Đào xong 12 hố phục vụ giám định vỡ đường ống nước sông Đà – Hà Nội
>> Đường ống nước sạch sông Đà lại vỡ
Đến nay, Viện khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã hoàn tất việc đào 12 hố liên quan đến 9 điểm vỡ đường ống nước trước đó, để phục vụ cho công tác giám định và khởi tố điều tra vụ án.
Trước đó, ngày 29/7/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Lực lượng chức năng tiến hành thực nghiệm điều tra tại điểm vỡ km27, từ Hòa Lạc về Láng (Hà Nội). |
Như vậy, sau 6 năm đi vào sử dụng, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ tới 10 lần và sự cố xảy ra chủ yếu trong 3 năm gần đây
Một diễn biến có liên quan, trước lẫn vỡ ống dẫn nước thứ 10 này, ngày 19/6/2014, Bộ Xây dựng đã có văn bản cho biết nguyên nhân trực tiếp gây ra 9 lần vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà do chất lượng của ống không đồng đều, đường ống được làm bằng vật liệu Composite, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng.
Bộ Xây dựng đã yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước sạch giai đoạn II trong thời gian nhanh nhất có thể, để đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển đô thị.
Bên cạnh việc chờ đường ống nước này được đưa vào khai thác, giảm tải cho đường ống nước hiện tại, điều đáng ghi nhận là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị thi công sản xuất nước sạch đường ống sông Đà – Hà Nội đã có nhiều biện pháp để hạn chế tối đa thời gian phải ngừng cung cấp nước sạch sau mỗi lần vỡ đường ống. Thời gian khắc phục sự cố đã giảm xuống chỉ còn khoảng 12 giờ.
Tuy nhiên những giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề cung cấp nước phục vụ dân sinh của Thủ đô Hà Nội không thể chỉ dừng lại ở đây.
Xung quanh việc vỡ đường ống dẫn nước sạch liên tục xảy ra, thiết nghĩ, Hà Nội và các ngành liên quan cần phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hơn. Ngoài việc phải xây dựng đường ống nước thứ 2 có quy mô tương tự để đảm bảo an toàn cung cấp nước cho nhân dân Thủ đô, thì đơn vị quản lý, khai thác có thể xây dựng một bể chứa dự phòng phía gần Nội đô, khi có sự cố xảy ra sẽ lấy nước từ đây bơm về. Hoặc Hà Nội phải chuyển dần sang khai thác nước mặt trước khi các nhà máy nước ngầm trong nội thành như Hạ Đình, Tương Mai và Pháp Vân sẽ lần lượt đóng cửa trong 6 đến 16 năm nữa, để không phải quá phụ thuộc vào hai đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội như hiện nay.