Cựu chiến binh nặng tình đồng đội

10:14 20/12/2014
Là thương binh hạng 4/4 và cũng đã bước sang tuổi 68, nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Trường, ngụ tổ 23, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông đang đảm trách chức vụ Phó Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng CCB khu vực.

Đáng trân trọng, hàng chục năm nay, ông luôn đau đáu nghĩ về những đồng đội đã hy sinh nằm lại chiến trường xưa nên nhiều lần ông không quản ngại gian nan, vất vả lên đường tìm kiếm cất bốc hài cốt các liệt sỹ…

Ngôi nhà cấp 4 của ông Trường nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Như Hạnh, TP Đà Nẵng, luôn là nơi đón tiếp thân nhân liệt sỹ từ ngoài Bắc vào. Đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ tay không còn nguyên vẹn, giấy đã úa vàng, ông nói: “Giai đoạn 1971-1972, tôi giữ nhiệm vụ Chính trị viên phó Đại đội 4, D577 Mặt trận 4 Quảng Đà, nên tôi ghi chép rất chi tiết lý lịch cán bộ, chiến sỹ và các trận chiến đấu, người hy sinh, vị trí mộ chí… vào cuốn sổ tay này”.

Đất nước hòa bình thống nhất, ông Trường cất giữ cuốn sổ cẩn thận và xem như là kỷ vật chiến tranh. Đến năm 1990, đúng dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Đà Nẵng giải phóng, một số đồng đội cũ từ ngoài Bắc vào dự lễ, đến nhà chơi, hỏi thăm về đồng đội cũ, ông lấy cuốn sổ ra xem và không ngờ, những tư liệu ghi chép hồi ấy lại là những thông tin vô cùng quý giá, giúp mọi người kết nối với nhau. Sau đợt đó, ông cùng một số đồng đội cũ thực hiện chuyến hành trình tìm về những người còn sống và gia đình những người đã khuất. Thế rồi, ai nấy bàn nhau bằng mọi giá phải tìm cho bằng được đồng đội đang nằm lại chiến trường xưa. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bắt đầu từ đó...

Gian nan nhất là chuyến tìm liệt sỹ Ngô Văn Phú, quê Đại Phúc, Văn Yên, Yên Bái, hy sinh tại Lòng Chõi, xã Duy Thành, huyện Duy xuyên (Quảng Nam) hồi đầu năm 1972. Để biết chính xác nơi liệt sỹ này yên nghỉ, ông Trường phải điện và yêu cầu ông Thìn, quê ở tận Thái Nguyên, vào Đà Nẵng cùng ngược núi tìm kiếm. Do bởi, ông Thìn ngày trước làm Trung đội trưởng, trực tiếp chôn cất liệt sĩ Phú. Chuyến đi tìm mộ còn có 3 người em của liệt sỹ Phú.

“Khi đến xã Duy Thành, chúng tôi còn được lãnh đạo chính quyền địa phương cử cán bộ đi theo để giúp đỡ cho việc tìm kiếm. Nhưng thật khó khăn khi khu vực xác định đã chôn cất liệt sĩ Phú giờ cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Trong khi mộ phần hồi đó đắp đất, bia mộ là tấm gỗ mỏng… Sau 4 ngày lội nát mấy ngọn đồi, khe suối, có sự giúp sức của Đại tá Nhơn, CCB quận Hải Châu, Đà Nẵng, chúng tôi mới xác định đúng nơi liệt sỹ  Phú nằm. Khi cất bốc, từ những di vật có trong mộ, nhiều người đã bật khóc nức nở” - ông Trường xúc động kể.

Ông Trường đang lần giở từng trang trong cuốn sổ tay ghi chép từ thời chiến tranh còn giữ lại.

Đã nhiều năm trôi qua, khi nói về việc tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sỹ, ông Trường kể vanh vách từng trường hợp. Đa số các liệt sỹ khi tìm thấy hài cốt, ông đã cùng gia đình họ đưa về quê an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Cụ thể như liệt sỹ Vũ Văn Cốc, hy sinh tháng 8/1972 tại thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, đã đưa về quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phú; liệt sỹ Tạ Văn Chính, hy sinh tại Đại Lộc, Quảng Nam, đưa về khối phố 9, TP Thái Nguyên; liệt sỹ Nguyễn Trọng Thể, chính trị viên D577, hy sinh tại xã Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam, đưa về quê ở Vũ Thư, Thái Bình…

Uống một ngụm trà nóng, ông Trường kể rằng, tháng 9/1965, ông từ giã gia đình, từ giã thôn Cao Xá, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1971, từ chiến trường Lào, đơn vị pháo 12 ly 7 của ông tăng cường cho Mặt trận 4 Quảng Đà. Liên tiếp những năm sau đó, khi thì ở Duy Xuyên, khi chuyển sang Đại Lộc, Hòa Vang, Đại đội 4, D577 của ông đã đánh nhiều trận oanh liệt. Có trận đơn vị hạ 3 trực thăng của Mỹ. Tuy nhiên, đơn vị ông cũng liên tục trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay và pháo tầm xa địch, thương vong không ít. Trong trận chiến đấu ác liệt vào trung tuần tháng 8/1972 tại khu vực Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên, ông bị thương và được chuyển ra Bắc.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông đi học sỹ quan và năm 1976 về nhận nhiệm vụ tại F370 đóng tại Đà Nẵng. Do sức khỏe giảm sút, năm 1978, ông chuyển ngành sang Điện lực tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và đến năm 2009 về nghỉ hưu.

Nói về ông Trường, Đại tá nghỉ hưu Hoàng Ngọc Thắng, người tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà từ năm 1967 đến 1975, nguyên Phó Chính ủy F307, nay là thành viên Ban Liên lạc CCB Mặt trận 4 Quảng Đà, người đã cùng ông Trường nhiều lần lên núi tìm hài cốt liệt sĩ, cho biết: “Chính xác là từ năm 1990 đến nay, anh em chúng tôi đã tìm kiếm cất bốc được 22 hài cốt liệt sỹ. Ông Trường là người tâm huyết và hết mực tận tụy với công việc này. Tuy tiền lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhưng năm nào ông cũng 5-6 lần tìm về gia đình liệt sỹ ở ngoài Bắc, thông báo tin tức về liệt sỹ rồi cùng họ đi tìm kiếm khắp nơi. Có đợt hơn chục người từ ngoài Bắc vào ở tại nhà ông hơn 2 tuần; khâu ăn ở, đi lại ông lo hết...”.

Với ông Thắng, kỷ niệm sâu đậm nhất về ông Trường đó là chuyến đi Duy Xuyên vào năm 2002. Sau khi cất bốc được hài cốt liệt sỹ, trời gần tối, lại sắp mưa và không có xe để về. Ông Trường ôm khư khư bọc hài cốt đồng đội, lần từng bước từ núi cao xuống, vượt qua mấy khe suối để ra đường cái đón xe. Ông Thắng trải lòng: “Hôm đó, mọi người trong đoàn đều cảm động không nói nên lời. Phải nói, hiếm người có tấm lòng nhân hậu, hết lòng vì đồng đội như CCB này…”.

Nguyễn Cầu

Phát biểu trong lễ công bố nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 30/6 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”...

Dự báo, từ tối và đêm 10/7 đến ngày 12/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 300mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 150mm/3 giờ. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, khu công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Bộ Y tế vừa công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trong 3 tháng, tổng số tiền phạt lên tới 359 triệu đồng, buộc thu hồi hơn 460 phiếu kiểm nghiệm, tiêu hủy sản phẩm, cải chính thông tin quảng cáo sai phạm.

Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986) ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (nay xã Phước An, tỉnh Đồng Nai) về các tội: “Giết người” và “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất độc”…

Sáng 10/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.