Chuyện ghi ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

15:52 23/02/2009
"Nếu ngày mai có gió mùa đông bắc thì thể nào tối nay số người vào cấp cứu vì những bệnh liên quan đến lao, phổi cũng tăng vọt. Anh chị em bác sĩ, y tá trực đêm lại tất bật luôn tay, nhiều hôm đến trắng đêm". BS Lê Trọng Hậu - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, tâm sự.

Ngày còn bé, đọc sách về những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong nhà tù của thực dân, đế quốc, tôi vẫn nhớ có người bị bệnh lao phổi, mỗi khi nói chuyện với bạn tù, họ phải lấy tay che miệng hoặc quay sang hướng khác để hạn chế vi trùng lao lây nhiễm. Ấn tượng và sự sợ hãi về bệnh lao phổi hình thành trong tôi từ đấy. Đến nỗi, mỗi lần đi trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), khi ngang qua Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, tôi đều cảm thấy ái ngại.

Trong cái không khí có phần lặng lẽ nhưng luôn tất bật, khẩn trương ở Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, câu chuyện giữa chúng tôi và bác sĩ Lê Trọng Hậu thường xuyên bị gián đoạn. Khi thì điện thoại của bác sĩ Hậu đổ chuông, lúc thì các bác sĩ, y tá đến xin y lệnh...

Thăm khám bệnh ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TW.

Có lẽ Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực là một trong những khoa có đông bệnh nhân nhất ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, với 1.405 lượt người bệnh đến cấp cứu, điều trị trong năm 2008. Đây là bệnh viện chuyên khoa Trung ương nên đầu vào hầu hết là những bệnh nhân nặng mà tuyến dưới không đủ khả năng chữa trị.

Năm 2006, bệnh nhân Nhung từ Hà Tĩnh được đưa ra Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, tim ngừng đập, ho ra máu. Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Xuân Nghiêm cùng bác sĩ Lê Trọng Hậu và tổ trực đã khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu chữa. Bệnh nhân được mở khí quản, hút máu đông và ép tim, bóp bóng thở. Được cấp cứu kịp thời và nhờ cả sự may mắn, thần chết đã từ chối bệnh nhân Nhung. Sau một thời gian được điều trị tích cực, bệnh nhân đã bình phục và trở lại sinh hoạt bình thường. 

Tất nhiên, trong cuộc đua với tử thần không phải bao giờ các thầy thuốc cũng thắng. Điều này là bình thường nhưng có trường hợp khi bệnh nhân bị tử vong - dù với nguyên nhân nào - gia đình họ cũng quy hết mọi trách nhiệm cho bác sĩ.

Hai năm trước, bệnh nhân T.A. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương. Gia đình người bệnh giấu biệt việc anh này nghiện ma tuý nặng. Quá trưa hôm đó, bệnh nhân T.A. lén lút vào nhà vệ sinh chích ma tuý. Khi trở lại giường bệnh, T.A. lên cơn co giật và được các bác sĩ tập trung nhân lực, phương tiện cấp cứu; song do sốc ma tuý nặng nên T.A đã tử vong. Người nhà T.A. cho rằng các bác sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm, nên đã có những lời nói và hành vi xúc phạm, gây mất trật tự khiến bảo vệ bệnh viện phải yêu cầu Công an đến giải quyết...

Nhắc lại kỉ niệm buồn này, bác sĩ Hậu nở nụ cười chua chát: "Âu cũng là cái nghiệp" - một cái nghiệp đã vận vào anh và nhiều đồng nghiệp ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương này hàng chục năm qua, để cứu chữa hàng ngàn người thoát khỏi căn bệnh từng được coi là nan y.

Tôi đến Khoa Ngoại gặp bác sĩ Trưởng khoa Đàm Toạ, đúng lúc anh đang thăm khám cho bệnh nhân Phạm Thị Lan Anh (32 tuổi, công tác tại bộ phận thi hành án thành phố Lào Cai).

Không giấu nổi niềm vui của người được "cải tử hoàn sinh", Lan Anh kể: Năm 2007, em phát bệnh. Tự nhiên người gầy rộc, bị áp xe ở ngực, lưng. Đi khám bệnh viện tỉnh rồi nhiều bệnh viện Trung ương đều chẩn đoán em bị u máu. Đang 46 kg, đến lúc nhập Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương (tháng 2-2008), em chỉ còn 30 kg, đã liệt tứ chi rồi...

Là người đã trực tiếp mổ, điều trị cho bệnh nhân Lan Anh, bác sĩ Toạ nhớ lại: Nói nôm na, mắc bệnh lao xương chẳng khác nào bị mối mọt nó đục xương. Lan Anh bị liệt vì lao đốt sống cổ, dẫn đến chèn ép tuỷ sống; ngoài ra, bệnh nhân còn bị lao một số khớp xương khác.

Sau hai lần mổ, mỗi lần nạo hút ra hàng lít mủ, Lan Anh được điều trị tích cực và đã bình phục... "Hiện giờ em được 44 kg. Em đã đi làm trở lại từ tháng 9/2008. Ai cũng bảo em từ cõi chết trở về" - Lan anh khoe với tôi, rồi nhìn bác sĩ Toạ với đôi mắt ngấn nước.

Bình quân mỗi năm Khoa Ngoại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương chữa trị lao xương cho khoảng 200 người bệnh, trường hợp nặng như bệnh nhân Lan Anh không phải hiếm. Nếu người bệnh không được chữa trị kịp thời và đúng phương pháp, sẽ bị những di chứng nặng nề suốt đời, thậm chí tử vong.

Nhiều năm đã qua nhưng bác sĩ Toạ vẫn còn nhớ bệnh nhân Lê Văn Lương (quê ở Quảng Ninh). Lương nhập viện năm 17 tuổi, cũng trong tình trạng liệt, phù thũng hai chân, người teo tóp như một bộ xương. Lương được mẹ già chăm sóc, nhà rất nghèo. Những năm đó còn bao cấp, mỗi lần nhà bếp chia cơm, bác sĩ Toạ lại nhắc chị em sẻ thêm cho hai mẹ con Lương chút cơm...

Sau khi được bác sĩ Toạ trực tiếp mổ, hai mẹ con Lương xin xuất viện sớm về điều trị ngoại trú. Bẵng đi vài tháng sau vào một ngày mưa gió lầy lội, gia đình bác sĩ Toạ đang chuẩn bị bữa tối thì có một người chống gậy, tay xách cái bị cói, gõ cửa. Bác sĩ Toạ không thể nhớ nổi người đứng trước mặt mình là ai cho đến khi người thanh niên tự giới thiệu. Ngay khi bình phục và đi lại được, Lương bắt xe khách về Hà Nội mang theo mấy con cua biển để tạ ơn vị ân nhân đã trả lại cuộc sống bình thường cho mình.

Một bác sĩ khác ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương giấu tên cho biết: Nhiều khi họ bị giằng xé giữa y đức và các áp lực. Có trường hợp không thể tiên lượng hết trong chẩn đoán, khi mở lồng ngực mới phát hiện bệnh nhân còn bị viêm, u, tật ở chỗ khác; nếu được xử lí luôn thì bệnh nhân không bị mổ thêm lần nữa, sức khỏe sẽ tốt hơn... Nhưng lỡ xảy ra bất trắc khiến bệnh nhân tử vong (điều này hoàn toàn có thể xảy ra) thì các bác sĩ là người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trong khi đó, nếu bác sĩ xử lí theo chẩn đoán và y lệnh trước ca mổ thì họ đã hoàn thành nhiệm vụ rồi. 

Trong những ngày đi lấy tư liệu viết bài ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, chúng tôi được biết đời sống của không ít bác sĩ còn rất khó khăn. Như bác sĩ T. ở Khoa Cấp cứu, vẫn phải thuê nhà từ lâu.

Còn bác sĩ Nguyễn Quang Hoà, Bí thư Đoàn thanh niên của Bệnh viện thì tâm sự: "Nói thật, nếu cha mẹ không mua cho cái căn hộ hơn ba chục mét vuông ở khu chung cư Thanh Xuân thì vợ chồng em cũng đến nước đi thuê nhà mà ở. Hai vợ chồng cùng là bác sĩ, làm cùng viện nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống, biết đến bao giờ mới tự mua được nhà"...

Trong ánh nắng xuân cuối ngày, tôi tạm biệt bác sĩ Đàm Tọa, ra về. Nhìn bóng áo trắng của các thầy thuốc trong những hành lang dài hun hút của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, chợt nhận thấy xiết bao cảm thông, thân thiết

Trần Duy Hiển

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文