Chông chênh những phận đời trên lòng hồ thủy điện

11:25 09/05/2014
Làng chài ấy nằm khép mình dưới bóng núi, nhỏ bé, chông chênh đến tội nghiệp giữa cái sâu lạnh của con nước đầu nguồn lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Họ nuôi cá, đánh bắt cá để không lo cái đói, để mong ngày có chút vốn lận lưng trở về quê nghèo cho đỡ tủi phận tha hương. Ước mơ ấy không xa nhưng cũng chẳng gần, bởi nó phập phù như cái cách họ đón sóng điện thoại và bạc phếch như ngọn đèn giăng câu mỗi tối…

Ba đời lênh đênh trên bè cá

Nói là làng nhưng chỉ độ khoảng vài chục nhà lồng sống hắt hiu giữa cô quạnh của núi, của nước và của cả sự xa lạ với cuộc sống bên ngoài. Cả làng chỉ có chưa đầy chục đứa trẻ được cha mẹ chúng gửi ra huyện Đắk Glong (Đắk Nông) để học tiểu học. Còn lại, từ mầm non, hay quá tuổi đến lớp đều quanh quẩn bám lấy lồng cá để sống những ngày bấp bênh như cha mẹ, ông bà của chúng.

Họ nói, từ ngày Thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) ngăn dòng, họ đã lên đây dựng lều cạnh lòng hồ để đánh bắt cá. Rồi dựng nhà lồng để nuôi cá, để sống và để hy vọng.

Sáng họ đi câu, tối đến chạy máy nổ để nạp ắc quy thắp sáng đủ mấy bóng điện giăng câu, kiếm cơm từng bữa. Nhưng đó không phải là nguồn thu chính, hy vọng để về quê sau những ngày bấp bênh nơi xứ núi chính là những lồng cá, những lồng cá đủ loại từ lóc, mè đến trắm, trôi. Với giá bán hằng ngày mà những bà, chị thường xuyên nội trợ phải mua ngoài chợ, có lẽ cuộc sống của họ đã tạm đủ, chỉ có điều, những lồng cá ấy họ cũng phải đi vay với lãi suất cao để đầu tư mới có.

Chông chênh những phận trẻ trên lòng hồ thủy điện.

Ông Chín, bà Năm là cặp vợ chồng già, được xem là “già làng” và là người có tiếng nói nhất ở đây. Bà Năm, một người phụ nữ dân tộc Khmer nói với tôi qua hơi thuốc Batos, một loại thuốc rẻ tiền, có lẽ bà là một người nghiện thuốc nặng: “Ở quê nghèo quá, tận miền Tịnh Biên (An Giang), giáp biên giới, nên nghe lời bạn bè dắt díu con cháu lên đây sống. Dẫu vất vưởng, nhưng vẫn có cái để sống, để không phải lo cái đói”.

Ông Chín, chồng bà, thì lạc quan hơn: “Tụi tôi vẫn vào bờ để vay tiền trước mỗi vụ thả cá giống xuống lồng, bán được thì mới phải trả, toàn người thân thương, quen biết nên họ cũng giúp. Ba bốn tháng mới được một vụ, lời lãi chẳng được bao nhiêu, lo cái ăn, cái uống, quần áo cho lũ trẻ, tiền về quê mỗi bận lễ lạt lại thấy hết. Nhưng vẫn hy vọng, bởi ra đi phải kiếm được gì đó để về quê cho đỡ bõ công”. Trong cái từng trải, sâu lắng của một người đã ở cái tuổi lục tuần, ông cho tôi biết, “phải kiếm bằng được tiền sau này lên bờ để cất cái nhà sao coi được, cho bà già yên lòng trước lúc đi xa, cho đỡ tủi với bà con”.

Những ngôi nhà lênh đênh như số phận của họ trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3.

Và ước mơ con chữ...

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (một phần diện tích thuộc địa phận quản lý) có một làng chài với khoảng hơn hai chục nóc nhà lồng. Trong đó, gia đình của bà Năm có số nhân khẩu nhiều nhất với 5 lồng cá. Phần lớn bọn trẻ thất học và người lớn thì mù chữ. Từ nơi họ đặt lồng nuôi cá và tổ chức đánh bắt cá mưu sinh hằng ngày đến trung tâm huyện Đắk Glong, tính cả đường thủy và đường độc đạo dẫn xuống lòng hồ là khoảng trên 40km.

Thằng Sóc, cháu ngoại của bà Năm, một đứa trẻ bị bỏ rơi và lai giữa hai dòng máu Campuchia - Việt Nam, 15 tuổi nhưng vẫn ngô nghê, nói tiếng Kinh không tròn âm và mù chữ, là đứa lớn nhất trong hơn 10 đứa trẻ của làng. Nó không được đi học đã đành! Những đứa còn lại, từ Thủy Tiên đến Giáng My..., những cái tên đẹp hơn cha mẹ chúng nhiều cũng vậy, vẫn bó trọn đường đời của chúng trong những căn nhà lồng nuôi cá chật hẹp.

Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nói: “Ở đây, chúng tôi vẫn xem họ như người nhà, mỗi lần ra vào có gói bột ngọt, chai dầu ăn, lít rượu... vẫn mang ra để sẻ chia. Mọi người ở đây sống cực khổ nhưng chịu thương, chịu khó và có một điều đặc biệt họ chẳng bao giờ đụng đến rừng. Phương tiện duy nhất để đưa họ đến với bờ là những chiếc xuồng máy tự tạo. Phương tiện ấy hằng tuần đưa họ đến với chợ khi hết thức ăn, đến bệnh viện khi có người đau kẻ ốm (kể cả những lúc sinh nở), hơn thế là những ngày đi bán cá, mua dầu máy và hạnh phúc khi đón đưa những đứa trẻ may mắn được đến trường trong những ngày đầu, cuối tuần”.

Người con cả của bà Năm, anh Hai - khoảng chừng 37 tuổi, không nhớ rõ ngày sinh vì anh không biết chữ, nói với tôi trong chuếnh choáng của men rượu đế và những con cá hồ câu được đãi khách: “Vui vì con cháu mình đã có đứa được đi học, dẫu chưa được tất cả nhưng đó cũng là hy vọng. Hy vọng chuyện học hành, có cái chữ sẽ giúp cuộc đời chúng có lối thoát. Còn tụi tôi chỉ biết cần mẫn, cày ải để có tiền, có gạo cho chúng theo đuổi”.

Ngôi làng ấy lên xuống theo con nước của hai mùa mưa nắng Tây Nguyên, chông chênh và cô độc. Chẳng có hộ khẩu, tạm trú - tạm vắng theo quy định, dù vẫn được chính quyền xã kêu gọi mỗi lần có sự kiện quan trọng, như bầu cử. Họ sống, hẳn nhiên không nước sạch, không điện, không cộng đồng, thiếu hụt nhiều thứ nhưng vẫn mong có tiền cho ngày về. Có lẽ hơi xa, bởi trong lành lạnh của con nước ngăn dòng, mấy người con dâu của ông Chín, bà Năm than thở, hình như nguồn đánh bắt cũng đã cạn. Nghe đâu, họ sắp sang lòng hồ thủy điện Đồng Nai 4, nơi ấy vừa mới ngăn dòng

Văn Thành

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文