Đẩy lùi nguy cơ cháy nổ tại các làng nghề ở Bắc Ninh
- Cần giải pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ hoá chất tại cảng Hải Phòng
- Nguy cơ cháy, nổ tại các gara kinh doanh, sửa chữa ôtô
- Cảnh báo nguy cơ cháy nổ do chập điện
- TP HCM còn hơn 10.700 cơ sở kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao
Làng nghề chuyên sản xuất vàng mã tại xã Song Hồ (huyện Thuận Thành) luôn tấp nập. Đặc biệt, các cửa hàng được xây dựng, bày bán san sát nhau. Sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu giấy, tre, nứa nên dễ bắt lửa. Gia đình anh Vũ Cao Giang, thôn Đạo Tú, xã Song Hồ đã có hàng chục năm buôn bán hàng mã. Những năm trước, gia đình anh chưa ý thức được công tác phòng, chống cháy nổ nên trong nhà không có dụng cụ chữa cháy, hàng hóa chất đầy không có lối đi.
Gần đây, được ngành chức năng tuyên truyền, gia đình anh đã có ý thức bảo vệ tài sản của mình. Để phòng chống cháy nổ, anh Giang quy định tất cả thành viên trong gia đình, người mua hàng không được cầm những đồ vật dễ gây cháy như bật lửa gas, không hút thuốc lá khi vào cửa hàng. Đặc biệt, nhà anh luôn có từ 1 - 2 bình chữa cháy nhỏ.
Được biết, hiện toàn xã Song Hồ đang tập trung khoảng 900 hộ sản xuất, kinh doanh vàng mã, trong đó có 23 cơ sở sản xuất có máy móc, quy mô lớn. Với đặc thù nguyên liệu sản xuất từ giấy, nguy cơ cháy rất cao.
Cảnh sát PCCC kiểm tra kết hợp tuyên truyền PCCC tại cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). |
Năm 2014, địa bàn xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành đã xảy ra vụ cháy tại một cơ sở chuyên sản xuất vàng mã khiến ba người trong một gia đình tử vong. Đây là hồi chuông cảnh báo nhân dân tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, công tác phòng cháy trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá về những bất cập trong công tác phòng chống cháy nổ tại làng nghề, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) số 4, Cảnh sát PCCC tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Ngọc Phồn cho biết: Quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất hàng mã cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không chú ý tới lối thoát khi có sự cố. Một số cơ sở phát triển tự phát, ít quan tâm nâng cấp nguồn điện.
Một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ là người dân sắp xếp hàng hóa tùy tiện gần bảng điện, gần dây điện, che khuất tầm nhìn. Một số hộ không trang bị, bảo dưỡng vật tư đáp ứng công tác phòng cháy chữa cháy tại chỗ...
Không chỉ ở Song Hồ, tỉnh Bắc Ninh còn có nhiều làng nghề tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, trong đó phải kể đến làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh), làng nghề sản xuất mây tre đan Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình), làng nghề gò đúc đồng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình), làng nghề gỗ Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn)… với gần 2.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nguyên liệu sản xuất tại các làng nghề này rất dễ gây cháy, nổ. Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề đường vào nhỏ, thậm chí đường vào còn các trụ cột chắn giữa đường, ít ao hồ, sông ngòi nên hiếm nguồn nước chữa cháy. Hơn nữa, phương tiện PCCC còn gặp nhiều khó khăn...
Theo Đại tá Nguyễn Đình Hoàn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Bắc Ninh: Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại gần 700 cơ sở trong làng nghề. Kết quả cho thấy, gần 100% cơ sở đều vi phạm các quy định an toàn về PCCC với các lỗi chủ yếu như: Không có thiết kế, thi công về PCCC; hầu hết các cơ sở không trang bị bình chữa cháy xách tay…
Lực lượng chức năng đã nhắc nhở, lập biên bản và xử phạt. Thời gian tới, để tăng cường hơn nữa công tác PCCC tại các làng nghề, Cảnh sát PCCC tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn; tăng cường đổi mới các phương pháp, hình thức tuyên truyền về PCCC, đẩy mạnh tập huấn cho các cán bộ, người dân; hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định phòng chống cháy nổ. Đồng thời phát động xây dựng mô hình khu dân cư an toàn PCCC tại khu dân cư, làng nghề.
Để làng nghề phát triển bền vững, hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ xảy ra, trước hết, địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống cháy nổ cho các gia đình, doanh nghiệp làng nghề. Các cấp, ngành, đoàn thể cần thực sự vào cuộc tuyên truyền, giám sát, kiểm tra các hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng như kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.