Điều chỉnh giờ học, giờ làm, CSGT phải trực nhiều hơn
>>Nội chuẩn bị “đón” thay đổi giờ học, giờ làm
Bắt đầu từ 1/2, TP Hà Nội sẽ bắt đầu điều chỉnh giờ học tập, làm việc tại 10 quận và 2 huyện để giãn cách lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường nhằm giảm ùn tắc giao thông (UTGT). Để việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc không làm xáo trộn đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân, Phòng CSGT Hà Nội, Sở GTVT cùng các ngành liên quan đã có phương án chuẩn bị kỹ càng.
Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất nói gì?
Thực hiện phương án đổi giờ học, làm việc, đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất chính là 900 trường học từ THPT đến trung cấp, cao đẳng, đại học, với trên nửa triệu học sinh (trong số trên 2.500 trường và gần 1,5 triệu học sinh thành phố). Trong đó có hơn 90.000 học sinh THPT và 35.000 em trong số này (gần 40%) học ca chiều. Ngoài ra, tại 10 quận và 2 huyện, trên đang có 124 trường ĐH, CĐ, Trung cấp với hơn 620.000 sinh viên. Trong đó, chiếm đến 78% số sinh viên ở ngoại trú, và có hơn 30% sinh viên các trường trên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở sẽ hướng dẫn và chỉ đạo các trường áp dụng mọi biện pháp để thông báo cho học sinh, sinh viên, cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện đúng yêu cầu đổi giờ của TP. Riêng với khối THPT ngay sau khi triển khai, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra về 12 quận huyện để đảm bảo việc thực hiện thay đổi giờ được thống nhất tại các cơ sở giáo dục.
Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cho hay, việc điều chỉnh giờ học này hầu như không ảnh hưởng tới lịch hoạt động của trường hiện tại. Được biết trường có 950 em học sinh buổi sáng học từ 7h và chủ yếu học buổi sáng. Buổi chiều số học sinh học chủ yếu là theo ca, học thêm, do trường không có đủ cơ sở vật chất.
Từ 1/2: CSGT Hà Nội sẽ phải đứng chốt từ 6h sáng để phân luồng, hướng dẫn giao thông phục vụ phương án đổi giờ học, giờ làm. Ảnh: Ngọc Yến |
Thầy Lâm cũng cho hay, buổi chiều, học thêm, học ca chủ yếu là học sinh lớp 12 với khoảng 300 học sinh. "Cũng có ca phải học tới 7h tối nhưng số này không nhiều. Những ca học xong từ buổi chiều thì để các em về chứ không thể bắt các em chờ tới 7h tối mới về được" .
Trong khi đó, với Trường Tiểu học Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, một giáo viên ở đây cho hay, hôm nay, trường bắt đầu thông báo thời gian học mới tới các lớp và phụ huynh. Theo đó, buổi sáng các lớp vào học lúc 8h và buổi chiều vào lớp lùi xuống 15 phút tức 2h chiều vào lớp. Với sự thay đổi thời gian buổi chiều sẽ đồng nghĩa với việc, thời gian tan lớp vào buổi chiều sẽ lùi tiếp xuống 15 phút. Với nhiều bạn sinh viên, phải tan học lúc 7h tối, điều lo lắng nhất là phương tiện đi lại. Nhiều bạn sinh viên từ trước đến nay đều chọn xe buýt là phương tiện chính để đi học. Nhưng với thời gian tan học muộn như quy định, đi xe buýt để về nhà hay nơi trọ sẽ mất rất nhiều thời gian.
Thực tế, với những điểm đỗ xe bus gần các Trường Đại học Quốc gia, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công nghiệp… luôn luôn trong tình trạng “quá tải” trong các giờ cao điểm tan học. Việc các xe nhồi nhét, bỏ bến vì quá đông là thường xuyên. Vì vậy, dù ủng hộ chủ trương đổi giờ, hầu hết các sinh viên và phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, cùng với việc đổi giờ học, giờ làm, hệ thống xe buýt phải được cải thiện.
Cảnh sát giao thông tăng giờ chốt trực trên đường
Để hoạt động xe buýt phù hợp với việc điều chỉnh giờ làm trên địa bàn Hà Nội, Sở GTVT vừa quyết định tăng tần suất phục vụ trong khung giờ cao điểm của 17 tuyến trên 5 trục chính có nhu cầu sử dụng xe buýt cao, gồm QL6, QL 32, QL1A cũ, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng.
Đồng thời, tăng lượt phục vụ của 6 tuyến buýt nhanh hiện tại (02, 16, 39 28,27,32) lên thành 37 lượt/ngày. Tổ chức thêm xe buýt nhanh trên 6 tuyến khi phát sinh nhu cầu (01, 19, 20, 22, 34, 38 ) với 97 lượt/ngày. Ngoài ra, Sở GTVT cũng tổ chức xe buýt phục vụ phương án phố đi bộ tạo điều kiện cho khách tiếp cận thuận lợi tới khu vục Bờ Hồ và khu vực phố cổ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT đã lên phương án giảm thời gian giãn cách giữa các lượt xe từ 10 phút xuống 7 phút và từ 15 phút xuống 10 phút/lượt. Đồng thời các tuyến xe buýt nhanh đều được tính toán về lộ trình, về số lượt và có thể phục vụ từ 10 đến 20 trường đại học, học viện, cao đẳng và các trường dạy nghề và các trục đường có lưu lượng phương tiện cá nhân cao.
“Nguyên tắc điều chỉnh cao điểm sáng từ 6h đến 9h, cao điểm chiều từ 16h30 đến 19h30, còn các khung giờ còn lại vẫn giữ nguyên. Chúng tôi sẽ đảm bảo năng lực phục vụ các cán bộ công chức, viên chức cả Trung ương và Hà Nội, vì thời gian bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 17h”, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng nói.
Chiều 31/1, trao đổi nhanh với phóng viên, Thượng tá Trần Ngọc Ánh - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Hà Nội cho biết: Nhằm thực hiện chủ trương đổi giờ học, giờ làm theo quyết định của UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Phòng CSGT cũng đã lên phương án tăng giờ chốt trực trên các tuyến đường.
Theo đó, thay vì bắt đầu trực giờ cao điểm từ 6h30 - 8h30 sáng, và 17h - 19h tối, nay CSGT các quận huyện sẽ bắt đầu ngày chốt trực giờ cao điểm từ 6h đến 9h sáng, chiều từ 16h30 - 19h30. Như vậy, mỗi ngày nhiệm vụ của lực lượng CSGT sẽ thêm phần vất vả, vì phải tham gia hướng dẫn phân luồng thêm 2 giờ (1 giờ buổi sáng và 1 giờ buổi chiều) trong khung giờ cao điểm.
Thượng tá Trần Ngọc Ánh cũng cho biết thêm: Ngoài việc đứng chốt phân luồng, hướng dẫn giao thông giờ cao điểm thì lực lượng CSGT cũng sẽ tăng cường tuần tra, giám sát trên các tuyến đường để nếu phát hiện sự cố về ùn tắc, hay ùn ứ thì sẽ kịp thời xử lý