Đầu tư cho trường chuyên phải công bằng và hiệu quả

19:28 07/11/2010
Trường của chúng tôi là trường Anh hùng Lao động, đào tạo biết bao nhà khoa học xuất sắc, hàng trăm học sinh giỏi quốc tế, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng không được chọn vào 15 trường trọng điểm để đầu tư? Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Đại học khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt câu hỏi.

Trong tuần qua, đông đảo đội ngũ giáo viên trong cả nước, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm tới sự kiện Bộ GD&ĐT đã khởi động thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí đầu tư lên đến hơn 2.300 tỷ đồng.

Đề án này ra đời đúng lúc hệ thống trường chuyên của chúng ta đang sút kém dần, nên nhiều người kỳ vọng đây có thể là "cú hích" lớn để khắc phục tình trạng trường chuyên tồn tại dàn trải, "phổ thông hoá" như hiện nay. Nhưng ngay lập tức, rất nhiều băn khoăn được đặt ra xung quanh số tiền khổng lồ, cho rằng, có tiền, có thay đổi được chất lượng thực sự của trường chuyên? Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Báo CAND xin trở lại vấn đề này.

Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tại cơ sở trường mới với kinh phí đầu tư hơn 460 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 12/2009 cả nước có 76 trường, khối THPT chuyên với tổng số học sinh chuyên là gần 50 ngàn em, tăng 2.445 em so với năm 2007. 95% học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi đều rơi vào học sinh chuyên. Nhưng Bộ GD&ĐT đánh giá rằng, trường chuyên của chúng ta hiện nay rơi vào tình trạng thiếu quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đồng bộ; năm 2009 còn 2 tỉnh chỉ có khối chuyên, chưa có trường THPT chuyên, một số tỉnh có điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội, nhưng tỉ lệ học sinh chuyên so với học sinh phổ thông còn thấp.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh chậm đổi mới, nội dung đề thi chủ yếu là kiểm tra tái kiến thức, kỹ năng cơ bản, chưa có hình thức kiểm tra năng khiếu, tài năng dẫn đến nhiều học sinh không có phẩm chất, năng lực trí tuệ cần thiết để phát triển thành tài năng, nhưng vẫn được tuyển vào các lớp chuyên.

Sau sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields, một lần nữa giá trị của trường chuyên lớp chọn lại được khẳng định (Giáo sư Ngô Bảo Châu là cựu học sinh chuyên toán cấp II Trường THCS Trưng Vương và khối chuyên Toán tin Tổng hợp). Nhưng đó là nhiều năm trở về trước, khi mà hệ thống trường chuyên còn tinh lọc; đầu vào tuyển lựa khắt khe và học sinh vào học chuyên không chỉ vì mục đích thành tích, đỗ đại học hay giật giải quốc gia. Họ vào trường chuyên với một niềm say mê, khát khao nghiên cứu khoa học. Họ có những người thầy tận tâm đã "thắp lửa" chinh phục đỉnh cao khoa học trong học trò. Còn hiện nay, vào lớp chuyên quá đại trà (Có ý kiến cho rằng, tổng số học sinh chuyên lên đến ngót 5 vạn học sinh là quá lớn, "phổ thông hoá").

Có lẽ vì thế mà GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã từng cho rằng, nhiều em ở một số trường chuyên đi thi quốc tế đoạt giải, đỗ ĐH đạt điểm cao nhưng thực tế cho thấy số đông các em sau này không trở thành các nhà toán học hay vật lý học, hoặc đóng góp gì cho chuyên ngành mà mình được học.

Trở lại Đề án hơn 2.300 tỷ đồng của Bộ GD&ĐT. Bộ đã xây dựng một dự án đầu tư thuộc Chương trình phát triển giáo dục trung học để thực hiện Đề án, trong đó sẽ đầu tư cơ sở vật chất, 63 trường chuyên trên toàn quốc sẽ được cung cấp trang thiết bị theo các cấp độ khác nhau; đồng thời sẽ phát triển đội ngũ giáo viên: hơn 1.000 giáo viên các trường chuyên trên toàn quốc sẽ được tập huấn chuyên sâu, tiệm cận với chương trình quốc tế, tập huấn việc sử dụng thiết bị dạy học.

Chương trình còn có kế hoạch tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên, hướng tới mục tiêu là giáo viên chuyên có thể dạy các môn học cho học sinh bằng tiếng Anh. Tổng kinh phí tập huấn tiếng Anh là 638.400 USD. Sắp tới 15 trường chuyên trọng điểm của quốc gia sẽ được đầu tư ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

* Dạy văn bằng tiếng Anh - Có "ảo tưởng"?

Trước băn khoăn của rất nhiều giáo viên về mục tiêu đào tạo giáo viên chuyên có thể dạy các môn học bằng tiếng Anh là khó khả thi, thậm chí quá "ảo tưởng", PV Báo CAND đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ THPT, Giám đốc Chương trình phát triển giáo dục trung học. Ông Châu xác nhận, đúng là có mục tiêu này, về lâu dài sẽ tiến tới dạy cả một số môn khoa học xã hội bằng tiếng Anh, còn trước mắt triển khai ở một số môn khoa học tự nhiên.

PV: Nhưng thưa ông, những môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn văn rất cần được dạy bằng tiếng mẹ đẻ mới có thể truyền tải cảm xúc tới học sinh, dạy bằng tiếng Anh e rằng học sinh sẽ không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những tác phẩm văn học?

Ông Nguyễn Hải Châu: Không hẳn thế! Có phải dạy bằng tiếng Anh là bỏ hẳn tiếng mẹ đẻ đâu, chỉ có một số nội dung xã hội dạy bằng tiếng Anh thôi. Các nước tiên tiến học cũng chọn một số chủ đề để dạy tiếng Anh, mục đích là để luyện tiếng Anh qua các chủ đề ấy.

PV: Nhưng Bộ GD&ĐT đang triển khai "Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân" rồi, kinh phí đầu tư cũng không nhỏ. Vậy mục tiêu này có trùng giẫm lên Đề án tiếng Anh không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Châu: Mục tiêu quan trọng nhất là hướng tới học sinh, giúp học sinh học tốt tiếng Anh hơn

PV: Theo ông, đội ngũ giáo viên chuyên hiện nay có khoảng bao nhiêu % đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trình độ tiếng Anh?

Ông Nguyễn Hải Châu: Câu hỏi này cần phải có đánh giá một cách bài bản, có công cụ đánh giá mới trả lời được.

* Giáo sư Văn Như Cương: Nhiều mục tiêu phiêu lưu, chắp vá!

Tôi cũng đã xem bản Đề án này, trong đó tôi đặc biệt chú ý tới một trong những mục tiêu mà Đề án đưa ra, đó là xây dựng trường chuyên thành những trường tiên tiến để các trường THPT khác noi theo. Tôi cho mục tiêu này là lạc hướng vì trường THPT chuyên và trường THPT không chuyên có mô hình, cách thức, mục tiêu đào tạo rất khác nhau.

Hơn 2.300 tỷ là con số giáo dục không phải là nhỏ, chỉ cần đầu tư 2 tỷ cho một trường ở miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa để xây nhà công vụ cho giáo viên, mua trang thiết bị dạy học là chúng ta có thể nâng cấp được một trường học ở vùng xa. Đề án này có quá ưu ái cho "người giàu" hay không? Vì tôi biết, nhiều lớp chuyên có rất đông con ông cháu cha, con nhà giàu. Có trường chuyên được đầu tư hàng trăm tỉ, chỉ riêng tiền quét dọn trường, một tháng mất tới hơn 50 triệu đồng.

Trong Đề án có nêu rằng, sẽ cho 200 giáo viên đi đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài, đồng thời cử đi học 730 giáo viên cũng đi đào tạo ở nước ngoài để có thể về dạy các môn toán, lý, hoá, sinh, tin bằng tiếng Anh cho học sinh. Bộ cũng sẽ đào tạo thạc sỹ trong nước cho 500 giáo viên và bồi dưỡng, đào tạo tiếng Anh, tin học cho 1.560 cán bộ quản lý. Dự kiến kinh phí để phát triển đội ngũ giáo viên khoảng 624 tỷ đồng. Tất cả những "con số" này đầy phiêu lưu.

* PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Đại học khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): Đầu tư phải đúng đối tượng!

Tôi cũng tham dự Hội nghị triển khai Đề án trường chuyên. Câu hỏi tôi muốn gửi đến những người làm Đề án, là Bộ định đầu tư tiền cho các trường chuyên trọng điểm như thế nào? Và dựa trên căn cứ gì để xác định trường nào sẽ lọt vào 15 trường chuyên trọng điểm? Chúng tôi cần sự công bằng.

Trường của chúng tôi là trường Anh hùng Lao động, đào tạo biết bao nhà khoa học xuất sắc, hàng trăm học sinh giỏi quốc tế, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng không được chọn vào 15 trường trọng điểm để đầu tư? Khối chuyên của ĐH Sư phạm Hà Nội cũng không được chọn đầu tư trọng điểm.

Hiện nay học sinh chuyên của chúng tôi học trong các phòng học chật chội, cơ sở vật chất đã xuống cấp tồi tệ, nhưng chúng tôi vẫn làm tốt nhiệm vụ đào tạo học sinh chuyên, đạt trình độ chuyên môn tốt nhất có lẽ vẫn là các trường chuyên thuộc trường đại học. Vậy có xứng đáng để đầu tư không?

Tôi ủng hộ Đề án, nhưng đầu tư phải đúng đối tượng. Tôi còn một băn khoăn nữa là ở trường chuyên các tỉnh, luyện đội tuyển toàn thuê thầy ở TW về luyện, nên thành tích đó cũng không xác thực. Muốn có trường chuyên mạnh, phải có thầy giỏi. Mục tiêu dạy toán, lý, hoá bằng tiếng Anh cũng chưa thực hiện được đâu.

* Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Tôn Thân (Viện Khoa học giáo dục), thầy giáo dạy chuyên của nhiều học sinh ưu tú như Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hoà, Ngô Bảo Châu: Học chuyên không thể như một trang sức!

Tôi có may mắn dạy chuyên toán của Trường THCS Trưng Vương nhiều năm. Hồi đó, sách vở tài liệu khan hiếm hơn bây giờ nhiều. Tôi phải bù đắp lại thiếu hụt đó bằng cách "sáng tạo" ra hồ sơ bài tập, hồ sơ đó tôi ghi lại các cách giải hay, đẹp của học trò. Tôi tâm niệm, dạy học sinh chuyên là phải biết khơi dậy lòng khao khát trong học trò, thầy giáo như một nghệ sỹ, có như vậy kiến thức mới thấm vào các em một cách tự nhiên.

Dạy chuyên cũng không thể theo kiểu "sôi kinh nấu sử", ra bài tập la liệt. Hiện nay đáng buồn là hệ chuyên phát triển tràn lan, biến tướng, việc chọn lọc học sinh giỏi không còn chính xác nữa. Trường chuyên còn mục tiêu sai lầm nữa là chỉ cốt luyện thi đại học. Nhiều phụ huynh coi học chuyên như một trang sức. Cách dạy thì nhồi nhét, theo kiểu luyện "gà nòi", khiến những em giỏi thực sự sẽ bị "nhiễu" vào những em có trình độ bình thường

Thu Phương

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文