Chiêu câu view làm tổn thương nhân phẩm, văn hóa con người

15:59 01/09/2014
Có mạng trích dẫn nói, thí sinh thi đại học viết như thế này: “Hai Bà Trưng cưỡi voi tiến lên, buộc tướng Nava phải lùi về lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”... Thật ra đó chỉ là chiêu câu view do… phóng viên tự nghĩ ra chứ làm sao có thí sinh ngây ngô đến thế, vả lại bài thi đại học đang chấm, ai cho phóng viên vào đó mà trích chép, chụp ảnh.

Việc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội trong thời gian qua là bài học cảnh tỉnh để mỗi người làm báo cẩn trọng hơn. Gần đây, trên các trang báo mạng đã cho đăng những bài viết "bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa", "thư gửi bố: chú công an phường ngày nào cũng đến ăn cơm", "xôn xao con gái gửi thư cho bố công tác xa"... Cũng như bài báo “gái miền Tây với ba chữ N”, những trang mạng đăng bài viết trên nhanh chóng tạo sóng với vô vàn bình luận...

Tôi xem lại nhiều lần bức ảnh được nói là chụp từ bài văn trên giấy ô ly của học sinh lớp 5 với nội dung cô con gái nhỏ, vì bố đi công tác lâu ngày nên đã... quên bố, không còn buồn nữa và rằng chú công an phường ngày nào cũng đến nhà ăn cơm, chở bé gái đi học, ru bé ngủ... Đáng nói, người viết mặc định bức thư đó là thật, chỉ cần bàn tán về nội dung “bé giống mẹ, đã chán bố, quên bố và nhớ người khác”...

Thực tình, trong cuộc sống, đó có thể là sự thật. Nhưng khi không có dẫn chứng nào mà biến điều đó thành tác phẩm báo chí với nhân vật là cô con gái lớp 5, sự việc là bài tập làm văn “thư gửi bố” ở Trường Sa thì đấy lại là vấn đề hoàn toàn khác. Một tác phẩm báo chí vẫn có độ hư cấu nhất định, nhất là dạng phóng sự, ghi chép, có chính kiến nhất định khi bình luận, phản ánh... Thế nhưng, tác phẩm báo chí viết về một sự việc, về con người, tổ chức cụ thể thì phải đảm bảo tính khách quan (chính xác). Trong tác phẩm trên, chỉ dựa vào bức ảnh chụp trang giấy ô li có bài làm văn học sinh để nói rằng đó là bài tập làm văn thật là không cơ sở. Bài viết có tên nhưng không có địa chỉ trường, lớp cụ thể. Lời trong bài viết có nét chữ học trò nhưng nội dung lại đầy tính người lớn, có tính “khiêu khích”. Quan sát cả nội dung và hình thức, không khó để nhận ra bức ảnh chụp bài viết đó không có tính xác thực, nhiều khả năng là giả mạo bài làm văn, tự dựng chuyện để câu view.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thật ra, lâu nay một số trang mạng đã mở các chuyên mục, bài viết dạng cười ra nước mắt với văn vở trẻ con. Nội dung chủ yếu để gây cười, tạo góc hài hước, giải trí. Ví dụ như trích những câu văn của trẻ con tả bố, tả bà ngoại, tả cô giáo với góc nhìn ngô nghê, ngộ nghĩnh. Lại có cả những trích đoạn được nói là văn của thí sinh thi đại học, phê phán nhận thức lơ mơ của một số thí sinh, kiểu như: “Vua Quang Trung tiến quân ra Bắc, khi vào kinh thành Thăng Long thì thấy ... Triệu Đà bỏ đi rồi”; “Vua Hùng Vương thứ 18 có một người con gái đẹp như hoa tên là Mỵ (còn gọi Mỵ Châu) và một người con rể nết na, tên là A Phủ”; “Hai Bà Trưng cưỡi voi tiến lên, buộc tướng Nava phải lùi về lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”... Những trích dẫn trên phần lớn có lẽ là tưởng tượng của người viết mà thôi, chứ bài thi đại học của thí sinh sao mà nhầm lẫn đến vậy, hơn nữa quy trình chấm thi rất nghiêm ngặt, chỉ người có phận sự mới được đọc bài, làm sao mà phóng viên báo chí không can dự gì lại được... chui vào phòng thi để đọc, trích chép và đăng báo vào lúc bài thi đang chấm như đúng rồi!

Nhưng việc đưa các thông tin gây bi hài như vậy cũng chỉ là câu chuyện đàm tiếu mà thôi, nó khác với những bài viết đụng đến vấn đề đạo đức, mỹ tục và gây kỳ thị vùng miền, như “con gái miền Tây với ba chữ N” hay dạng bài được nói bài văn của học sinh tiểu học kể trên. Trong bài văn ám chỉ đến gia đình của người lính công tác ở Trường Sa, nhận thức của con gái và vợ, thì dù không có tên, địa chỉ cụ thể nhưng rất phản cảm, gây ảnh hưởng lớn tới danh dự của những gia đình người lính đảo, một câu chuyện làm trò cười thiên hạ nhưng vô tình hay hữu ý đã xúc phạm vào tư tưởng, tình cảm thiêng liêng của họ. Đặc biệt, khi mà cả nước đang dành những tình cảm cao quý nhất cho những người bảo vệ chủ quyền đất nước nơi đầu sóng và chia sẻ khó khăn với hậu phương của họ. Ngay cả một tác phẩm văn thơ có tính hư cấu cao thì người viết với tư tưởng, tình cảm của mình cũng thường tránh hư cấu một câu chuyện có tính đả kích, châm biếm, miệt thị kiểu như vậy, cho dù có thể có tư liệu thực tiễn.

Những bức thư như thế này chân thật và xúc động, cần được tuyên truyền thay cho việc dựng chuyện câu view.

Đến đây, tôi  lại nhớ điều ngược lại rất đáng khâm phục, làm xúc động lòng người. Với cảm xúc chân thật, trong sáng thể hiện trong bức thư “gửi bố ở Trường Sa”, em Phạm Thùy Linh (học sinh lớp 8D, Trường THCS Tô Hoàng Hà Nội) đã giành giải Nhì cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 43 (UPU43) của Việt Nam. Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 (UPU43) có chủ đề: “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào”. Phạm Thùy Linh đã hóa thân vào một người con có bố đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa. Bức thư ấy, Linh lấy cảm xúc từ chính câu chuyện của người bạn thân khi còn là những cô bé học sinh tiểu học. Để rồi, với tất cả tình cảm của mình dành cho màu xanh áo lính, Linh đã đưa người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc: tự hào, yêu thương, nhớ nhung chất chứa của cô con gái nhỏ gửi cho người cha yêu quý qua tiếng đàn ghi ta. “Ý tưởng này của em bắt nguồn từ một kỷ niệm với một người bạn thân học chung tiểu học. Em thường đến nhà bạn chơi và thấy một chiếc đàn ghi ta rất đẹp được treo ở góc nhà. Bạn ấy kể, bố bạn ấy là lính đảo Trường Sa đánh đàn rất hay và vì thường xuyên phải xa nhà nên đã tặng lại cho bạn ấy chiếc đàn để học” - Linh tâm sự.

Cùng câu chuyện về người lính đảo, thư gửi bố, sự thật ấy sâu lắng lòng người đến thế và lay động biết bao người đọc. Một tác phẩm báo chí có tính nhân văn bao giờ cũng có sức mạnh, chinh phục lòng người với những giá trị không gì thay thế. Điều đó cũng tạo sự ảnh hưởng cho một tác phẩm báo chí, hay sự câu view nếu nhìn về tính thương mại. Vậy mà lại “đẻ” ra cái chuyện tếu táo những tưởng gây cười như trường hợp “dị bản” thư gửi bố thì chẳng những nó làm thấp hèn giá trị tác phẩm, vi phạm luật pháp và đặc biệt không hề có tính nhân văn, cạnh khóe chà đạp vào ý thức, tình cảm của nhiều người, nhiều gia đình.

Hiện thực với những gì đang diễn ra trong đời sống báo chí và hành lang pháp luật, giá trị đạo đức, văn hóa, đó là điều để mỗi người làm báo hôm nay cẩn trọng hơn với tác phẩm báo chí của mình.

Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính lĩnh vực báo chí, xuất bản đã điều chỉnh các mức phạt khá nghiêm khắc. Điều 8 về vi phạm quy định nội dung thông tin đưa ra mức phạt cơ bản từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng với những lỗi nhẹ như không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi như đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng; miêu tả tỷ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; đăng, phát tin, bài, ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam... Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối hành vi như đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng nếu đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc. Cơ quan vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 03 tháng.

Đăng Minh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文