Chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã
- Nạn buôn lậu thú hoang dã lộng hành khắp nơi
- Giải cứu thành công 2 cá thể tê tê vàng quý hiếm
- Nổ súng chặn bắt đối tượng vận chuyển tê tê trái phép
Với chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, Tháng hành động vì môi trường tại Việt Nam hướng tới việc kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái bền vững.
Mua bán trái phép động vật hoang dã đã trở thành một ngành thương mại với lợi nhuận tỷ đô la ở cấp toàn cầu. Hoạt động của tội phạm có tổ chức đang khiến nhiều loài rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời phá hủy tài nguyên thiên nhiên một cách tàn khốc chưa từng có trong lịch sử.
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và INTERPOL, lợi nhuận thu được của tội phạm về môi trường đã tăng 26%, từ 70-213 tỉ đô la năm 2014 tăng lên 91-258 tỉ đô la ở thời điểm này.
Việt Nam đang từng bước thực hiện cam kết trong việc đấu tranh chống lại tội phạm mua bán, vận chuyển các loài động, thực vật hoang dã, trong đó có việc tăng cường bắt giữ các sản phẩm có nguồn gốc trái phép.
Từ năm 2010 đến năm 2015, cơ quan hải quan đã thu giữ khoảng 55.200kg tê tê, 18.000kg ngà voi và hơn 235kg sừng tê giác từ các lô hàng phi pháp. Vụ bắt giữ lớn nhất diễn ra ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), thu giữ hơn 3 tấn ngà voi, 120kg sừng tê giác và 4 tấn vẩy tê tê được cất giấu trên 3 lô hàng.
Lực lượng chức năng thu giữ nhiều cá thể rùa và tê tê quý hiếm. |
Để từng bước ngăn chặn loại tội phạm này, Luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 đã đưa ra mức xử phạt nghiêm khắc hơn. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa lên tới 10-15 tỉ đồng, mức xử lí hình sự lên tới 10-15 năm tù. Đối với loài tê tê, nếu vận chuyển, mua bán với số lượng từ 1-6 cá thể sẽ có mức phạt từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Mức hình phạt tù tăng lên 5-10 năm với số lượng từ 7-10 cá thể và từ 10-15 năm với số lượng trên 10 cá thể. Tê tê là loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Việt Nam và Trung Quốc hiện là hai quốc gia tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Trước nhu cầu ngày càng gia tăng, loài tê giác ở Nam Phi đang bị đe dọa nghiêm trọng. Số lượng tê giác bị giết hại mỗi năm vẫn không ngừng tăng lên.
Chỉ trong năm 2015 đã có gần 1.200 cá thể tê giác Nam Phi bị giết hại để lấy sừng, bán sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Với tốc độ giết hại tê giác như hiện nay, dự đoán, đến năm 2020, loài tê giác sẽ tuyệt chủng. Tại Việt Nam, cá thể tê giác Java cuối cùng đã bị giết hại ở Vườn quốc gia Cát Tiên năm 2011.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm đào tạo và truyền thông môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, Ngày Môi trường thế giới được phát động lần đầu tiên vào năm 1972. Kể từ đó, thế giới chọn ngày này là dịp để nâng cao nhận thức của mỗi người về tầm quan trọng của môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường toàn cầu.
Năm nay, Ngày Môi trường thế giới tập trung vào cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động thực vật hoang dã trái phép nhằm kêu gọi cộng đồng giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép, đe dọa đa dạng sinh học; hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của trái đất.
Theo UNEP, thời gian qua, việc bảo vệ động vật hoang dã đã có một số thành công nhất định nhưng nhiều loài vẫn có nguy cơ cao bị tuyệt chủng. Nhân ngày môi trường thế giới, UNEP truyền đi thông điệp, rằng con người cần hiểu biết nhiều hơn và cần phải thay đổi thói quen, hành vi để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Việt Nam hưởng ứng sự kiện này bằng việc phát động “Tháng hành động vì môi trường” diễn ra trên toàn quốc với nhiều hoạt động lồng ghép thiết thực. Ngày 5-6 vừa qua, tại tỉnh Lào Cai, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tiến hành thả 82 cá thể động vật hoang dã về vườn quốc gia Hoàng Liên. Số cá thể này là tang vật thu giữ trong các đợt truy quét những đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép.
Việt Nam là quốc gia được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật. Tuy nhiên, đa dạng sinh học tại Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng trước áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế.