Dự án giữa thủ đô 20 năm chưa giải phóng được mặt bằng
Chiều 2/10, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức buổi họp báo liên quan đến dự án xây dựng Kho bạc Nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Tại buổi họp báo, đơn vị này cho biết: Năm 1995, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi đất của các đơn vị, cá nhân hiện đang sử dụng ở góc phố Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm để giao cho Cục Kho bạc Nhà nước quản lý và xây dựng trụ sở làm việc.
Năm 2004, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chính sách làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân nơi đây. Đối với các hộ mặt phố được áp dụng theo vị trí 1; các hộ trong khuôn viên được áp dụng bằng 75% vị trí 1, đồng thời bố trí tái định cư và bán nhà tái định cư theo nguyên tắc có lợi cho người dân. Tổng phương án bồi thương hơn 16 tỷ 500 triệu đồng. Tuy nhiên, các hộ dân không thống nhất với chính sách bồi thường này.
Từ năm 2005-2009, do các hộ dân có khiếu nại, thắc mắc về quy hoạch và chính sách bồi thường này, Thanh tra TP Hà Nội đã xem xét, có kết luận giải quyết đơn thư của các hộ dân. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 709 giải quyết đơn thư khiếu nại theo quy định, nhưng các hộ dân không đồng tình và vẫn giữ nguyên quyết định khiếu nại. Năm 2010, do giá đất bồi thường hỗ trợ thay đổi, UBND quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ thời điểm này trị giá trên 34 tỷ 300 triệu đồng (tăng hơn 17 tỷ 700 triệu đồng so với mức bồi thường trước đó), nhưng các hộ dẫn vẫn không đồng tình.
Quang cảnh cuộc họp báo chiều 2/10. |
Năm 2011, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định phê duyệt phương án bổ sung cho các hộ dân với tổng số tiền bổ sung cho 15 hộ dân trên 13 tỷ đồng. Như vậy, sau ba lần điều chỉnh, đến nay, tổng số tiền bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân là gần 48 tỷ đồng. Đến nay, các hộ dân được bố trí tái định cư tại Nhà N4 - CD và Nhà A6A, A6C và A6D Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Diện tích bố trí tái định cư rộng hơn nhiều lần so với diện tích đất bị thu hồi, có những diện tích tái định cư gấp 5 lần diện tích thu hồi, nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận và tiếp tục khiếu nại.
Ngày 16/7/2012, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4477 khẳng định: Giữ nguyên mức giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã được thành phố phê duyệt. Đồng thời yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.
Đến nay, dự án này đã kéo dài 20 năm nhưng vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Trước đó, giai đoạn 1993-1998, 10 hộ dân và 1 tổ chức là Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà di chuyển khỏi địa chỉ này. Hiện nay còn 15 hộ dân, trong đó có 5 hộ dân mặt phố Ngô Quyền, 1 hộ dân mặt phố Trần Hưng Đạo chưa thực hiện việc di chuyển.
Ông Lê Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hoàn Kiếm khẳng định: Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư được lập trên cơ sở vận dụng tối đa các chính sách của Nhà nước và đã được UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt, đảm bảo công bằng, đúng chính sách, chế độ và quyền lợi hợp pháp của các hộ dân.
Theo kế hoạch, từ nay tới tháng 11/2012, quận Hoàn Kiếm sẽ cùng các ngành, chính quyền hai phường Hàng Bài, Phan Chu Trinh tiếp tục vận động, thuyết phục và đối thoại trực tiếp với các hộ dân để họ tự giác thực hiện quyết định phê duyệt bồi thường giải phóng mặt bằng của quận. Nếu các hộ dân không chấp thuận, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ thực hiện biện pháp hành chính để thu hồi đất thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật