DN có vốn đầu tư nước ngoài: Lương cơ bản tăng, liệu có hết đình công?

09:28 17/01/2006

Gần cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài đều áp dụng hình thức tăng ca, làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, có doanh nghiệp trả lương tăng ca, làm thêm giờ rất thấp. Đã vậy, chất lượng bữa ăn cho người lao động cũng không đảm bảo.

Sự việc khởi đầu vào ngày 28, rồi sau đó là ngày 29 và 30/12/2005 với 3 cuộc đình công của những công nhân thuộc các công ty Kollan, Hugo, Freetrend, công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhà máy sản xuất đặt tại Khu chế xuất Linh Trung (HEPZA), Tp. HCM. Không chỉ ở Tp. HCM, hiệu ứng dây chuyền của việc đình công đã lan đến tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp lớn làm ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động, cơ bản nhất là làm ảnh hưởng tới vấn đề an ninh trật tự.

Đâu là nguyên nhân của các vụ đình công?

Tháng 7/1999, khi Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu, áp dụng cho những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gọi tắt là FDI), thì số tiền lương này dao động trong khoảng 500-700  nghìn đồng/tháng, và không thay đổi cho đến ngày xảy ra những cuộc đình công (28/12/2005), trong lúc giá cả các mặt hàng đều tăng - và có nhiều loại tăng 100%, thậm chí 150%.

Nhưng vấn đề ở chỗ, Quyết định 53 của Chính phủ nói rõ: “Lương tối thiểu chỉ là mức sàn mà chủ sử dụng lao động và người lao động (hoặc tổ chức công đoàn đại diện) thỏa thuận nhưng không được phép thấp hơn”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cố tình không tuân thủ quyết định ấy, mà dùng mức lương tối thiểu làm mức lương chính để trả cho công nhân, kéo dài suốt nhiều năm. Hiện tượng này thường thấy trong các ngành nghề giản đơn như may mặc, da giày, chế biến gỗ nên đã tạo ra tâm lý bức xúc cho người lao động.

Thêm nữa, gần cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài đều áp dụng hình thức tăng ca, làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, có doanh nghiệp trả lương tăng ca, làm thêm giờ rất thấp. Đã vậy, chất lượng bữa ăn cho người lao động cũng không đảm bảo.

Trưa ngày 6/1, trong khi đi thực tế đột xuất xem xét bữa ăn của người lao động tại Công ty Kollan, Phó chủ tịch UBND Tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân  đã đánh giá: “Chuyện ăn uống của công nhân, nghe lâu rồi nhưng hôm nay mới tận mắt chứng kiến. Đúng là quá tệ... Làm sao đảm bảo chất lượng để tái tạo sức lao động”.

Chị Nguyễn Thị Nam, công nhân Công ty YBN nói: “Suốt nhiều năm qua, lương tôi chỉ 556 nghìn đồng/tháng và mỗi năm, công ty chỉ tăng... 18 nghìn đồng. Đã vậy, ăn uống lại kém...”. Anh Phạm Văn Tâm, công nhân Công ty Beautec Vina cho biết thêm: “Trưa ngày 4/1, chúng tôi đồng loạt bỏ cơm để phản đối việc ông Tổng giám đốc ký văn bản tăng lương tối thiểu thêm 150 nghìn đồng/tháng, nhưng lại buộc chúng tôi phải tăng sản lượng. Điều này thực chất vẫn là không tăng lương”.

Chiều 6/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 03, quy định mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo tinh thần Nghị định này, kể từ ngày 1/2/2006, lương tối thiểu của người lao động làm việc trong các khu vực FDI sẽ có 3 mức mà trong đó, mức tối thiểu 870 nghìn đồng/tháng được áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thủ đô Hà Nội, Tp. HCM. Mức 790 nghìn đồng/tháng áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động tại các huyện thuộc thủ đô Hà Nội và Tp. HCM, các quận thuộc Tp. Hải Phòng, Hạ Long, Biên Hòa, Vũng Tàu, thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Mức cuối cùng - 710 nghìn đồng/tháng, áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trên những địa bàn còn lại.

Nghị định cũng nêu rõ: Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề - kể cả lao động do doanh nghiệp dạy nghề phải cao hơn ít nhất là 7% so với mức lương tối thiểu.

Sáng ngày 7/1, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã trở lại làm việc bình thường.

Cơ quan chức năng cũng xác định 31 đối tượng gây rối và đã xử lý hành chính đối với 2 người. Tuy nhiên, đến ngày 9/1 lại xảy ra 4 cuộc đình công nữa mà mục đích vẫn là yêu cầu tăng lương và cải thiện chế độ làm việc

Vũ Cao

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文