Một trong những điểm đột phá của Luật Nhà giáo vừa được ký ban hành là việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo. Đây được xem là bước điều chỉnh quan trọng nhằm khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lí, phát triển đội ngũ nhà giáo. Từ đó, góp phần từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong một cuộc trò chuyện trên mạng xã hội, thủ môn Nguyễn Filip thẳng thắn nói về vấn đề của bóng đá Việt Nam. Một trong số đó đến từ chính các cầu thủ Việt Nam. Ngoài hạn chế khát vọng ra nước ngoài, nhiều tài năng ở V.League cũng chẳng buồn cầu thị ngay cả khi mắc sai lầm.

Chủ trương bỏ thuế khoán của các hộ kinh doanh là vấn đề gây xôn xao dư luận vì nó ảnh hưởng tới hàng chục triệu con người. Trong đó, không ít người vì không nắm được thông tin chính xác, nên cho rằng vì bị buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khiến nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh đóng cửa hàng ngừng hoạt động. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính đã có trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.