Du học sinh ăn Tết xa quê: Ấm cúng, giữ phong tục truyền thống
Đây đã là cái Tết thứ 4 xa nhà của Oanh. Cô bạn trẻ đang theo học ngành Luật tại Astrakhan', Nga. Những ngày này tại Nga vẫn là mùa đông, nhiệt độ dao động từ 1-3oC, có lúc nhiệt độ còn xuống âm độ. Cái lạnh càng làm những sinh viên không về quê ăn Tết được như Oanh thêm nao lòng, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em, nhớ cái không khí nhộn nhịp sắm Tết, nhớ cả tiết trời ngày xuân lất phất mưa bay. Khi những tờ lịch được gỡ xuống, trôi dần về những ngày cuối cùng của năm âm lịch thì cảm giác ấy lại trào lên.
Đã hơn một tuần nay, các sinh viên ở Astrakhan' đã bắt đầu liên lạc với nhau để tổ chức bữa cơm tất niên. Chương trình chủ yếu là đi chợ mua sắm, gói bánh chưng, bó giò, trang trí nhà cửa. Dọn dẹp trang hoàng nhà cửa do các bạn nam đảm nhiệm. Những bức tranh hoa đào, những dòng chữ “Happy New Year” cắt bằng giấy tạo không khí xuân thay cho việc không có quất, đào, mai.
Năm nào Oanh và mấy bạn gái cũng được giao khâu gói bánh chưng, bó giò. Đơn giản vì chị em khéo tay hơn mà khi ở Việt Nam Oanh cũng được mẹ tập cho nữ công gia chánh từ nhỏ. Ở nơi Oanh sống, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng không khó kiếm, có thể mua ở siêu thị, cửa hàng bán đồ châu Á. Khó nhất là lá dong và lạt buộc. Có năm không mua được lá dong thì đành thay bằng lá chuối. Lạt buộc cũng không có phải dùng dây đay để buộc. Mà mua được những thứ này, các bạn phải dậy từ 3h sáng đi mua ở một khu chợ bán sỉ cách nhà cả tiếng chạy xe.
Du học sinh với bánh chưng ngày Tết. |
Bánh gói xong, giò bó xong đến công đoạn luộc. Dĩ nhiên không có bếp củi như ở Việt Nam, tất cả dùng bằng bếp ga nhưng quây quần bên nhau, trông nồi bánh, cùng nhau xem kênh VTV4 hay chơi bài, trang trí nhà cửa cũng đủ làm ấm lòng những người tha lương.
Chỉ cách Hà Nội vài giờ bay nhưng không phải sinh viên Việt Nam nào đang học tập tại Singapore cũng có thể thu xếp về nhà ăn một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Tuy nhiên, những sinh viên này cũng được phần nào an ủi nhờ không khí Tết người Hoa ở Đảo quốc Sư Tử, trùng với lịch ăn Tết của người Việt ta.
Thu Hằng, một sinh viên đang theo học tại Trường Cao đẳng Nanyang Junior, Singapore chia sẻ, không khí chuẩn bị Tết đến từ rất sớm. Các bạn ở đây không hề cảm thấy lạc lõng. Họ chuẩn bị cho mình một cái Tết đầy đủ, ấm cúng. Ai cũng dọn dẹp, trang hoàng phòng ở, mua hoa, có bạn còn mua cả câu đối về treo cho có không khí. Ở đây các bạn cũng mua được hoa đào, nhưng chỉ mua theo nhánh bởi người ta không bán cả cành, cả cây như Việt Nam.
Ẩm thực Singapore cũng có những nét gần gũi với ẩm thực Việt Nam. Năm nào bữa cơm tất niên của các bạn cũng rất ấm cúng với đủ bánh chưng, xôi, giò chả, nem, thịt đông, gà, nộm... Nhiều món trong đó như bánh chưng, giò là do gia đình ở Việt Nam gửi sang.
Cũng tranh thủ dịp này các bạn cùng nhau đi đến các khu vui chơi, các trung tâm thương mại như Vườn Trung Quốc (Chinese Garden), HawPar Villa, khu phố Tàu, xem múa lân trên đường Orchard... đâu đâu cũng mang màu sắc lễ hội. Với ai có thói quen đi chùa đầu năm cầu may có thể tìm đến chùa Phật Nha, The Buddha Tooth, Phor Kark See...
Tết Việt Nam rất ấm cúng và mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, không chỉ ở những món ăn trong mâm cỗ ngày Tết mà còn ở những phong tục thăm hỏi, mừng tuổi, thể hiện tình cảm gia đình, tình cảm láng giềng, quê hương bền chặt. Dù không đủ điều kiện để quây quần sum họp bên gia đình ngày Tết nhưng những du học sinh Việt Nam học tập tại nhiều quốc gia trên thế giới không quên chuẩn bị cho mình một cái Tết có nghĩa. trong lòng họ luôn mang một nỗi nhớ quê da diết, một mong ước đoàn viên trong những ngày này