Chống xe chở quá tải, nhìn từ các cảng biển Hải Phòng
Bài 1: Xe quá tải ùn ùn rời cảng - đường sá bị phá nát
Đau đầu quản lý xe container
Ít đâu như Hải Phòng, lợi thế có cảng cửa ngõ lớn nhất miền Bắc với công suất bốc dỡ hàng hoá trên 60 triệu tấn/năm. Trong vô số dịch vụ mở ra nhằm cung ứng cho việc giải quyết lượng hàng khổng lồ nói trên, dịch vụ vận chuyển hàng hoá ra vào các cảng khu vực Hải Phòng luôn sôi động nhất, giá trị đầu tư lớn nhất và cũng gây phiền phức, hậu quả nhiều nhất trên lĩnh vực giao thông đường bộ như xe chở quá tải, tắc đường, hỏng đường, gia tăng TNGT... Trước khi rời chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng về nghỉ hưu đầu năm 2013, ông Đàm Xuân Luỹ đã kịp làm một việc rất hữu ích. Đó là phản ánh trước Bộ GTVT trong một cuộc họp trực tuyến rằng cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đã không thể nào quản lý nổi hoạt động dọc ngang tung hoành của hàng ngàn xe vận tải hạng nặng tại thành phố cảng.
Theo ông Luỹ, tại thời điểm đó, Hải Phòng có hơn 6.500 xe container nhưng chỉ 2% trong số đó có đăng ký và được Sở GTVT cấp giấy phép vận tải hàng hoá. Số còn lại, chỉ cần bỏ tiền mua xe, đăng ký lưu hành, tìm kiếm, ký kết các hợp đồng với chủ hàng là có thể vận hành khai thác, bất chấp quy định nhà nước vận tải hạng nặng là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải chịu sự quản lý của cơ quan chuyên ngành. Đây là lý do khiến dàn xe "công" nhiều nhất nước trở thành đoàn xe "hung thần" theo đủ nghĩa. Sở dĩ phải nhắc lại phát ngôn "gây sốc" của vị cựu Giám đốc sở này là vì cũng từ đó, Bộ chủ quản, các địa phương mới giật mình, nhìn nhận, đánh giá lại hiện tượng xe container, mới phát hiện ra hàng trăm lái xe nghiện ngập, hàng ngàn xe dù, hàng vạn lượt xe tha hồ chở quá tải, phá đường, gây mất ATGT.
CSGT và Thanh tra giao thông kiểm tra xe quá tải trên QL10 khu vực Hải Phòng. |
Mỗi năm tại các tuyến đường riêng cho xe container ra vào cảng khu vực nội thành Hải Phòng như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông, đường 356 (cảng Đình Vũ) có gần 100 vụ ùn tắc giao thông thì 100% số vụ đều do xe container gây ra. Có thời điểm sự cố tắc đường kéo dài nguyên 1 ngày, bức xúc lên đến đỉnh điểm. Không chỉ có thế, Phòng CSGT bộ - sắt thuộc Công an TP Hải Phòng cho biết, qua phân tích số liệu TNGT xảy ra trên địa bàn hằng năm, tai nạn liên quan đến xe container chiếm tỷ lệ đến 40%. Có một sự trùng lặp khi phân tích chuỗi số liệu khiến cơ quan chức năng phải đặc biệt lưu ý: Số đông các vụ tai nạn, sự cố do xe container, xe tải hạng nặng (3-4 đầu trục) gây ra thì hầu hết là xe trong tình trạng quá tải, lái xe mất kiểm soát. Dịch vụ vận tải bám theo cảng một cách tự phát là nguyên nhân gây mất kiểm soát đối với loại phương tiện siêu trường siêu trọng này. Tuyến đường 356 dài chỉ khoảng 7km từ ngã ba Chùa Vẽ (QL5) đến Đình Vũ có 6 cảng lớn, nhỏ, nhưng lại có tới 30 kho bãi xếp container sau cảng, bãi bé nhất cũng có diện tích 1,2 ha. Trong đó có rất nhiều kho bãi trên một cung đường ngắn, đường nhánh vào các bãi với tần suất xe quay trở, ra vào khoảng 1.500 lượt/ngày, xe nào cũng quá tải đã gây ùn tắc giao thông, phá huỷ công trình nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 2 năm đưa vào khai thác thì đường 356 đã nát như tương. Từ năm 2011-2013, hơn ngàn tỷ đồng tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng đường này quy mô 4 làn xe cơ giới nhưng ùn tắc chỉ giảm chứ không dứt, nguy cơ tiếp tục xuống cấp giờ đã ngay trước mặt.
Đường nát như tương, kiểm soát xử lý không xuể
Trên tuyến QL10, con đường nổi tiếng có chất lượng tốt khu vực duyên hải phía Bắc chỉ sau 5 năm đưa vào khai thác, hàng chục điểm trên lộ trình đã trở thành ruộng bậc thang. Điểm minh chứng cho sự tang thương của tuyến đường này là cầu Kiền, cây cầu dây văng công nghệ Nhật Bản được cho là hiện đại, kiên cố nhất trong các loại cầu, nhưng phần mặt cầu giờ như bãi thử bom mìn cũng chỉ vì sự hành hạ của những chiếc xe quá tải. Còn tại QL5, bình quân 2 tháng 1 lần phải tiến hành sửa chữa mặt đường do sụt lún và được xác định là do chịu tải quá công suất thiết kế (80 tấn/bánh lốp và 40 tấn/bánh xích). Thời gian đầu, việc sửa chữa phải bóc bỏ lớp bê tông nhựa rồi gắn vá lại bằng lớp khác. Nhưng chỉ ít ngày sau thì đường đã lại thành luồng, thành rãnh, thành hào. Từ tháng 6/2014 đến nay, quan sát việc sửa chữa tại các giao lộ giữa QL5 với các tuyến Tôn Đức Thắng - đường vòng cầu Niệm, Ngã tư Metro... phóng viên ghi nhận đơn vị thi công chỉ cào bằng phần nhựa nổi gồ lên rồi lu lại chứ chẳng cần bổ sung gì cả. Lún lại cào. Một người phụ trách việc theo dõi thi công cho phóng viên biết: "Làm đi làm lại mãi vẫn lún, xử lý thế này cho đỡ tốn kém".
Theo số liệu thống kê của của Phòng CSGT bộ - sắt Công an TP Hải Phòng, tính đến hết tháng 9/2014, trên địa bàn có 7.992 xe đầu kéo và 8.722 rơ moóc. Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2013 bắt đầu triển khai thắt chặt quản lý đối với xe tải hạng nặng, số lượng xe đã tăng thêm 1.500 chiếc và 2.000 rơ moóc. Gia tăng số lượng phương tiện nhưng không giảm tải trên từng phương tiện nên chưa thể giảm tải đến mức ổn định cho những tuyến đường bởi ngay trong khâu tổ chức kiểm tra tải trọng, xử lý cũng còn nhiều quá bất cập.
Lấy ví dụ, tại Hải Phòng có tới 3 tuyến đường có xe container đi qua gồm QL5, QL10, đường 356 với hàng chục điểm rẽ chuyển hướng sang tuyến khác nhưng chỉ được bố trí duy nhất 1 trạm cân. Trong khi đó, đội ngũ lái xe luôn tỏ ra tinh quái, luôn được cung cấp thông tin bởi các "cò" nên rất dễ lọt khỏi địa phận Hải Phòng mà chẳng cần phải qua trạm cân. Đó là chưa nói đến hàng loạt chiêu trò né tránh, lách đường, lách luật mà tài xế nào cũng thuần thục. Nếu trạm cân đặt ở QL5, vị trí điểm cuối địa phận giáp Hải Dương, các lái xe sẽ dùng chiêu bài dừng xe hàng loạt vào các quán ăn bên đường, chỉ trong vòng ít phút sau đó, những người đến sau tự khắc biết xảy ra chuyện gì để rồi gia nhập vào đoàn xe án binh bất động có khi kéo dài cả cây số tạo nên áp lực cản trở, ách tắc giao thông và nguyên nhân được đổ hết cho trạm cân. Ông Phạm Đức Chi, Phó trưởng ban Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) phụ trách trực tiếp trạm cân lưu động giãi bày với phóng viên, dẫu biết đó là chiêu trò của cánh lái xe, nhưng không ít lần vì sự lưu thông thông suốt của toàn tuyến phải chỉ đạo di chuyển trạm về vị trí khác.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải cho biết, thực ra việc lắp đặt trạm cân, kiểm tra chỉ là kiểm tra, xử lý những việc đã rồi. Cái chính là phải ngăn chặn từ gốc, tức là nơi phát sinh ra hàng hoá để xe có thứ mà xếp tải và chuyên chở. Đó chính là các bến cảng, kho hàng của doanh nghiệp. Song, đây lại liên quan đến các vấn đề khác về phạm vi, quyền hạn của doanh nghiệp. Nó thuộc về quản lý vĩ mô, phải do các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, chỉ đạo chứ không thể ở địa phương.
Phòng CSGT đường bộ - sắt Công an TP Hải Phòng cho biết: từ tháng 3/2014 đến nay, lực lượng này đã phát hiện, xử lý trên 10.783 phương tiện vi phạm. Trong đó có 1.388 phương tiện quá tải, xử phạt 4.118.100.000 đồng, tước 1.320 giấy phép lái xe. Đồng thời, xử phạt đối với 140 lượt chủ phương tiện (chứ không phải lái xe) với số tiền 717 triệu đồng về ý thức, trách nhiệm trong quản lý vận hành phương tiện gây ra lỗi chở quá tải. |