Đảm bảo ATGT đường thủy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành
Trong năm 2010, cả nước xảy ra 196 vụ tai nạn trên đường thủy, làm 146 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 56 tỷ đồng; từ tháng 1/2011 đến nay, cũng đã xảy ra hàng chục vụ TNGT đường thủy, làm chết hơn 30 người, bị thương nhiều người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Đặc biệt, TTATGT trên đường thủy diễn biến phức tạp, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến sông, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng các công trình trên đường thủy, ảnh hưởng dòng chảy, luồng lạch; tình trạng nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản vi phạm luồng chạy tàu ảnh hưởng đến vận tải; phương tiện hoạt động không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật diễn ra phổ biến; tình trạng cố tình vi phạm, chây ì, chống đối lực lượng chức năng có chiều hướng gia tăng, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông khai thác giao thông chưa nghiêm, tập trung ở đối tượng khai thác cát, sỏi, khoáng sản, đăng đáy cá... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTATGT đường thủy.
Chính vì vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng như lực lượng cảnh sát đường thủy, ngành đăng kiểm, GTVT. Qua công tác phối hợp giữa Cục Cảnh sát đường thủy, Cục Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thanh tra hoạt động vận chuyển khách ngang sông, dọc tuyến, qua đó đã tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của chủ bến, người điều khiển phương tiện và hành khách trong việc chấp hành những quy định của pháp luật; kiểm tra việc chấp hành pháp Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện, thông báo kết quả kiểm tra, những biện pháp khắc phục tồn tại gửi đến các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai thực hiện. Đặc biệt, lực lượng liên ngành duy trì được TTAT giao thông trên tuyến sông Phi Liệt, sông Hàn, đảm bảo luồng tuyến thông thoáng, các phương tiện qua lại an toàn, hoạt động của các bến tiếp tục duy trì nền nếp...
Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa phối hợp hiệu quả. Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Hà Nội cho biết: theo thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát đường thuỷ, chúng tôi xử phạt vi phạm hành chính nhưng xong đâu lại vào đấy, khi rút đi thì vi phạm lại tiếp tục vì cấp và rút giấy phép, đình chỉ hoạt động lại thuộc ngành Giao thông vận tải...
Trong tình hình ATGT trên đường thủy nội địa còn diễn biến phức tạp, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phổ biến, nhiều phương tiện không đăng ký, đăng kiểm vẫn lưu hành... Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành chức năng có như vậy, mới dần khắc phục được tình trạng "3 không" trên đường thủy, đảm bảo ATGT và ANTT cho bà con sống bằng nghề sông nước hiện nay