Đổi mới giáo dục: Lấy học trò làm trung tâm

13:06 09/02/2014
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu hiện nay là sự lựa chọn không thể khác, khi quá trình cải cách giáo dục đã không đạt mục tiêu mong muốn. Nhưng công nghệ và mô hình của đề án được coi là “trận đánh lớn” xứng tầm như một cuộc cách mạng vẫn còn rất mới mẻ với đông đảo bạn đọc.

Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” đầu Xuân Giáp Ngọ dành cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại - “cha đẻ” của công nghệ giáo dục thực nghiệm, góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên gắn với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho chính con, em mỗi gia đình.

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhà bác học Lê Quý Đôn bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia đã khuyến cáo với hậu thế: “phi trí bất hưng”. Từ đúc kết ấy, câu chuyện mà Giáo sư muốn gợi mở với bạn đọc về  việc “khai trí” đầu Xuân phải bắt đầu như thế nào cho dễ hiểu và dễ làm để tạo dựng nên sức mạnh trí tuệ của cả cộng đồng?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Bàn chuyện “khai trí” đầu Xuân là việc vô cùng hữu ích, khơi gợi và quy tụ được lòng người. Câu chuyện khai trí hiện nay chính là chúng ta bàn, xây dựng và thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo sao cho đạt mục tiêu khoa học và hiệu quả. Tôi cho rằng, đây là việc làm vì đại nghĩa, vì sự phát triển hưng thịnh của quốc gia chứ không vì một lợi ích cục bộ nào. Muốn thế thì phải đổi mới tận nguyên lý của nền giáo dục so với trước.

PV: Không ít giáo viên, nhà quản lý giáo dục gọi điện tới đường dây nóng của Báo CAND băn khoăn: Phải chăng giáo dục và đào tạo của chúng ta trước đây không căn bản và thiếu toàn diện nên Đề án mới đặt ra yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện. Giáo sư có thể cắt nghĩa điều này gắn với nguyên lý giáo dục mà Giáo sư kiên định quan điểm phải đổi mới tận cùng?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Thực tiễn quá trình cải cách giáo dục không đạt kết quả mong muốn, ai cũng có thể nhận thấy. Rõ nhất là chúng ta gặp khó khăn trước yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Kết cục đó là bằng chứng cho thấy nguyên lý giáo dục mà chúng ta đã làm trong thời gian qua chưa đúng.

Nhìn thẳng vào sự thật này; tôn trọng cuộc sống thật của mỗi người; nhận thức đúng phạm trù lợi ích bởi cuộc sống suy cho cùng là vì lợi ích... là những nhận thức rất căn bản cho nguyên lý giáo dục. Lợi ích của trẻ em là được vui chơi, được học một cách hứng thú. Giáo dục làm cho chúng vui, háo hức đến trường, sẵn lòng chia sẻ suy nghĩ thì mục đích của giáo dục mới đạt được. Muốn thế thì phải thay đổi nội dung, phương pháp, thể chế giáo dục hiện nay. Thay cho cách thầy đọc, trò ghi, bây giờ phải lấy học trò làm trung tâm, người thầy giữ vai trò quyết định. Xin nhấn mạnh, vai trò “người thầy” ở đây phải hiểu từ khâu thiết kế nội dung chương trình giáo dục; cho đến người chuyển giao công nghệ giáo dục; cuối cùng là thầy, cô làm nhiệm vụ “thi công” theo thiết kế (truyền đạt kiến thức) tới học trò. Ở đó, người thầy không chỉ truyền đạt, mà còn theo dõi, đánh giá, giúp đỡ học sinh, kiểm soát chất lượng cho đến sản phẩm cuối cùng của giáo dục đào tạo.

PV: Vậy cụ thể nguyên tắc trong giáo dục mà giáo sư chủ trương là gì?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Là lấy học trò làm trung tâm, người thầy giữ vai trò như đã nói ở trên. Cách làm đó tạo ra môi trường thuận lợi cho học sinh phát huy khả năng tư duy, tự học, tự thẩm thấu kiến thức, thay vì phải vật lộn toát mồ hôi với đống bài vở như trước đây. Chẳng hạn, thay cho việc giảng văn, cô giáo có thể cho học sinh đọc, yêu cầu hiểu và tự do phát biểu cảm nhận. Như thế, các em có điều kiện bộc lộ suy nghĩ, phát triển trí tuệ và dần tạo sự tự tin. Với các môn học khác cũng vậy, dù cưỡng bức cũng phải bằng phương pháp khoa học để học sinh dễ chấp nhận, không nhồi nhét kiến thức như cách làm cũ.

PV: Theo cách đặt vấn đề ấy, Giáo sư có thể phát biểu suy nghĩ về những nội dung căn bản mà Đề án đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo đã đề cập?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tôi nhất quán với quan điểm phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhưng chưa tâm đắc lắm bởi chưa toát lên được toàn bộ mục tiêu và giải pháp cho Đề án được coi là “trận đánh lớn” này, nhất là thiếu hệ thống khái niệm rất quan trọng làm nền tảng. Chẳng hạn, những khái niệm về năng lực và phẩm chất con người. Khi thống nhất nhận thức rõ các khái niệm đó thì mới xác định chính xác mục tiêu của giáo dục.

PV: Nhất quán với quan điểm phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vấn đề còn lại mà bạn đọc quan tâm là thực hiện nó bằng cách nào. Dưới góc nhìn của giáo sư, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Trước hết, phải xác định được hướng đi tức tư tưởng chủ đạo. Theo tôi, phải theo hướng hiện đại hóa nền giáo dục. Đã có hai nền giáo dục: Một là nền giáo dục bút lông (giáo dục nho giáo) và nền giáo dục tạm gọi là bút sắt (sau giáo dục nho giáo). Tiếp đến có thể gọi nền giáo dục hiện nay là giáo dục máy tính. Bước đi từ nền giáo dục bút sắt sang nền giáo dục máy tính chính là quá trình hiện đại hóa nền giáo dục mà chúng ta đang muốn làm. Đã có hướng đi rồi thì phải có cách làm-tức là công nghệ hóa quá trình giáo dục. Thực chất, đấy là quá trình tổ chức và kiểm soát quá trình thực tiễn của giáo dục. Khác hoàn toàn so với trước đây, chúng ta không kiểm soát được toàn bộ quá trình và chất lượng giáo dục, mặc dù rất mong muốn.

PV: Trước đây Giáo sư đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách làm cải cách giáo dục để chuyển sang làm mô hình trường thực nghiệm. Lý do, đề án cải cách đó chuẩn bị trong thời chiến sẽ không phù hợp với thời bình; đòi hỏi của cách mạng giai đoạn mới đã khác; các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội của thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh lại khác nữa... Theo lô-gic ấy, có gì đảm bảo mô hình công nghệ giáo dục mà Giáo sư đã cố công xây dựng trước đây đến nay còn phù hợp?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Đúng là công nghệ giáo dục này tôi đã xây dựng 40 năm. Vẫn nguyên lý ấy, công nghệ ấy, nhưng thực tiễn thì đã khác rất nhiều. Nhận biết điều này, nhiều năm qua chúng tôi đã hoàn thiện, củng cố nó cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Tuy vậy, về mặt khoa học, công nghệ giáo dục luôn đi trước số đông, rất cần những phản biện để hoàn thiện, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay.

PV: Một số học sinh THPT tại quận Hà Đông, TP Hà Nội hỏi, nếu thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì sẽ tác động như thế nào tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp tới. Xin Giáo sư cho biết quan điểm?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Thi cử nói chung và thi tốt nghiệp THPT nói riêng phụ thuộc vào hai vấn đề: Một là học cái gì và hai là học bằng cách nào. Vì dạy và học theo cách cũ nên thi cử đã trở thành gánh nặng gây lo lắng và tốn kém cho cả xã hội. Bởi thế chúng ta mới chủ trương phải đổi mới. Theo tôi, ở giai đoạn bước đệm, Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT trong đó có môn thi bắt buộc và tự chọn là cần thiết. Đó là phương án ít tồi tệ nhất. Chủ trương cho phép các trường đại học tự chủ tuyển sinh cũng là sự đổi mới. Quan trọng nhất là phải rành mạch giữa trường phổ thông và đại học, cao đẳng: Hàng vạn trường phổ thông cũng cùng một nguyên lý. Nhưng hai trường đại học là hai trường khác nhau. Nhận thức rõ như thế mới có cách ứng xử phù hợp, mang lại hiệu quả.

PV: Với mỗi gia đình, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần vận dụng ra sao trong việc dạy con, em để trở thành nguồn nhân lực có chất lượng tốt?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Không có mẫu số chung cho mọi gia đình, mọi hoàn cảnh. Nhưng từ những gì tôi biết, thì quan trọng nhất là phải tôn trọng cuộc sống thật của các em. Chơi cũng là lợi ích của học sinh, là mục tiêu của giáo dục chứ không phải chỉ là sự học. Đặc biệt, không nên và đừng bao giờ so sánh chúng với những đứa trẻ khác. Vì mỗi em đều có những phẩm chất nhất định, mà cha mẹ và người lớn tuổi cần biết cách khơi gợi cho những phẩm chất tốt phát triển.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư Hồ Ngọc Đại!

Thanh Phong (thực hiện)

Dự báo từ 3 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to. Từ 6/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Chiều 2/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CBCS của đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ đã giúp đỡ gia đình chị Đ.T.H.H. (SN 1982; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm thấy con trai đi lạc và đưa về nhà an toàn.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

Thời gian qua, các Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tục phát hiện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khảo sát, tư vấn, thiết kế và xây dựng dân dụng, trong quá trình tham gia đấu thầu dự án đầu tư công trên địa bàn, đã tinh vi thực hiện nhiều hành vi gian lận khác nhau nhằm trúng thầu, nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng.   

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文