Chuyện về 2 phi công hy sinh quên mình để cứu dân

16:46 11/07/2010
Các nhân chứng tại khu vực máy bay rơi kể lại đều khẳng định: Máy bay vòng lượn tránh khu dân cư và nhà cao tầng rồi mới rơi xuống đất. Trước lúc hi sinh, 2 phi công (Thượng tá Nguyễn Văn Vinh và Thượng úy Đặng Hồng Vinh) đã có hành động dũng cảm điều khiển máy bay vòng tránh khu dân cư.

14h ngày 12/11/2009, Thượng tá Nguyễn Văn Vinh - Chỉ huy trưởng đơn vị C31 và Thượng úy Đặng Hồng Vinh - Phó Phi đội trưởng Phi đội 2 - đơn vị C31 thực hiện nhiệm vụ bay trinh sát khí tượng trên máy bay Mig-21.

Máy bay bay theo sơ đồ vòng kín rộng, độ cao 700m, vận tốc 700km/h. Sau khi kết thúc bay vòng thứ nhất thì máy bay xảy ra trục trặc kỹ thuật. Hai phi công cố gắng tăng nhanh tốc độ để đưa máy bay về trạng thái bình thường, nhưng do độ cao thấp, tốc độ nhỏ và phải điều khiển máy bay tránh khu dân cư nên máy bay tiếp đất bị hư hỏng hoàn toàn và hai anh đã hi sinh trong buồng lái.

Ngày 4/5/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 537/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hai phi công nói trên vì đã có hành động dũng cảm hi sinh quên mình vì nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Vinh (người thứ nhất từ phải qua trái) đang trao đổi kinh nghiệm trước ban bay.

Các anh đã sống như thế

Khi nghe tin 2 đồng chí phi công được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, cả đơn vị mừng lắm. Vậy là tâm nguyện của anh em đồng đội bấy lâu nay đã trở thành hiện thực.

Trung tá Đào Duy Tuyên - Chủ nhiệm Chính trị đơn vị C31 bộc bạch: Sau khi khắc phục hậu quả của vụ tai nạn, ban lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã tổ chức đi cảm ơn chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái.

Chúng tôi thật xúc động khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhắc đi nhắc lại câu nói nếu cần làm công văn đề nghị hoặc xác nhận để Quân đội, Nhà nước xét phong tặng danh hiệu cao quý cho 2 đồng chí phi công đã hy sinh thì tỉnh sẽ làm ngay. Đồng chí còn nói đây không phải là ý kiến của cá nhân đồng chí, mà là tâm nguyện của cán bộ, chiến sỹ đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Thượng tá Nguyễn Văn Vinh - Chỉ huy trưởng đơn vị C31 (Đoàn B71), sinh ngày 18/5/1962 tại Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, Nghệ An. Anh là một cán bộ, đảng viên, một phi công quân sự cấp 2 luôn có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn, trình độ chỉ huy và trình độ bay giỏi.

Trong gần 30 năm công tác, Nguyễn Văn Vinh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Anh thuộc lớp phi công được đào tạo tại Trường Không quân Crátxnođa (thuộc Liên Xô cũ) và đã có giờ bay tích lũy là 1.030 giờ 59 phút, đã bay trên các loại máy bay L.39 và Mig-21, được cấp trên đánh giá có trình độ bay ứng dụng chiến đấu tốt.

Từ năm 2000, anh được phê chuẩn là chỉ huy bay, giáo viên bay và trực ban chiến đấu 2 khí tượng thực hiện nhiệm vụ tiêm kích phòng không, tiêm kích bom, không chiến, trinh sát, bay biển, bắn tên lửa, đánh mục tiêu tốc độ nhỏ, độ cao thấp; không có cố tật và yếu điểm trong bay, tình trạng sức khỏe, tâm lý tốt. Thượng tá Nguyễn Văn Vinh đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Ba.

Thượng úy Đặng Hồng Vinh - Phó Phi đội trưởng Phi đội 2, đơn vị C31 (Đoàn B71), sinh ngày 28/10/1977 tại Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Anh là phi công trẻ được đào tạo tại Trường Sỹ quan Không quân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, tốt nghiệp ra trường và nhận công tác tại đơn vị C31 năm 2002.

Thượng úy Đặng Hồng Vinh.

Thượng úy Đặng Hồng Vinh có số giờ bay tích lũy là 329 giờ 35 phút trên 3 loại máy bay Jak-52, L-39 và Mig-21, riêng giờ bay trên máy bay Mig-21 là 185 giờ 38 phút. Anh được cấp trên đánh giá có trình độ bay, lý thuyết bay khá, đã bay ứng dụng chiến đấu đơn khu vực độ cao thấp, đủ điều kiện tham gia trực ban chiến đấu ngày khí tượng giản đơn. Anh được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ bay.

Khi nghĩ về những tháng năm sát cánh bên nhau trong cuộc sống cũng như nhiệm vụ, đồng đội của các anh ở đơn vị C31 đều bày tỏ niềm xúc động và thán phục đối với hai người con ưu tú của đơn vị luôn tận tụy trong mọi nhiệm vụ, hết lòng giúp đỡ đồng đội, nhân dân trong những lúc khó khăn.

Trung tá Đào Duy Tuyên tâm sự: “Đồng chí Nguyễn Văn Vinh là bạn thân của tôi, chúng tôi cùng tuổi, cùng nhập ngũ một năm, chỉ khác là Vinh học lái máy bay chiến đấu còn tôi học sỹ quan chính trị. Hơn 2 năm làm Chỉ huy trưởng đơn vị C31, anh đã cùng lãnh đạo, chỉ huy xây dựng đơn vị nhiều năm liền đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng", Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh. Tổng kết năm 2009, Vinh vinh dự được bầu là "Chiến sỹ Thi đua". Còn đồng chí Đặng Hồng Vinh là phi công trẻ, song từ khi ra trường về đơn vị C31 đến nay bay rất tốt, tôi chưa hề thấy Vinh có sai sót gì trong các lần bay huấn luyện, thậm chí anh là một trong những phi công bay tốt nhất trong số bạn bè cùng khóa. Là phi công trẻ song cả 3 năm (2007 đến 2009) Vinh đều được chọn đi bay ném bom, bắn đạn thật do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức và Vinh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tư lệnh Quân chủng tặng nhiều bằng khen, giấy khen”.

Riêng tôi - tác giả bài viết này cũng đã có dịp gặp gỡ tiếp xúc với hai phi công Nguyễn Văn Vinh và Đặng Hồng Vinh nhiều lần. Còn nhớ, cách đây 2 năm, tại hội thao bắn, ném bom của lực lượng không quân, lúc đó Thượng tá Nguyễn Văn Vinh ở vị trí chỉ huy, điều hành các chuyến bay bắn, ném bom trong hội thao, còn Thượng úy Đặng Hồng Vinh là phi công trực tiếp lái máy bay thực hành các khoa mục chiến đấu trong hội thao.

Kết thúc hội thao trong bữa cơm chia tay Thượng tá Nguyễn Văn Vinh nhận ra tôi là đồng hương xứ Nghệ. Qua câu chuyện, tôi mới biết nhà anh ở phố Lê Trọng Tấn, gần cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Chia tay nhau, anh nói với tôi: "Nếu có điều kiện thì hãy đến thăm nhà mình, nhưng phải nói trước là mình rất ít khi ở nhà, còn nếu cậu không ngại nắng gió Yên Bái thì hãy lên đơn vị C31 một lần để biết cuộc sống của những người lính không quân bọn mình trên đó thế nào". Và theo lời hẹn ước, vào một ngày trung tuần tháng 6/2008, tôi được cơ quan cử lên sân bay Yên Bái để tìm hiểu công tác huấn luyện bay của đơn vị C31.

Thượng tá Nguyễn Văn Vinh.

Thượng tá Nguyễn Văn Vinh đã đưa tôi vào nghe buổi bình giảng sau ban bay của đơn vị. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng sau mỗi chuyến bay. Kết thúc buổi bình giảng, anh và tôi lên chiếc xe Uoát về doanh trại. Trên đường về anh nói với tôi, nghề bay không cho phép sự cẩu thả, giản đơn. Đứng trước mỗi ban, mỗi chuyến bay, người chỉ huy cần phải cân nhắc xem xét kỹ ba yếu tố: tình hình khí tượng, công tác đảm bảo kỹ thuật hàng không và trình độ của phi công. Quyết định ai bay? Chuyến nào? Thực hiện bài bay nào? Huấn luyện không vực nào…? người chỉ huy đều phải tính toán, cân nhắc kỹ. Từ đó tôi nhận ra đằng sau nét suy tư, trầm tĩnh của anh là một lý trí tỉnh táo, suy xét cẩn trọng, anh luôn xem bảo đảm an toàn bay là đạo đức và trách nhiệm.

Tuy nhiên, ấn tượng của tôi về anh không chỉ có thế. Vào tháng 8/2008, tôi đã có mặt tại sân bay Yên Bái trong những ngày người dân Tây Bắc vật lộn với cơn lũ. Khi đó cầu hàng không Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai được xem là "con đường máu" để Hà Nội và nhân dân cả nước chi viện cho đồng bào Tây Bắc.

Trong mịt mù mưa bão, Nguyễn Văn Vinh và đồng đội luôn túc trực tại sân bay 24/24h để chỉ huy tiếp nhận hàng từ các chuyến bay. Anh còn trực tiếp chỉ đạo, điều hành cán bộ, chiến sỹ đơn vị C31 tham gia cứu dân, đưa dân về doanh trại đơn vị để tránh lũ và lo cho đồng bào từng bữa ăn đến chỗ nghỉ, đồng thời cử người và xe đặc chủng đi tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đồng bào thuộc TP Yên Bái bị ngập nước.

Sau trận lũ lịch sử ấy, Thượng tá Vinh và tập thể đơn vị không quân C31 đã được UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong giúp dân phòng chống thiên tai.

Sau này về Hà Nội, tôi còn có dịp gặp anh tại nhà riêng, anh cứ đau đáu trăn trở một điều là có được những ngày phép dài để xây lại ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, để mỗi lúc nắng xuống, mưa về, vợ con anh không phải lo tránh nắng trú mưa nữa. Thế nhưng, cho đến khi anh hi sinh, ngôi nhà vẫn chưa kịp hoàn thành.

Còn đối với Thượng úy Đặng Hồng Vinh thì hai con còn nhỏ dại, bản thân anh thì vắng nhà thường xuyên vì nhiệm vụ, tất cả trách nhiệm gia đình đều đặt trên đôi vai người vợ trẻ. Anh hy sinh, chị càng vất vả hơn.

Quên mình để cứu dân

Trở lại chuyến bay ngày 12/11/2009, kết luận của Hội đồng điều tra Quân chủng Phòng không - Không quân cũng khẳng định, trước ban bay, công tác tổ chức chỉ huy, kỹ thuật lái và dẫn đường, công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không, kỹ thuật hậu cần sân bay, công tác đảng, công tác chính trị được đơn vị tổ chức thực hiện đúng quy định. Công tác kiểm tra, kiểm soát trước ban bay, ngày bay, đảm bảo chặt chẽ và đúng quy trình, đúng điều lệ bay. Như vậy, có thể thấy rằng nguyên nhân trực tiếp gây ra sự có là do tốc độ, độ cao bay và lực đẩy giảm nhanh, máy bay có độ nghiêng khi vòng và phải điều khiển máy bay tránh khu dân cư nên mặc dù đã cố gắng xử lý nhưng phi công không đủ điều kiện để lái máy bay ra khỏi trạng thái nguy hiểm, máy bay chạm đất, bị nổ và hai phi công hi sinh trong buồng lái.

Nguyên nhân chính được xác định là do trong lúc đang vòng đối chuẩn về hướng đường băng, giai đoạn sau vòng 3 lực đẩy của động cơ giảm đột ngột do miệng phun động cơ tự mở, vì máy bay đang vòng với độ nghiêng lớn, tốc độ giảm nhanh dẫn tới độ cao càng giảm nhanh. Phi công buồng sau can thiệp bằng cách lấy quyền điều khiển động cơ về buồng sau và bật tăng lực với mục đích tăng nhanh tốc độ để đưa máy bay về trạng thái bình thường. Nhưng do độ cao thấp, tốc độ nhỏ và phải điều khiển tránh khu dân cư nên phi công không đủ thời gian, điều kiện để đưa máy bay ra khỏi trạng thái nguy hiểm.

Cũng theo một số nhân chứng mà các điều tra viên thu thập được tại hiện trường tai nạn đều cho rằng, máy bay vòng lượn tránh khu dân cư và nhà cao tầng rồi mới rơi xuống đất.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổ 45, phố Tân Hiếu 2, phường Minh Tân, TP Yên Bái thì chiếc máy bay bay qua lần thứ nhất thấp hơn mọi khi, động cơ máy bay rít mạnh, sau đó vòng lại lần thứ hai rồi mới va quệt vào chân đồi. Còn anh Nguyễn Quốc Hưng khi đó đang có mặt tại sân Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái thì thấy máy bay lượn vòng tròn chao đảo trước khi rơi.

Như vậy, trên cơ sở phân tích khoa học, khách quan, chi tiết, Hội đồng điều tra tai nạn của Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định vụ tai nạn trên do gặp sự cố khách quan. Các nhân chứng tại khu vực máy bay rơi kể lại đều khẳng định: Máy bay vòng lượn tránh khu dân cư và nhà cao tầng rồi mới rơi xuống đất. Trước lúc hi sinh, 2 phi công đã có hành động dũng cảm điều khiển máy bay vòng tránh khu dân cư.

Sau khi có kết luận của Hội đồng điều tra, ngày 12/1/2010 Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã có Tờ trình số 87/TTg-BTL đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới cho hai phi công nói trên vì đã có thành tích xuất sắc xử lý tình huống trên không ngày 12/11/2009.

Ngày 4/5/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 537/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Thượng tá Nguyễn Văn Vinh và Thượng úy Đặng Hồng Vinh

Nguyễn Thành Trung

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文