Đẩy lùi tai nạn giao thông nhìn từ thiết bị giám sát hành trình: Những vướng mắc cần tháo gỡ

10:32 22/08/2014
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có quy định bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đối với một số phương tiện.

Theo đó, các phương tiện này sẽ chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc kết nối và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai thực hiện cũng nảy sinh một số tồn tại cần tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ thiết bị GSHT hay còn gọi là “hộp đen” là một trong những thiết bị điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị GSHT của xe”. Bên cạnh đó, thiết bị GSHT của xe phải đảm bảo việc lưu giữ các thông tin liên quan đến: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe. Quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT trên nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của tài xế cũng như tạo điều kiện cho cơ quan chức năng phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, góp phần đẩy lùi TNGT đau lòng.

Sớm phát huy hiệu quả xử lý vi phạm giao thông dựa trên dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình cung cấp.

Theo quy định, sau khi lắp đặt thiết bị GSHT, các phương tiện đều chịu sự quản lý, giám sát thông qua việc kết nối, truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Đối với các phương tiện không chấp hành việc lắp đặt thiết bị GSHT cũng như chưa kết nối dữ liệu truyền về trung tâm quản lý sẽ không được cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải… Có một điều không phủ nhận, sau một thời gian đi vào thực tế, việc lắp đặt thiết bị GSHT bước đầu đã cho được một số kết quả, nhiều vi phạm của lái xe về lỗi: phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện quá giờ quy định… đã bị phát hiện nhắc nhở kịp thời; ý thức chấp hành Luật Giao thông của lái xe có sự  chuyển biến. Tuy nhiên, qua triển khai vẫn còn một số những tồn tại cần tháo gỡ.

Đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng tháng 7/2014, trên hệ thống quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận dữ liệu của 69.200 phương tiện truyền về. Con số này cho thấy, tỷ lệ số phương tiện truyền dữ liệu so với số lượng phương tiện do các Sở GTVT nhập liệu báo cáo trên hệ thống là khá thấp, mới chỉ đạt khoảng 60%. Tổng số phương tiện vi phạm quá tốc độ và thời gian lái xe trong tháng 7/2014 là hơn 34 ngàn phương tiện, chiếm tỷ lệ 49,9%. Qua phân tích của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng số lần vi phạm quá tốc độ từ 5km/h trở lên trên toàn quốc là hơn 2,252 triệu lần tăng gấp gần 375 ngàn lần so với tháng 6/2014. Đáng chú ý, tổng số lần vi phạm quá tốc độ từ 10-20km/h đạt hơn 825 ngàn lần, chiếm tỷ lệ 21,3%. Bên cạnh đó, tổng số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ bị phát hiện trong tháng 7/2014 là 46,492 tăng hơn 9,1 lần so với tháng 6/2014. Còn tổng số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 10 giờ/ngày là 12,133 lần tăng 1,513 lần so với cùng kỳ tháng trước.

Việc hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới chỉ nhận được dữ liệu của 69.200 phương tiện cho thấy, hiện còn một số lượng lớn các phương tiện chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT. Vi phạm theo đó còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Chưa hết, theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhằm đối phó lại lực lượng chức năng, một số địa phương còn xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắc để tắt thiết bị khi phương tiện chạy quá tốc độ v.v… Về vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật lệ và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện việc áp dụng chế tài phạt “nguội” thông qua kết quả trích xuất từ thiết bị GSHT chưa được thực hiện; các cơ quan chức năng mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp, tài xế vi phạm thông qua kết quả trích xuất từ thiết bị GSHT cũng là một trong những tồn tại khiến một số tài xế vẫn “nhờn luật”. Để rồi, các lỗi vi phạm về phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện quá giờ quy định… vẫn tái diễn, nguy cơ va chạm, TNGT luôn cận kề. Thực tế đã chứng minh bởi nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của lái xe khi điều khiển xe lạng lách, lấn làn đường, vượt quá tốc độ quy định… Do vậy, tới đây, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định, chế tài nhằm phát huy tác dụng hình thức “phạt nguội” dựa vào thiết bị GSHT.

Đồng quan điểm trên, trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay: Bên cạnh việc chưa có quy định, chế tài xử lý như trên, hiện độ chính xác của nhiều thiết bị GSHT mới ở một mức độ nhất định. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm đòi hỏi các thiết bị cho kết quả phân tích phải có độ chính xác cao. Trước thực trạng trên, hiện Bộ Giao thông vận tải cũng đang tiến hành sửa quy chuẩn thiết bị và yêu cầu tăng độ chính xác lên.

Kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị GSHT tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 7/2014 cho thấy, một số địa phương đã thực hiện tốt công tác chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ, có tác động tích cực đến các đơn vị vận tải và đội ngũ lái xe, số lần vi phạm và tỷ lệ vi phạm của các địa phương này trong tháng 7 giảm khá nhiều so với tháng 6 như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Bình Thuận, Hải Dương, Nam Định… Tuy nhiên, một số Sở Giao thông vận tải trong tháng 7/2014 có mức tăng cao số lần vi phạm tốc độ và tỷ lệ vi phạm/1.000km so với tháng 6/2014 nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời như: Lâm Đồng, Nghệ An, Cà Mau, Quảng Ngãi, Phú Yên…

Trần Huy

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文