Để phòng ngừa trẻ em đuối nước: Cần có sự quan tâm từ nhiều phía

07:01 29/05/2020
Câu chuyện tưởng như cũ nhưng luôn rất mới mỗi khi hè về, đó là tình trạng trẻ em đuối nước ở Việt Nam. Con số được đưa ra cách đây chưa lâu về tình trạng trẻ em đuối nước mỗi năm ở Việt Nam chắc chắn sẽ khiến không ít người giật mình.


Tại hội nghị khoa học toàn quốc lần 3 về phòng chống tai nạn thương tích được Bộ Y tế tổ chức cuối năm 2019, đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) cho biết so với năm 2010, số trẻ em tử vong do đuối nước hàng năm đã giảm nhưng vẫn còn hơn 2.000 trẻ qua đời mỗi năm vì đuối nước. Đây thực sự là con số rất xót xa, là gánh nặng đối với an toàn của trẻ và gây tổn thương đến hạnh phúc của rất nhiều gia đình.

Những vụ đuối nước thương tâm

Chỉ mới đầu hè, nhưng số vụ tai nạn thương tâm do đuối nước đã rải rác xảy ra ở một số địa phương. Một câu chuyện đau lòng vừa xảy ra tại xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa được chính quyền địa phương cho biết là ngày 26- 5- 2020, các cơ quan đoàn thể chính quyền cơ sở đã đến chia buồn, trợ giúp gia đình ông Nguyễn Văn Lễ, ở thôn 6, xã Nga Điền có hai trẻ tử vong do đuối nước.

Dạy kỹ năng bơi lội là cần thiết để phòng tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Sự việc xảy ra trước đó là ngày 24-5, cháu N.T.T (SN 2010) và em trai N.V.H (SN 2012), mò ốc, bắt cá, không may sa vào vùng xoáy, nước sâu ở đoạn sông Càn cụt và tử vong. Đây là đoạn sông thuộc xã Nga Điền được tháo nước qua cống lúc triều kiệt nên nhiều người dân ra sông đánh bắt hải sản tự nhiên. Cơ quan chức năng xác định, hai nạn nhân tử vong do ngạt nước, hoàn tất thủ tục liên quan, bàn giao thi thể cho gia đình lo hậu sự.

Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều trẻ em tìm đến khu vực sông, hồ nước để tắm. Do không cẩn trọng, không ít trường hợp trẻ em bị trượt chân vào vùng nước sâu dẫn đến đuối nước thương tâm. Một trường hợp theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ- TBXH) cũng vừa mới xảy ra là khoảng 17h ngày 19- 5, sau giờ học về nhà, 2 nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Bất Bạt (Ba Vì, Hà Nội) là: N.T.L học sinh lớp 10A2 và học sinh Đ.T.N học sinh lớp 10A3 ra sông Đà tắm đã không may trượt chân xuống vùng nước sâu, bị đuối nước.

Đây cũng là khu vực vào buổi chiều thường có rất nhiều người dân trong khu vực ra tắm. Khi phát hiện 2 cháu đuối nước thì người dân cứu vớt ngay, nhưng do 2 em bị xoáy vào khu vực nước sâu khoảng 4m nên người dân không cứu được.

Trước đó, chiều ngày 7-5, em N.Đ.B (SN 2005- học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng nhóm bạn chơi thể thao tại bãi biển Thiên Cầm. Vì thời tiết nắng nóng, B đã xuống biển tắm và không may bị đuối nước.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước ở trẻ em là tỉ lệ trẻ biết bơi và có kĩ năng an toàn trong môi trường nước thấp. Bên cạnh đó, xảy ra những sự việc đau lòng này còn là do thiếu sự giám sát của người lớn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Không những thế, môi trường sống xung quanh của trẻ còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ gây đuối nước…

Cần được quan tâm hơn nữa

Đuối nước cướp đi sinh mạng của trẻ em mỗi năm, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Đây thực sự là con số đau lòng, ảnh hưởng đến hạnh phúc của không ít gia đình. Theo một thống kê của Bộ LĐ- TBXH, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi.

Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em. Do đó, dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là môi trường sống tại Việt Nam gần nhiều sông nước.

Để hạn chế tử vong vì đuối nước, từ năm 2018, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với WHO, GHAI triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam tại 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước cao nhất: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.

Trong đó, dự án chú trọng hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ em an toàn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng và dạy kỹ năng bơi sống còn cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi thay vì bơi thông thường. Đến nay đã có hàng chục nghìn trẻ em đã được dạy kỹ năng bơi an toàn.

Tuy nhiên, cách để phòng chống đuối nước hiệu quả nhất với trẻ em hiện nay theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam là cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước ở sông, hồ... phải có những biển báo. Việc dạy kỹ năng và dạy bơi cho trẻ em hết sức cần thiết. Nhưng bên cạnh việc học bơi, các em cũng cần được huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống.

“Bộ LĐ- TBXH và Cục Trẻ em là đơn vị có trách nhiệm chủ trì về phòng chống thương tích ở trẻ em trong đó có đuối nước đã hướng dẫn, chỉ đạo cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể phải tăng cường giám sát. Ví dụ trong gia đình, cha mẹ phải nhắc nhở các em không được tắm sông, hồ. Bên cạnh đó, nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở về nguy cơ và biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ trong những tiết học có liên quan", ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Theo Cục Trẻ em, hiện đơn vị này đã đề nghị một số địa bàn phải có tờ rơi, tờ gấp về phòng chống đuối nước đến tay các em. Từ đó, các em luôn mang bên mình và coi như một lời nhắc nhở trẻ em thường xuyên. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, gia đình phải thường xuyên giám sát các em.

Đặc biệt khoảng thời gian buổi trưa, buổi chiều sau khi tan học, phụ huynh cần nắm được con em mình đi đâu, làm gì; vì theo nghiên cứu, thời gian trẻ em thường xuyên xảy ra đuối nước rơi vào khung giờ trên.

Cục trưởng Cục Trẻ em đề nghị, cộng đồng cũng có những giám sát với đối tượng này. Với những vùng ven sông, suối... nơi hay có trẻ em tắm, chính quyền địa phương và các đoàn thể phải có những biển báo và phân công người thường xuyên đi tuần để nhắc nhở các em.

"Các địa phương biết hết khu vực nào trẻ em hay tắm, vấn đề ở đây là cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở các em. Vai trò chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ dịp hè", ông Nam cho biết.

Phan Hoạt

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文