“Cơn bão” lừa đảo tài chính qua mạng và những giấc mơ đổi đời
"Cơn bão" lừa đảo tài chính qua mạng Internet đổ vào tỉnh Đồng Tháp bao giờ người dân hẳn không còn nhớ rõ, có người nói bắt đầu từ tết âm lịch 2007, người lại nói cách đây khoảng 3 tháng..., đã bị chặn lại. Nhưng hậu quả của nó không biết đến bao giờ mới khắc phục được. Người bị lừa "đã không thoát nghèo, lại còn vướng nợ"...
Cặp vợ chồng bác sĩ lừa
Nguyễn Trung Quân năm nay 46 tuổi. Sau một thời gian làm việc ở Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), Quân được bố trí nhận nhiệm vụ mới ở Trạm Da liễu tỉnh Đồng Tháp. Khoảng năm 2000 - 2001, Quân được đề bạt làm Trưởng trạm Da liễu. Trong thời gian này, Quân “dính” vào một vụ lùm xùm về tiền bạc, nên không còn được tín nhiệm. Có lẽ do chán nản trước vụ việc trên, nên Quân thường la cà các quán xá để... nhậu cho quên buồn.
Trong những lần giải sầu đó, Quân kết thân với Nguyễn Thị Mộng Thu (35 tuổi) là nữ tiếp viên của quán nhậu.
Không hiểu tâm đầu ý hợp thế nào mà Quân về nhà nhất định... ly dị vợ để tự do lui tới với Thu. Bàng hoàng trước sự thay đổi của chồng, vợ Quân đã lặng lẽ ký vào đơn ly dị và chuyển về thành phố Cần Thơ sinh sống. Một đám cưới linh đình mà chú rể là Nguyễn Trung Quân và cô dâu là Nguyễn Thị Mộng Thu diễn ra tại thị trấn Mỹ Thọ không lâu sau ngày Quân ly dị.
Cưới nhau được ít lâu, Thu đăng ký theo học một lớp ngắn hạn về chăm sóc sắc đẹp cho nữ giới. Sau đó, Doanh nghiệp tư nhân Mộng Thu chuyên chăm sóc sắc đẹp ra đời tại số 47 Nguyễn Trãi, khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh.
Kinh doanh được một thời gian ngắn, Thu tự “sáng chế” ra một loại mỹ phẩm chữa nám da dành cho nữ giới mà không cần thông qua sự kiểm nghiệm hoặc được cho phép sản xuất của bất kỳ cơ quan nào.
Kết quả, Doanh nghiệp tư nhân Mộng Thu bị Sở Y tế Đồng Tháp phạt hành chính và buộc thu hồi loại kem trị nám không rõ nguồn gốc xuất xứ kia.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, chủ quán càphê đối diện với Cơ sở thẩm mỹ Mộng Thu cho biết: “Ngày thẩm mỹ viện mới hoạt động, thỉnh thoảng cũng có khách hàng đến làm đẹp. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau thì không còn thấy bóng ai lai vãng đến cơ sở đó nữa!”.
Theo điều tra của chúng tôi, mặc dù không còn khách hàng, nhưng cơ sở chăm sóc sắc đẹp Mộng Thu vẫn hoạt động bằng cách tham gia đường dây kinh doanh đa cấp do Sinh Lợi tổ chức, với loại nước uống “thần dược chữa bách bệnh” mang tên Lô hội. Đây cũng là lần đầu tiên bác sĩ Quân trực tiếp kiếm tiền không từ nghề được đào tạo.
Kinh doanh đa cấp được vài tháng, do bị nhiều người khiếu kiện (những người khiếu kiện này không đưa vụ việc ra cơ quan chức năng) nên vợ chồng Quân - Thu tạm thời không kinh doanh sản phẩm của Sinh Lợi nữa. Có lẽ, thời gian này, ý tưởng kinh doanh bằng cách “buôn” tiền qua mạng đã hình thành trong suy nghĩ của vợ chồng Quân - Thu.
Mặc dù không kiếm lời được từ việc kinh doanh cơ sở thẩm mỹ, nhưng Quân - Thu vẫn treo bảng hiệu với mục đích làm bình phong cho việc “kêu gọi đầu tư” tiền cho “tập đoàn” Colony Invest.
Vẫn anh Nguyễn Thanh Tuấn cung cấp thông tin, nhiều lần anh Tuấn được khách gọi mang càphê sang nhà vợ chồng Quân. Anh thấy trong phòng thẩm mỹ hoàn toàn không có dụng cụ gì khác ngoài 4 cái máy tính xách tay và một máy tính bàn.
Lúc này, người dân thị trấn Mỹ Thọ bắt đầu nghi ngờ khi thấy lượng xe và người đổ về nhà bác sĩ Quân ngày một nhiều, dẫu Quân không hành nghề khám chữa bệnh nữa.
Mức lãi suất mà vợ chồng Quân đưa ra được hình thành theo khung: mức 1 từ 100USD đến 499USD lãi suất 2,5%/ngày (“nhà đầu tư” lãnh 2,25% tiền lãi, số còn lại được công ty mẹ giữ); mức 2 từ 500USD đến 999USD lãi suất 2,8%/ngày (lãnh 2,52%); mức 3 từ 1.000USD đến 10.000USD lãi suất 3%/ngày (lãnh 2,7%).
Ngoài ra, “nhà đầu tư” nào giới thiệu được từ 1-3 “nhà đầu tư” khác tham gia gửi tiền thì được hưởng 10% trên tổng số tiền người giới thiệu gửi. Giới thiệu từ 4-6 người được hưởng 12% và từ 7 người trở lên được hưởng 15%...
Với hình thức kêu gọi “đầu tư” bằng mức lãi suất rất hấp dẫn này, vợ chồng Quân nhanh chóng hút được một lượng lớn tiền đổ về “đại bản doanh” của mình mỗi ngày và thành lập được một hệ thống chân rết dày đặc tại các địa phương khác trong lẫn ngoài tỉnh.
Khi lượng người tham gia “đầu tư” ngày một nhiều, Thu vẫn chưa từ bỏ ý định “tha” cho những người nghèo tại địa phương. Mỗi lần thấy người bán vé số hoặc bất kỳ ai quen biết đi ngang nhà mình, Thu đều kêu vào để họ được dịp nhìn hàng đống tiền gửi tại nhà Thu, kèm theo câu nói ban ơn: “Bộ mấy người không muốn có tiền để làm nhà mua đất hay sao mà không chịu tham gia. Chơi đi, rồi tui chiếu cố lãi suất cho (!?)”.
Thấy tận mắt lượng tiền mặt gửi tại nhà Thu, cộng thêm việc Thu cứ rỉ rả bên tai, nhiều người nghèo tại thị trấn Mỹ Thọ đã sập bẫy vợ chồng Thu - Quân. Mặc cho trước đó, tại thị trấn Mỹ Thọ đã rộ lên tin đồn vợ chồng Quân sắp sửa bị công an “sờ gáy”. Trước hôm vợ chồng Thu - Quân bị bắt một ngày, vẫn có hàng chục người đến đăng ký làm "nhà đầu tư” tại Cơ sở thẩm mỹ Mộng Thu.
Ngày 10/11, Phòng CSĐT tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) đã có quyết định bắt tạm giam vợ chồng Thu - Quân để điều tra vụ án lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh tiền tệ qua mạng Internet.
Ngay sau khi Quân - Thu bị bắt, hàng trăm người đã tụ tập trước Cơ sở thẩm mỹ Mộng Thu với hy vọng đòi được tiền đã gửi. Lập tức lại có tin đồn rằng hiện tại Quân đang có một lượng lớn USD gửi tại các ngân hàng quốc tế, tháng 12 này tiền sẽ chuyển về Việt Nam, nên chỉ cần các “nhà đầu tư” viết đơn bãi nại thì họ sẽ có cơ hội để rút tiền lại (!?).
“Bão tiền” nổi lên, phận người chìm xuống
Thông tin mà chúng tôi có được, thì đa phần những hộ bị “làm” nhà đầu tư cho đường dây kinh doanh tiền tệ qua mạng của vợ chồng Thu - Quân đều là những hộ nghèo. Để có được tiền gửi cho Quân - Thu, nhiều người đã phải cầm cố đất đai, bán bò, vay tiền với lãi suất nóng, thế chấp chủ quyền đất vay tiền của ngân hàng... để mong giấc mơ đổi đời thành hiện thực.
Chị Lã Thị Ánh làm nghề bán vé số dạo tại thị trấn Mỹ Thọ, chồng chị chạy xe ôm. Trước đây, nghe nhiều người nói về mức lãi suất khi gửi tiền cho Thu - Quân chị đã nghi ngại, vì làm gì có chuyện gửi tiền đàng hoàng mà lãi còn hơn cả cho vay kiểu... xã hội đen.
Nhưng rồi bị chính bản thân Thu cho chị coi cảnh người ta gửi tiền, đám "cò kinh doanh” lại rỉ rả mỗi ngày, chị đánh liều đi vay nóng gần 10 triệu đồng để “kinh doanh” với vợ chồng Quân. Chị nói: “Tui sợ mất tiền lắm, nhưng thấy người ta gửi nhiều mình cũng... yên tâm. Tui tính là nếu có lời, sẽ mua đất cất nhà chứ mấy năm nay đi ở trọ, khổ quá. Ai dè đâu tụi nó lừa đảo thiệt”.
Số tiền chị gửi nơi vợ chồng Quân là 8,8 triệu, vừa rút được 2,7 triệu tiền lãi thì Thu - Quân bị bắt. Trước đó, chị cũng đã từng đến nhà Thu yêu cầu trả lại tiền vì hồi hộp chịu không được. Nhưng với lý do tiền đã chuyển ra nước ngoài, Thu đã không trả lại tiền cho chị.
Giờ đây, hàng ngày chị phải gồng mình trả lãi suất vay nợ với giá: 6.000 đồng/1 triệu/ngày. Cứu cánh duy nhất của chị là mỗi ngày chừa lại vài tờ vé số để cầu may, “Thôi thì mình lún rồi, cho nó lầy luôn. Chứ biết sao giờ”, chị nói trong nước mắt. Chồng chị đã cầm chiếc xe Honda, phương tiện để kiếm sống, với giá 4 triệu đồng để trả nợ bớt phần nào.
Nhiều trường hợp khốn khó như hoàn cảnh của chị Ánh bị “dính” vào đường dây kinh doanh tiền tệ của vợ chồng Thu - Quân. Đó là những hộ nghèo ở hai xã Hòa Thành và Hòa Long huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nhiều gia đình ở Tiền Giang, Bến Tre... Nhưng xót xa hơn cả là những hộ nghèo ở ấp Đông Đình, xã Tân Thuận Đông, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Muốn đến ấp Đông Đình phải qua hai lần đò ngang, một từ xã Tân Thuận Tây sang Tân Thuận Đông, rồi từ Tân Thuận Đông ngồi tiếp đò sang đến Đông Đình. Đông Đình thực ra là một cù lao nhỏ nằm trên sông, quanh năm người dân ở cù lao chỉ biết làm lúa, trồng xoài, giăng câu... Cuộc sống của họ rất yên bình trước khi “cơn bão tiền” ập đến.
Một người phụ nữ tự xưng là Ngọc Bích, cư ngụ tại phường Phú Mỹ, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp (Nhiều khả năng nằm chung đường dây buôn tiền của vợ chồng Quân - Thu. Vì trước đây, Bích là một trong những chân rết quan trọng trong đường dây kinh doanh tiền của vợ chồng Quân. Hiện Bích đã bị Công an Đồng Tháp bắt) xuất hiện tại cái cù lao này với lời hứa “Sẽ giúp tất cả mọi người trên cù lao thoát nghèo”.
Để huy động vốn, Bích đưa ra lãi suất còn hấp dẫn hơn cả vợ chồng Thu - Quân, cứ 100USD nộp cho Bích, sẽ được lãnh 90 nghìn/ngày trong vòng 60 ngày, nhẩm tính tức là 1 lời 3. Bà con trên cù lao đã tin lời của Bích.
Bà Nguyễn Thị Ê, năm nay 63 tuổi, ngụ tại ấp Đông Đình. Bà Ê có hai người con trai, chẳng may vào năm 2004 cả hai lần lượt qua đời, để lại cho bà 3 đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn, tài sản có giá trị nhất của bà là 2 công ruộng chuyên trồng lúa. Thấy nhiều người trên cù lao thay nhau gửi tiền, bà cũng cho mướn 2 công ruộng của mình để lấy 100USD gửi vào đường dây “kinh doanh” của Bích.
Nhưng rồi chưa kịp lấy được đồng lời nào, thì xảy ra chuyện công an đánh sập các đường dây kinh doanh tiền qua mạng. Gặp chúng tôi, bà vừa nói vừa khóc: “Nói thiệt để cậu thương, tui có tham gì đâu. Tui khổ quá, tính gửi có lời nuôi 3 đứa cháu ăn học. Giờ mất trắng rồi, bà cháu tui sống làm sao”.
Mấy ngày nay, theo lời bà, cả 4 bà cháu đã phải vay mượn gạo của hàng xóm để thổi cơm. Trong căn nhà trống hoác, không của cải, tiếng khóc của bà cứ như vết dao cứa vào lòng chúng tôi. Rồi đây, tương lai của 3 đứa trẻ mồ côi cha sẽ đi về đâu, khi mà đứa lớn nhất mới học lớp 8, đứa bé nhất vừa lớp 3. Mà bà Ê cũng già rồi, liệu ai sẽ mướn bà làm việc (theo cách tính của bà) để có tiền lo cho các cháu (?!).
Những nạn nhân của "cơn bão" lừa đảo tài chính trên Internet: bà Nguyễn Thị Ê và ông Võ Văn Bum.
Như bà Ê, ông Võ Văn Bum (57 tuổi) cũng đang lâm vào tình cảnh hết sức khốn khó. Ông Bum không có việc làm, thường đi gánh đất mướn cho các hộ trong ấp. Hôm làm cả ngày thì được 40 nghìn, một buổi được 20 nghìn, ngày có việc ngày không. Vợ ông, sau một tai nạn đã bị gãy chân, không còn khả năng lao động. Hai con ông đứa học lớp 11, đứa học lớp 6, ông là lao động chính trong nhà. Gánh đất nhiều năm, ông tích góp được 3,4 triệu đồng.
Thấy bà Bích đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, ông lén vợ mang nửa số tiền dành dụm (100 USD) hùn vào “kinh doanh” với bà Bích, đó là ngày 18/10. Đợi 2 ngày không thấy bà Bích đưa tiền theo kiểu 90 nghìn/ngày, ông bèn lặn lội ra TP Cao lãnh để hỏi.
Tại đây, bà Bích nói là tiền của ông đã bị kẹt tại ngân hàng nước ngoài, nếu muốn lấy lại, ông phải nộp thêm 100USD nữa (?!). Cả tin, ông đem nốt số tiền còn lại giao cho bà Bích vào ngày 25/10. Vậy là toàn bộ số tiền dành dụm của cả đời ông đã bay tọt vào vụ lừa đảo qua mạng. Ông lại lâm vào cảnh trắng tay, trong lúc vợ ông bệnh tật nằm đó, con ông đang đi học, bản thân ông cũng chưa biết làm nghề gì để có thể nuôi con học tiếp ngoài việc gánh đất mướn.
Rồi còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Dung giấu chồng cầm chủ quyền đất vay vốn ngân hàng. Hai đứa con chị, một đã bỏ học do không có điều kiện đến lớp. Đứa thứ hai, sau “cơn bão tiền” này chắc chắn rồi cũng sẽ thôi học đi làm mướn phụ mẹ trả nợ.
Hay chuyện của ông Nguyễn Văn Đáo, đã hơn 60 tuổi, mỗi ngày vẫn gò lưng đạp xe đạp gần 20 cây số để đi bán vé số, tin vào chuyện lời lãi để mất cả 2 con bò, tài sản lớn nhất của gia đình ông, vào đường dây buôn tiền qua mạng của bà Bích. Đó là chưa kể đến số nợ hơn chục triệu đồng ông vay của Ngân hàng Nông nghiệp xã Tân Thuận Đông để “nộp” cho “tập đoàn” kinh doanh tận đâu đâu kia...
Có quá nhiều trường hợp xót xa mà trong khuôn khổ một bài báo chúng tôi không thể nào kể hết.
Chỉ biết rồi đây, cái cù lao nhỏ ấy sẽ thưa dần tiếng cười mà thay vào đó là những tiếng thở dài nẫu ruột. Rồi đây, hàng chục con người sẽ giành nhau đi làm mướn, có khi là làm mướn ngay trên mảnh đất của chính mình. Giá như người dân tỉnh táo, giá như họ đủ hiểu biết để có thể đặt ra câu hỏi “Liệu có sự phi lý nào khi gửi tiền với lãi suất cao ngất ngưởng như vậy?”...
Nhưng, tất cả đều dừng lại ở cụm từ giá như... Có thể, giá như công tác cảnh báo diễn ra sớm hơn thì những người dân nghèo này đã không lâm vào thảm cảnh như hiện nay