Cô bé 8 tuổi không chân, không tay được tiếp sức vượt qua số phận
Giới truyền thông chỉ biết đến cuộc đời cô bé không chân, không tay Nguyễn Linh Chi (quê Yên Bái) khi tình cờ em được lựa chọn để giao lưu với Nick Vujicic trong sự kiện Nick Vujicic sang Việt Nam. Nhớ về lúc quyết định đưa em xuống Hà Nội gặp Nick, chị Trịnh Ngọc Thủy – mẹ của Linh Chi xúc động kể: “Thời điểm Nick sang Việt Nam, tôi vẫn mặc cảm lắm, chỉ muốn giấu con mình. Thế rồi, cứ thấy con chăm chú xem tivi các chương trình về Nick, tôi nghĩ, Nick cũng có hoàn cảnh giống con mình mà sao tự tin thế. Tôi hỏi con bé, có muốn gặp Nick không? Con bé gật đầu. Vậy là tôi đi đăng kí tham dự chương trình, lúc ấy cũng chỉ nghĩ sẽ được đứng từ xa nhìn Nick, không ngờ lại được chọn lên giao lưu trực tiếp. Sau hôm đó, con bé vui vẻ hẳn, lúc nào cũng cười nói, không giống trước đây, lúc nào cũng chỉ lặng lẽ, không muốn ai chạm vào mình”.
Từ lúc chào đời, em đã không có chân tay, do ảnh hưởng chất độc da cam từ ông nội, là Đại tá Nguyễn Đình Sanh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái. Dù không có chân tay nhưng nghị lực sống không cho em đầu hàng số phận. Em tập đi trên hai ống inox, tự cầm các đồ vật bằng tay giả. Và hơn hết, tật nguyền của cơ thể không ngăn cản được giấc mơ đến trường của đứa trẻ hiếu học. Hiện tại, em đang học lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái. Không có tay, em phải cặp cây bút vào cằm để viết. Đến nay, em đã biết đọc, biết viết, dù việc viết còn chậm so với bạn.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thanh, Trưởng khoa Kỹ thuật chỉnh hình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ thuật chỉnh hình Việt Nam, người trực tiếp đang điều trị cho Linh Chi kể: “Trung tâm điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân bị tật nguyền chân tay, tuy nhiên, trường hợp không chân không tay như Linh Chi là rất hiếm, đến nay là trường hợp duy nhất trung tâm điều trị. Việc lắp tay, chân giả cho cháu đang có triển vọng rất tốt, hi vọng 1-2 tháng nữa, cháu có thể tự đi được những bước nhỏ”.
Bác sĩ Thanh cũng cho biết, hiện nay xương chân của em vẫn tiếp tục phát triển, có hiện tượng chồi xương. “Cháu còn nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển, trung bình cứ 6 tháng đến 1 năm lại phải chỉnh sửa tay, chân giả một lần. Sau 18 tuổi, xương sẽ dần ổn định” – bác sĩ Thanh khẳng định.
Với khoản tiền gần 40 triệu đồng hỗ trợ từ VNPT và các đơn vị, nhà hảo tâm, chị Thủy cho biết, sẽ dành số tiền trên để tiếp tục điều trị và lo cho con học tiếng Anh. “Khi con đòi đi học, tôi hiểu rằng, con đã cố gắng không chấp nhận số phận. Cháu không có chân tay, nên tôi nghĩ đầu tư cho con học tiếng Anh là phù hợp nhất, vừa giúp cháu mở mang kiến thức vừa hi vọng sau này lớn, cháu sẽ có được một công việc để làm” – chị Thủy chia sẻ