Cấp bách triển khai các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn

08:52 15/02/2020
Trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức phức tạp, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng công tác triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn, trong đó, nêu cao vai trò của các cấp chính quyền và ngành chức năng các địa phương.


Cụ thể, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó xâm nhập mặn tại địa phương theo quy định.

Xâm nhập mặn sớm và sâu hơn năm 2016

Năm nay, nước mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Bến Tre sớm và sâu nội đồng một cách bất thường. Cuối tháng 12-2019, nước mặn đã bắt đầu tấn công vào các tuyến kênh dẫn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện, trên sông Cửa Đại, Hàm Luông, kênh Giao Hòa – An Hòa nước mặn xâm nhập ở mức cao và sâu hơn năm 2016.
Công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai (đoạn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đang khẩn trương về đích.

Cụ thể, độ mặn 4%0 trên các sông chính xâm nhập cách các cửa sông từ 48 - 73km, qua địa bàn các xã Quới Sơn, Tân Thạch, Tân Phú (huyện Châu Thành), Long Thới, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách). Độ mặn 1%0 đã xâm nhập vào cách các cửa sông chính từ 57 - 85km qua địa bàn xã Phú Phụng, xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách).

Ghi nhận tại các kênh rạch nội đồng tại huyện Ba Tri đều bị mặn xâm nhập từ 1,8 - 3%0. Đặc biệt, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp cũng đang bị nhiễm mặn, độ mặn đo được 1,5%0. Nước mặn xâm nhập nội đồng đã khiến phần lớn trong diện tích 4.500ha lúa Đông Xuân bị nhiễm mặn; trong đó, hơn 15% diện tích bị chết, diện tích còn lại không phát triển do ảnh hưởng của nước mặn.

Theo ngành nông nghiệp huyện Ba Tri, diện tích lúa nói trên được người dân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo của địa phương. Nông dân Nguyễn Văn Đức (xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri) cho biết, tiếc đất bỏ không, nên dù huyện đã khuyến cáo không gieo sạ lúa vụ Đông Xuân nhưng gia đình ông Đức vẫn xuống giống 7 công (0,7ha) lúa.

Cùng với ông Đức, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Tri nhận thấy không thể cứu nổi ruộng lúa nên đã cắt cho dê, bò ăn. Đây cũng là giải pháp nhằm dự trữ nguồn cỏ đang bị chậm phát triển và thiếu hụt do ảnh hưởng của hạn mặn.

Tương tự, nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông ở huyện Giồng Trôm, vì thế tất cả các cống trên địa bàn đã đóng lại để ngăn mặn, việc này gây ra nguy cơ thiệt hại về lúa rất lớn. Thấy các hộ lân cận gieo sạ, ông Lê Văn Phương (xã Bình Thạnh, huyện Giồng Trôm) cũng đã bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp để xuống giống 1,2ha lúa Đông Xuân. Lúa phát triển tốt, đến tháng thứ 2 thì bị nước mặn tấn công gây thiệt hại, mất trắng số tiền đầu tư gần 10 triệu đồng.

Còn tại các huyện nằm sâu trong đất liền như Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Chợ Lách nước mặn cũng đã xâm nhập sâu, nhiều hộ sản xuất đã chủ động tìm cách trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất. Tại “thủ phủ” cây giống Chợ Lách, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường các chủ vườn ươm đã chủ động, linh hoạt nhiều cách để dự trữ nước ngọt.

Khoan giếng lấy nước ngọt là một giải pháp được thực hiện từ đầu xâm nhập mặn nhưng không đạt hiệu quả. Có hộ khoan đến độ sâu 500m nhưng khi lấy nước lên kiểm tra về độ phèn, độ mặn vẫn không đạt yêu cầu, không thể dùng để tưới cho cây giống.

Một số hộ chấp nhận thuê tàu sắt chở nước ngọt với mức chi phí khá cao, 1,5 triệu đồng/lần/30m3 nước, nhưng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào chủ tàu. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Thành (chủ vườn cây giống Sáu Oanh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách) đã quyết định cùng một nông dân khác đầu tư trên 300 triệu đồng để đóng hẳn một chiếc tàu sắt chở nước ngọt.

Ông Thành cho biết, tàu chạy theo hướng ngược dòng Hàm Luông, đến đâu đo kiểm tra thấy nước không nhiễm mặn thì bơm lên tàu chở về sử dụng. Nhờ vậy, hơn 8.000 cây sầu riêng giống của cơ sở ông Thành vẫn phát triển bình thường.

Còn những cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ người dân cũng đã chủ động nhiều cách để “thủ” nước ngọt tưới cho cây trồng. Tùy theo quy mô canh tác và điều kiện gia đình, hộ dân trữ nước trong thùng phuy, xây ống hồ, trữ trong mương vườn hoặc đào ao trải bạt.

Trước Tết Nguyên đán, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cũng đã phối hợp với ngành hữu quan triển khai mô hình trữ nước ngọt trong túi nhựa đến nông dân. Thông qua chính quyền địa phương, người dân đã đặt mua gần 300 túi trữ nước.

Nhiều hộ gia đình, chủ vườn trên địa bàn tỉnh Bến Tre nói chung, cũng như Chợ Lách đã tự trang bị thiết bị đo độ mặn tại nhà, đảm bảo đo kiểm tra trước khi bơm nước tưới cho cây trồng, cây giống. Nếu không có thiết bị đo, người dân đem mẫu nước đến UBND xã hoặc huyện để kiểm tra, kỹ thuật viên của ngành nông nghiệp thường xuyên túc trực hỗ trợ bà con.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện bám sát 4 kịch bản ứng phó tùy theo mức độ hạn mặn, không chủ quan. Chính quyền và ngành chức năng tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp thông tin, tuyên truyền cho người dân. Nhìn chung, người dân đã ý thức hơn trước rất nhiều trong ứng phó với hạn mặn. Trước tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất, ngoài kiểm soát độ mặn để trữ nước ngọt đúng thời điểm, bà con cần tưới tiết kiệm, kết hợp đậy gốc, phủ màng để cây trồng không bị mất nước”.

Vận hành cống, đắp đập tạm để ngăn mặn

Tỉnh Bến Tre đã triển khai các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Cụ thể, 21 cống ngăn mặn trên địa bàn các xã của huyện Châu Thành đã được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành hạn chế mặn. Song song đó, thực hiện đắp đập phía sau Trường Cao đẳng Bến Tre, đập Sông Mã và nạo vét kênh Sông Mã để hạn chế nước mặn vào sâu.

Đặc biệt, công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai (đoạn thuộc huyện Châu Thành) được xem là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt, bằng cách ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên, kết hợp chặn trên dòng sông Mã (đoạn từ sông Hàm Luông đi vào).

Từ đó, tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai đoạn từ sông Giao Hòa đến xã An Khánh (huyện Châu Thành) với sức chứa khoảng 5 tỷ mét khối nước để phục vụ dân sinh. Dự kiến, chỉ trong vài ngày tới đập sẽ hợp long, đưa vào sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 120, tỉnh Bến Tre đã và sẽ tiếp tục tập trung cho các dự án quản lý nguồn nước, thủy lợi, cống phục vụ cơ cấu lại, phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, nước mặn được xem là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế. Thủy sản phải ưu tiên tập trung hàng đầu rồi mới đến cây ăn trái, lúa.

Hiện tại, các mô hình đầu tư khoa học công nghệ để nuôi tôm hai giai đoạn mang lại hiệu quả cao với năng suất từ 150 đến 180 tấn/ha; mô hình lúa, tôm tại vùng nước mặn cũng mang lại hiệu quả, được nhân rộng và đang được tập trung chỉ đạo, khuyến khích sản xuất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.

Trần Lĩnh

Temu - Ứng dụng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đổ bộ vào Việt Nam đang gây ra một cơn sốt cho các tín đồ mua sắm trực tuyến. Với kho hàng khổng lồ giá rẻ, hình thức linh hoạt, giao hàng nhanh chóng và đặc biệt là chính sách săn hoa hồng khủng đã khiến hàng triệu người “say men” vào lốc xoáy Temu…

Dự báo từ 3 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to. Từ 6/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Chiều 2/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CBCS của đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ đã giúp đỡ gia đình chị Đ.T.H.H. (SN 1982; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm thấy con trai đi lạc và đưa về nhà an toàn.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文