Cựu chiến binh đau đáu nỗi niềm tìm mộ liệt sĩ

15:02 18/11/2014
Năm nay tuổi đã “cổ lai hy”, nhưng cựu chiến binh (CCB) Đinh Trần Thụ, trú tổ 19 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, vẫn còn khá minh mẫn. Thời gian qua, với những tài liệu ông lưu giữ cẩn thận từ thời chiến tranh trận mạc, đã giúp ông nhớ khá chính xác vị trí chôn cất các các liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến.

Ông đã cùng các CCB địa phương nhiều lần đi tìm kiếm cất bốc đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ phường. Những lúc sức khoẻ không cho phép, bằng trí nhớ khá tốt của mình, ông vẽ sơ đồ đưa các CCB và người thân liệt sỹ đi tìm… 

Theo lời kể của ông Thụ, năm 1960, ông vừa tròn 20 tuổi, đã từ giã quê hương Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam, lên đường nhập ngũ. Cuối năm 1965 từ đơn vị Công an vũ trang, ông được chuyển đến E10 Công binh thuộc Đoàn 559, chuyên mở đường Trường Sơn. Tháng 6/1967, ông là một trong số 120 cán bộ, chiến sỹ của đơn vị này bổ sung cho chiến trường Quảng Đà, với nhiệm vụ chuyên đánh phá tuyến giao thông huyết mạch của địch trên đèo Hải Vân. Đại đội công binh Hải Vân thuộc Mặt trận 4 Quảng Đà ra đời từ đó. Hậu cứ của đại đội này đóng ở Hòn Quắp, trên dãy Hải Vân khu vực gần giáp với Thừa Thiên - Huế. Từ đây, các mũi đột kích tiến xuống đường đèo, dùng bộc phá, phá huỷ cầu, cắt đứt tuyến đường bộ duy nhất từ Đà Nẵng ra Huế.  Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch, Mỹ nguỵ xây dựng hàng chục lô cốt án ngự dọc đường đèo và cầu nào cũng có chốt canh giữ. Trên núi, khu vực sát đường chúng gài mìn dày đặc. Mỗi khi bị bộ đội tập kích, phá huỷ cầu, chúng huy động lực lượng, trang thiết bị  khắc phục sửa chữa suốt ngày đêm và liên tục pháo kích, giội bom vào các vị trí nghi có quân ta ẩn náu.

Ông Đinh Trần Thụ đang xác định vị trí chôn cất liệt sỹ trên bản đồ.

“Ác liệt nhất là trận đánh phá cầu Kè lưng chừng đèo Hải Vân vào giữa tháng 8/1969. Trận đó, cầu Kè bị phá, nhưng đơn vị thương vong khá lớn. Khi vừa xuống đường, gặp ngay hoả lực địch từ lô cốt đầu cầu bắn ra xối xả. Tổ 12 người do tôi phụ trách có 3-4 chiến sỹ thương vong. Trước tình huống bất lợi đó, tôi chỉ huy anh em, vừa lợi dụng địa hình địa vật tránh hoả lực địch, vừa triển khai tác chiến. Và, cho đến khi tôi dùng B40 tiêu diệt hỏa điểm từ lô cốt, anh em mới áp sát cầu gài bộc phá, phá huỷ cầu. Cầu Kè bị ta phá huỷ, địch điên cuồng bắn pháo và tung biệt kích lên núi. Cuộc chiến trên đường rút về cứ vô cùng ác liệt. Tử sỹ phải chôn cất vội ngay nơi họ hy sinh và không có điều kiện cắm mốc, vẽ sơ đồ mộ chí. Chính trận đánh dai dẳng và ác liệt đó, tôi đã trực tiếp chôn cất 2 đồng đội của mình; đó là liệt sỹ Nguyễn Hồng Cậy, quê Hà Nội và liệt sĩ Nguyễn Văn Côn, quê huyện Kim Bảng, Hà Nam...”, ông Thụ tâm sự.

8 năm bám trụ trên dãy Hải Vân, ông Thụ không nhớ nổi mình đã chiến đấu bao nhiêu trận và bị thương bao nhiêu lần, chỉ biết rằng chiến sự vô cùng ác liệt, đơn vị thương vong không ít… Ông Thụ cho biết, Tiểu đoàn Công binh Hải Vân, đơn vị ông gắn bó từ năm 1967. Hồi đó, ông làm trợ lý tham mưu, Tiểu đoàn phó từ 1969 đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. “Còn nhiều cán bộ, chiến sỹ đang yên nghỉ giữa núi rừng, vẫn chưa được được tìm thấy đưa về quê nhà…”, đôi mắt ông Thụ đỏ hoe.

Ông Lê Xuân Hòa, nguyên Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) cho hay: Từ năm 1999 đến nay, ông Thụ đã hàng chục lần đi tìm đồng đội. Có chuyến, ông dẫn thân nhân liệt sỹ từ ngoài Bắc vào tìm. Có đợt ông cùng các CCB phường Hòa Hiệp Nam ngược núi. Bằng tất cả tấm lòng, ông không nề hà gian nan vất vả. Hễ có ai yêu cầu đi tìm kiếm mộ liệt sỹ là lên đường ngay. Có chuyến 3-4 ngày từ núi trở về, người ông gầy hẳn. Tính ra, hơn chục năm nay, ông đã cùng mọi người đưa về 25 bộ hài cốt liệt sỹ…

Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi ông: “Ông có kiến nghị gì với chính quyền, cơ quan chức năng về chế độ chính sách cho những người trực tiếp đi tìm hài cốt liệt sỹ?”. Ông liền khoát tay, nhẹ nhàng bảo: “Tôi không đề nghị gì cả. Tôi đi tìm đồng đội, vì đồng đội tôi một thời kháng chiến gian khổ, vui buồn có nhau, vẫn còn mãi trong tôi. Bây giờ, tôi và gia đình tôi sống trong hòa bình, tôi không thể đành lòng lãng quên quá khứ ngày ấy, để các anh nằm lại chốn núi rừng…”

Nguyễn Cầu

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文