Cheo leo đường đến trường

09:56 21/04/2014
Ở vùng núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, vất vả nên sự nghiệp gieo chữ, trồng người cũng hết sức gian nan. Chúng tôi lên xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), tận mắt chứng kiến những vất vả của thầy trò vùng cao mới hiểu và cảm phục sự dấn thân của các thầy cô và nỗ lực của các em học sinh nơi rừng thẳm núi cao thật cao cả…

Trường học Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn có 1 điểm trường chính và 17 điểm trường phụ trên 12 thôn bản, với tổng số 565 học sinh. Trong số 17 điểm trường, chỉ có vài ba điểm là đã được xây dựng kiên cố, còn lại phần lớn là các lớp học tạm tại trụ sở thôn mang tên “nhà học tập cộng đồng”. Đặc biệt khó khăn là ba điểm trường: Đề Cảng 2, Gì Chảu Phàng và Hấu Chua 1; đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Cách xa điểm trường chính gần 20 cây số, để có thể đến lớp học tại ba điểm trường nói trên, cô giáo và các em học sinh phải mất hàng giờ đi bộ, cheo leo trên những núi đá dốc ngược.

Đồng hành cùng chúng tôi đi đến điểm trường Hấu Chua 1, thầy Hoàng Ánh Dương, Phó Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn cho biết: “Đường lên điểm trường này là khó đi nhất, ở trên độ cao gần 2000m, ai đứng ở điểm xuất phát cũng đều nghĩ đến chuyện quay về nhưng với cô giáo và các em học sinh thì ngày nào cũng phải vượt qua để lên với lớp học”. Chúng tôi đến vào một ngày nắng ráo, điều kiện lý tưởng cho việc đi lại, cố gắng vượt núi cheo leo, luồn lách qua những khe đá hẹp dựng đứng nhưng đi mãi vẫn thấy đường ở trên đầu. Vào những ngày mưa, con đường đến trường trở nên vô cùng nguy hiểm với bất cứ ai qua đây. Không ít lần các cô giáo sưng u đầu vì va vào đá hay thót tim thấy học sinh trượt chân ngã. Lo lắng hơn cả vẫn là sự an toàn của học sinh, cô giáo Hà Thị Hương, phụ trách lớp mẫu giáo tại điểm trường Hấu Chua 1 chia sẻ: “Cứ hôm nào lên lớp mà trời mưa hay sương mù dày đặc là tôi phải đi sớm hơn bình thường cả tiếng đồng hồ, đứng sẵn dưới chân núi đợi các em học sinh lên cùng. Núi cao, đường lại trơn trượt, chẳng thể yên tâm để các em tự đi”.

Để đến điểm trường Hấu Chua 1, cô và trò phải cố gắng vượt qua những khe đá hẹp dựng đứng.

Con đường đến với lớp học cheo leo còn lớp học thì nằm chênh vênh giữa những vạt núi lộng gió. Hơn một giờ đồng hồ để lên đến điểm trường, hiện ra trước mắt chúng tôi là lớp học siêu vẹo được dựng lên bằng cây rừng, che chắn bởi những tấm phên tre nứa, vá víu bởi những tờ lịch, tờ báo. Nhằm tạo điều kiện cho con em mình theo học, các hộ gia đình đã chung tay góp sức lên rừng lấy gỗ làm nhà, lấy tre đan phên, vượt núi gùi tấm lợp prô xi măng để dựng lớp. Tuy nhiên, đã gần chục năm nay, sương gió miền sơn cước làm cho điểm trường bị xuống cấp trầm trọng. Vào những ngày gió bão càng trở nên mong manh với những tấm phên thưa thớt, trống huếch trống hoác. Mùa đông gió lùa qua tấm phên mỏng, còn cái lạnh thì cứa vào da thịt, mùa hè thì nắng như thiêu như đốt.

Điểm trường Hấu Chua 1 có tất cả 20 em học sinh, chia làm hai lớp, 8 học sinh tiểu học và 12 học sinh mầm non. Để thuận tiện cho việc học, căn nhà phải chia làm đôi, ngăn cách bằng một tấm phên. Lớp tiểu học trống trải với vài ba bộ bàn ghế, các em học mầm non cũng chẳng có gì ngoài một số đồ chơi cũ, bảng chữ rách nát và những chiếc ghế gỗ trên nền đất lồi lõm. Những ngày mưa, ngồi trong lớp học mà như ngồi ngoài trời, nỗi lo gió thốc mái nhà, cây đổ nhà sập, các cô giáo lại phải sơ tán học sinh xuống nhà dân trú nhờ. Giữa nơi thiếu thốn trăm bề, đường lên cheo leo, khó khăn gian khổ là thế, cô giáo và học sinh nơi đây vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Cô Phạm Thị Huệ đã gắn bó với điểm trường trên ngọn núi này 5 năm nay, cho biết: “Dân bản rất ủng hộ việc con em họ đến trường, các em lại rất ngoan, nghe lời cô và chăm chỉ học. Đó là động lực lớn nhất để chúng tôi sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ”. Ở nơi khó khăn chồng chất như vậy nhưng các cô giáo vẫn luôn lạc quan vượt núi, băng rừng để mang đến từng “con chữ” cho học sinh nghèo.

Ông Giàng Mí Dia, Trưởng thôn Hấu Chua 1 cho biết: “Quanh năm suốt tháng các hộ dân chỉ biết trông mong vào ruộng ngô ít ỏi, đủ ăn đã là tốt lắm rồi. Đất sản xuất thì không có, đường đi hiểm trở, có con bò nuôi lớn cũng chả biết mang đi bán kiểu gì. Do còn nhiều hộ nghèo nên để tạo điều kiện cho con em được học hành tốt hơn cũng khó khăn lắm”.

Ước mơ có một điểm trường kiên cố, giúp các em học sinh yên tâm học tập là khát khao bấy lâu nay của thầy cô cũng như người dân ở thôn Hấu Chua 1. Chung một mong muốn được chuyển điểm trường xuống thấp để việc theo học “con chữ” của con em vơi bớt những gian nan, cô Phạm Thanh Thúy, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn chia sẻ: “Điểm trường Hấu Chua 1 đang là trăn trở rất lớn từ phía nhà trường, rất mong nhận được sự quan tâm của các cá nhân, tập thể, các đoàn thiện nguyện để có thể chung tay giúp đỡ nhà trường trong việc xây dựng điểm trường mới, cùng nâng giấc mơ “con chữ” của các em nhỏ nơi đây”

Đỗ Hà

Tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, giảm sâu cả 3 tiêu chí - là những kết quả nổi bật mà tỉnh Bắc Ninh đạt được sau 1 năm xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông” (ATGT). Như vậy, đã có hàng trăm gia đình không có người chết vì TNGT, hàng trăm trẻ em không phải chịu mất cha, mẹ; cha mẹ không mất con; hàng trăm người không phải vào tù do gây TNGT…

Cơn bão số 3 được xem là một trong những cơn bão mạnh và gây thiệt hại nặng nề nhất đối với Hà Nội trong nhiều năm qua. Nhưng, với những nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng trong việc khắc phục hậu quả cơn bão đã giúp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương phía Nam, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức thuê hoặc đặt người làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thực tế này đang gây ra nhiều nguy cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

TAND tỉnh Bình Dương đang xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61.08D, trụ sở tọa lạc trên đường Đại lộ Bình Dương, phường Tân Định, TP Bến Cát, Bình Dương. Có 11 bị báo trước đây là đăng kiểm viên (ĐKV), nhân viên của Trung tâm đăng kiểm này bị đưa ra tòa xét xử với cùng tội danh.

Theo thống kê của Bộ Công an, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Chỉ tính trong tháng 8/2024, cả nước xảy ra 815 vụ, trong đó tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành khác ở miền Bắc hôm nay được dự báo có mưa dông, đan xen trời nắng trong ngày, trời mát mẻ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng vì lũ lụt tại khu vực Trung Âu trong khi hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nơi ở sau nhiều ngày mưa như trút nước khiến các con sông vỡ bờ.

*Thêm 18 người được cho là mất tích tại Làng Nủ được xác minh còn sống

Khu tái định cư được xây dựng tại khu vực đồi sim cách làng cũ tầm 2km – nơi có địa hình cao, rộng rãi, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước… Các ngôi nhà trong khu tái định cư sẽ được xây theo kiến trúc truyền thống của người Tày.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文