Chuyện chưa kể bên dòng Sê-rê-pốk

13:25 04/04/2014
Hàng trăm năm qua, dòng sông huyền thoại Sê-rê-pốk có xuất thân từ Tây Tạng khi chảy qua địa phận xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) luôn trong vắt, tôm cá đuề huề. Rất nhiều du khách khi “phượt” trên dòng sông bằng thuyền độc mọc hay cưỡi voi đều có cùng nhận xét, Sê-rê-pốk là con sông thiên thần, một cõi thiên thai giữa rừng già, chốn yên bình đến tuyệt đối.

Chẻ giữa rừng già, được bao bọc bởi núi cao, rừng thẳm đẹp như tranh vẽ, ngược xuôi trên dòng Sê-rê-pốk, người ta tịnh không thấy 1 cọng rác cũng như hình ảnh ai đó đeo bình xiệc cá bằng xung điện như thường thấy ở chốn sông nước đồng bằng. Sở dĩ sông Sê-rê-pốk được “thiên thần” như thế nhờ những điều luật bảo vệ môi trường được người M’nông nơi đây truyền lưu qua bao đời, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

“Bắt cá phải chừa con mẹ - thuốc cá có tội với làng”

Chúng tôi đến xã Krông Ana khi dư âm của lễ hội đua voi (giữa tháng 3) vẫn còn đó. Trước khi diễn ra lễ hội voi một ngày, thầy cúng có uy tín với làng là cụ Y Ban E-bê đã làm lễ cúng bến nước bên dòng Sê-rê-pốk: “Bến nước là sự sống của buôn làng. Dân làng tắm giặt, lấy nước ăn uống ở bến nước nên rất linh thiêng. Bến nước có thần trông coi nên phải cúng tạ ơn thần giữ bến”.

Người tâm sự với tôi chuyện cúng thần bến nước là bà HDoan năm nay đã ngoài 70 tuổi. Còn theo bà Amí Phương, Buôn trưởng buôn Buôn Đôn, buôn cổ gắn với nhiều gru (dũng sĩ săn voi rừng - PV) danh tiếng khắp Tây Nguyên, thì bao đời qua, bến nước luôn là nơi diễn ra nhịp sống, sự sống của buôn làng nên tổ tiên người M’nông đã có những điều luật bảo vệ rất nghiêm ngặt.

“Rừng là của chung/ Đất là của chung/ Suối nuôi cá là của chung/ Cá dưới suối ai xúc cũng được/ Bắt con ếch phải chừa con mẹ/ Bắt con cá phải chừa con mẹ/… Thuốc cá làm suối nghèo/ Ai thuốc cá có tội với làng/ Tội thuốc cá không ai đền nổi…”.

Khung cảnh thơ mộng của dòng sông làm mê đắm nhiều du khách.

Trên đây là trích đoạn trong điều luật bảo vệ môi trường của luật tục M’nông mà hầu như người già nào ở Krông Ana đều ít nhiều nằm lòng hay biết đến. Điều luật này đề cập đến chế tài dành cho những ai làm ô nhiễm hay làm cho sông suối “nghèo” bằng các màn đánh bắt mang tính chất hủy diệt như bắt cá mẹ lúc đang “bụng mang dạ chửa”, hay đổ thuốc độc làm cá chết hàng loạt.

Chuyện rằng, không chỉ cá mà các loài chim thú ở rừng, tổ tiên của người M’nông cũng dạy con cháu không được săn bắt, giết hại khi chúng đang trong mùa sinh sản hay con mẹ lúc đang mang thai. Những người già M’nông lưu ý kiểu giết hại như thế không chỉ làm con thú bị tuyệt diệt, mà còn hại con cháu đời sau bởi chẳng có con thịt để sinh tồn. Vì lẽ đó nên luật tục qui định ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt rất nặng”.   

Phạt nặng không tha!

Trước khi đề cập đến hình phạt dành cho những ai làm hại bến nước, dòng sông, cần nói rõ rằng, chẳng biết từ bao giờ, cùng với các dòng chảy, người M’nông còn dùng luật tục để bảo vệ rừng. Ví như tại điều khoản về tội bán đất, bán rừng, bên cạnh cảnh báo phạt nặng, luật tục phân tích rất rõ những tác hại một khi rẫy rừng không còn nữa và qui kết những người bán đất, bán rừng có tội với con cháu: “Bán rẫy, lúa mất đất/ Làm khổ cho con cháu/ Rừng không còn, đất không còn/ Sẽ trở thành nghèo khổ”.

Xuyên suốt buôn cổ Buôn Đôn ở xã Krông Ana, càng tìm hiểu về luật tục bảo vệ sông suối, núi rừng của tộc người M’nông, chúng tôi đi đến ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác khi được nhiều cụ kể cho nghe vanh vách các qui định, lệnh cấm gắn với luật tục ngăn chặn nạn tự ý chặt phá bừa bãi cây rừng. Có cả việc ngăn cấm những ai nuôi gia súc, gia cầm nhưng không chăn dắt mà cố tình thả hoang, để chúng gây ô nhiễm môi trường, phá hoại mùa màng, gây dịch bệnh.

Lúc gặp ở buôn Trí A, cụ bà Hré sau khi nhấn mạnh luật tục qui định nuôi voi phải có cọc, nuôi trâu, nuôi lợn, nuôi bò phải làm chuồng, đã đọc cho tôi nghe một đoạn luật tục bằng tiếng thổ ngữ nói về chế tài dành cho người vi phạm luật tục. Sau này, khi đọc về luật tục M’nông, tôi rõ hơn về đoạn luật tục ấy: “Nuôi trâu cố tình thả rông/ Nuôi voi cố tình thả hoang/ Ăn rẫy phải chịu, phá chòi phải đền/ Súc vật đánh chết người phải đền…”.

Trở lại chuyện chế tài của luật tục M’nông dành cho những ai xâm phạm tài nguyên, đầu độc bến nước và dòng sông bằng các biện pháp đánh bắt hủy diệt. Chuyện rằng, không dừng lại ở việc phạt vạ bắt đền, luật tục còn bắt kẻ “gây án” khắc phục hậu quả vì hành vi để gia súc thả rong, làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm dòng chảy: “Bảo nó tát nước suối cho cạn/ Bảo nó tát nước suối cho trong/ Nó phải tát nước suối mới trong/ Trong đến nguồn mới hết nước phèn”.

Con sông “sống” nhờ luật tục

Theo giải thích của các già làng, chiếu theo luật tục thì người nào xâm hại sông suối, làm sông suối bị ô nhiễm thì đích thân người ấy “phải khắc phục hậu quả”, chứ không thể cậy nhờ người thân hay bỏ tiền ra thuê người. Bởi nếu họ không tự tay tát nước suối thì nước sẽ không trong được. Điều này nói lên tính nghiêm khắc, răn đe và nhờ như vậy nên không ai dám vi phạm: “Luật qui định người vi phạm tùy mức độ mà bị bắt đền, bị phạt rượu, phạt gà, phạt heo, phạt trâu. Có tội nặng phải đền phạt bằng ché rượu quý đổi bằng trâu mộng nữa kia” - một già làng cho biết.

Nhờ được bảo vệ bằng luật tục như thế mà như chúng tôi đã nói, dòng chảy của con sông Sê-rê-pốk đoạn qua địa phận xã Krông Ana luôn trong xanh, tràn đầy sức sống. Và nhờ ý thức được ý nghĩa của việc bảo vệ tài nguyên nên người M’nông không xả rác, không có kiểu đánh bắt theo phương cách hủy diệt. Khi thả lưới, xúc cá, gặp con cá bụng mang dạ chửa thì người dân ở đây sẽ trả cá mẹ về với dòng chảy để nó có cơ hội sinh sản, phát triển bầy đàn: “Nếu mình bắt cả mẹ lẫn con, mình không cho nó đẻ con thì mai này con cháu đâu còn cá để bắt mà sinh sống được”, ông Y Ban Knu lúc ngược dòng bằng thuyền độc mộc thả lưới nói

N. T. Dũng

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文