Chập điện, cháy nhà vì dây điện… dỏm

11:26 21/11/2008
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội, hàng năm, 70% số vụ cháy xảy ra tại khu vực dân cư; trong đó, phần lớn nguyên nhân cháy là do các sự cố chập cháy dây dẫn điện. Hiểm họa của dây điện kém chất lượng đang là vấn đề đáng lo ngại khi số vụ việc sản xuất, kinh doanh dây điện giả cũng đang ngày càng gia tăng.

Hai cậu cháu cùng vào tù vì kinh doanh dây điện giả

Ngày 19/11, Phòng PC15 Công an TP Hà Nội đã khám phá đường dây chuyên sản xuất, tiêu thụ dây điện giả nhãn hiệu "Trần Phú", bắt khẩn cấp Nguyễn Anh Sỹ (37 tuổi), ở phố Hoàng Diệu, phường Quang Trung, Sơn Tây và Phạm Tiến Hùng (37 tuổi), ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan Công an đã thu giữ số lượng lớn dây điện giả các loại.

Trước đó, qua công tác trinh sát, 10h30' ngày 18/11, tại ngã ba Hòa Lạc - Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội,  tổ công tác PC15 kiểm tra ôtô BKS 33H-7347 do anh Dương Tân Dân ở Sơn Tây, Hà Nội điều khiển, trên xe có anh Vũ Văn Hải ở Kim Động, Hưng Yên là người áp tải hàng.

Qua kiểm tra phát hiện trên xe chở 53 cuộn dây điện các loại mang nhãn hiệu Trần Phú nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả, nhái nhãn hiệu của Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên cơ điện Trần Phú.

Ngay sau đó, đại diện nhà sản xuất chính đã được mời đến kiểm tra số hàng trên và xác định 46/53 cuộn dây điện trên không phải do công ty sản xuất. Tổ công tác đã tạm giữ lô hàng có trị giá gần 50 triệu đồng trên để làm rõ.

Anh Dân và anh Hải trình bày được Nguyễn Anh Sỹ, kinh doanh đồ điện tại Sơn Tây thuê chở số dây điện trên bán cho khách. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Anh Sỹ, thu giữ 83kg dây điện giả.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Anh Sỹ khai nhận đã nhiều lần mua dây điện giả nhãn hiệu "Trần Phú" của Phạm Tiến Hùng. Qua đấu tranh, Phạm Tiến Hùng khai số dây điện giả đã bán cho Sỹ lấy tại nhà chị gái là Phạm Thị Loan ở xóm 2, Đông Mỹ, Thanh Trì. Đáng chú ý, tháng 9/2007, con trai bà Loan là Phạm Ngọc Anh (27 tuổi), Giám đốc Công ty CP Thương mại Ngọc Thanh cũng đã bị PC15 Công an Hà Nội bắt giữ về hành vi kinh doanh dây điện giả nhãn hiệu "Trần Phú".

Số dây điện giả này được sản xuất bởi Công ty TNHH Sản xuất nhựa và thương mại Hoàng Sơn, có trụ sở ở Ngũ Hiệp, Thanh Trì do bà Phạm Thị Loan làm Giám đốc. Trong vụ việc này, Phạm Ngọc Anh bị Tòa án xử 12 tháng tù treo.

Để làm rõ lợi nhuận bất hợp pháp này, chúng tôi đã tìm tới Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cơ điện Trần Phú - một "khổ chủ" của tệ làm hàng giả. Khi được hỏi về những thiệt hại mà công ty phải gánh chịu từ hoạt động sản xuất, buôn bán dây điện giả nhãn hiệu của Trần Phú, ông Bùi Tiến Đạt - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty không tránh nổi tiếng thở dài. Trong năm 2008, không tính những tác động xấu từ sự suy thoái của kinh tế, chỉ riêng ảnh hưởng của hàng giả trên thị trường đã khiến sản lượng tiêu thụ của công ty giảm tới 70% so với cùng kỳ mọi năm.

Những hậu quả khôn lường

Những thiệt hại đối với Công ty Cơ điện Trần Phú thì đã rõ, song những thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua phải dây điện giả thì khó tính hết được. Nhiều gia chủ mới hoàn thiện công trình xây dựng nhà ở, khi đóng điện, xảy ra sự cố chập điện, hoặc rò điện ra tường đã điện thoại nhờ nhân viên kỹ thuật của công ty tới kiểm tra. Khi đục tường ra mới rõ chủ nhà đã mua phải dây điện Trần Phú giả. Đặc biệt, dây điện giả còn ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng khi xảy ra sự cố rò điện.

Ông Nguyễn Việt Cường khuyến cáo, để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng khi mua sản phẩm dây điện Trần Phú, cần chú ý kiểm tra tem chống hàng giả được dán ở đầu cuộn dây. Đây là loại tem đặc biệt, chỉ sử dụng được 1 lần.

Trong trường hợp bán lẻ, người bán hàng nhất thiết phải giữ lại chiếc tem này để chứng minh hàng thật với người mua. Ngoài ra, trên bao bì của hàng thật có in rõ ràng địa chỉ của công ty cùng logo, chữ in rõ ràng, sắc nét, màng co nilon trong suốt. Ngoài ra, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp nhà sản xuất để có được những địa chỉ đại lý tin cậy và được tư vấn khi sử dụng.

Được biết, ngoài vụ việc trên, từ đầu năm 2008 đến nay, lực lượng chống hàng giả của PC15 Công an Hà Nội đã phối hợp với Quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ 3 vụ sản xuất, kinh doanh dây điện kém chất lượng khác của 3 cơ sở sản xuất tư nhân.

Tuy nhiên, cùng với việc thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát, thì chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm cũng còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Trong 3 trường hợp kinh doanh dây điện kém chất lượng bị kiểm tra, chỉ có 1 trường hợp bị đình chỉ hoạt động do lỗi không công bố chất lượng sản phẩm. 2 cơ sở còn lại chỉ bị phạt hành chính chưa đến 10 triệu đồng.

Vụ việc sản xuất, kinh doanh dây điện giả liên quan đến gia đình bà Phạm Thị Loan ở Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, có phải vì hình phạt chưa tương xứng nên người cháu Phạm Ngọc Anh vừa hết thời hạn thi hành mức án treo 12 tháng, đến lượt người cậu ruột Phạm Tiến Hùng lại bước vào vòng xử lý của pháp luật?

Hương Vũ

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文