Đổi mới thi tốt nghiệp môn Ngữ văn:

Đừng biến học sinh thành... chuột bạch

14:14 20/04/2014
“Trong số 45 học sinh lớp 12 của trường vừa được tổ chức cho làm bài thi thử môn Văn theo cách ra đề mới như chủ trương của Bộ GD&ĐT, kết quả chấm thử cho thấy đa số chỉ đạt điểm trung bình, vài bài đạt điểm khá. Trong đó đa số các học sinh (HS) không làm hết nội dung với thời lượng 120 phút”, thầy Đỗ Văn Trị, Tổ trưởng tổ bộ môn Ngữ văn Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết. 

Việc thực hiện đổi mới thi cử năm 2014 trước hết là với môn văn đang khiến HS, phụ huynh và cả các thầy cô chuyên môn tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, dường như Bộ GD-ĐT đang tìm cách đánh đố HS hay nói khác hơn là HS năm nay được đưa vào như một cuộc thử nghiệm mà theo đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thi tốt nghiệp, thiệt thòi cho HS.

Chiều 17/4 tại cơ sở chính của Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (tại 136, đường  Cộng Hòa, phường 4, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), thầy trò lớp 12 của trường đang tập trung cho giờ luyện bài tập môn văn. Theo thầy Đỗ Văn Trị, quyết định của Bộ GD&ĐT về việc sẽ áp dụng cách ra đề mới cũng như cách chấm thi, đánh giá mới đối với môn ngữ văn tốt nghiệp khiến gần 2 tuần nay, các lớp 12 đều phải tăng tiết cho việc luyện bài tập làm văn. Trong đó khó nhất là trọng tâm ôn tập không xác định được vì cho tới hiện tại Bộ chưa có hướng dẫn cụ thể.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến trong giờ luyện bài tập làm văn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp 2014.

Theo thầy Trị, về chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT trong thi cử, giới giáo viên không phản đối, nhưng cách thực hiện cho thấy thiếu khoa học và quá cập rập! Bởi, nếu coi SGK, cách dạy môn văn theo hướng cũ là “phương tiện” cho HS, còn cách ra đề thi, cách chấm thi (theo hướng mở) được gọi là cách đánh giá năng lực của HS thì cách thực hiện như Bộ đưa ra hiện nay khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là thi tốt nghiệp là thiếu sự phù hợp. Nhất là nội dung ra trong phần đọc-hiểu của đề văn năm nay không nằm trong chương trình SGK khiến thầy trò chúng tôi dường như đang phải học ôn môn Văn kiểu “mò mẫm”. Cố gắng nắm bắt được cách ra đề văn năm nay của Bộ nhưng mọi sự cũng chỉ là “dự đoán”.

Vốn là một trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp luôn đạt 100% vài năm nay, đầu vào của HS trường Nguyễn Khuyến đa số phải có kết quả học tập các môn chính từ khá trở lên. Tuy nhiên qua nhận xét về số HS được làm bài thi thử môn văn theo cách ra đề mới gồm: 1 phần đọc hiểu, và 1 phần viết, ghi nhận của giáo viên cho biết, riêng phần đọc văn bản với  giáo viên mà cũng đã phải mất 9 phút. Chưa kể phải suy nghĩ, hiểu và tóm tắt ghi lại. 2 phần sau là viết, trình bày cảm tưởng, một bài viết nghị luận về một đoạn thơ, văn mới… HS thành phố đã khó khăn như vậy, thì HS vùng sâu, vùng xa, sẽ đáp ứng ra sao với môn văn tốt nghiệp năm nay? khó có điểm cao với môn thi này trong kỳ thi năm nay là ý kiến thầy Trị.

“Do chưa định hướng được cho HS ôn tập, vì vậy chúng tôi chỉ còn cách cho các em rèn làm bài tập làm văn nhiều. Luyện kỹ năng làm bài. Kỹ năng sử dụng phân bổ thời gian khi làm một đề thi văn hướng mới mà chúng tôi đã được thông qua tại những buổi tập huấn sau cuộc họp của Bộ GD&ĐT tại Hà Nội”, thầy Trị nói thêm.

Một giáo viên dạy văn của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: Giờ đã là tháng 4, đầu tháng 6 thi tốt nghiệp, trong khi cả thầy và trò vẫn vẫn chưa kịp hình dung ra “mô hình” của cách ra đề mới, hướng dẫn chuẩn cho cách chấm đề thi môn văn còn đang nằm ở đâu đó… còn HS bị “ném” thẳng vào một cuộc thử nghiệm, tập dượt và áp lực gia tăng vì không biết học thế nào, ôn ra sao? Thay đổi nhưng cách học, cách dạy, cách chấm thi như nào thì chẳng hề có hướng dẫn. Chẳng khác nào Bộ GD&ĐT đang đánh đố cả thầy và trò!

Chúng tôi cũng đưa vấn đề trên trình bày với PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ông cho rằng, văn là người. Một bài văn thể hiện sự cảm nhận, suy nghĩ của chính HS đó về một vấn đề văn học, một hiện tượng XH. Học văn phải cần có thời gian là vậy. Vậy thay đổi thì phải có lộ trình. Thiếu sự minh bạch, rõ ràng nên không thể tránh khỏi sự ngỡ ngàng, lo lắng của phụ huynh, nhà giáo và HS. Đã “cận” ngày quá, mà cách ra đề không nằm trong nội dung của SGK, nội dung mở, nhưng cách chấm có mở hay không, có cần chấm đóng hay không hay chỉ theo cách nghĩ chủ quan của từng người chấm? Phần thi viết, HS phải viết một vấn đề nghị luận văn học phải có cảm thụ văn chương thực sự mới mong nhận được điểm tốt. Vậy thầy cô gợi ý học kiểu gì? Vì không có trọng tâm nữa. 

Một sự đáp ứng với tình hình mới một cách đột ngột, chuyển từ cách học đề văn mẫu, làm thui chột tính sáng tạo của học sinh, sang sự sáng tạo thực sự của HS. Bộ chủ trương là đúng hướng nhưng lâu nay giáo viên văn chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm là cùng chia sẻ với HS trong từng bài giảng trên lớp mà dạy văn mẫu. HS trả bài thi tạo thành tích cho nhà trường, cho GV mà thôi. Vậy thay đổi đột ngột quá phải có cách làm phù hợp. Theo tôi, Bộ cứ ra đề văn, như chủ trương. Nhưng hãy coi đây như là một cuộc thử nghiệm, một cuộc “thăm dò”. Từ đó sau khi có kết quả thi tốt nghiệp môn văn mà có nhận định về tình hình giảng dạy, học tập môn văn trong phổ thông hiện nay ra sao, từ đó định hướng cho lộ trình thay đổi nội dung giảng dạy môn văn, bồi dưỡng cho giáo viên trong trường phổ thông cho môn văn.

Cũng theo PGS-TS Lê Ninh: đổi mới trong thi và đánh giá môn văn lần này cũng là để trả lời được câu hỏi, vì sao HS Việt Nam chúng ta sợ học văn? Sợ môn văn cũng có nghĩa HS ta “sợ” chính tiếng mẹ đẻ của mình! Đó là do lỗi của giáo viên dạy môn văn chưa làm tròn nhiệm vụ. Bộ cứ cho thi theo hướng mới nhưng căn cứ vào đó mà đánh giá tâm hồn HS ra sao, cách dạy văn “hổng” chỗ nào? Nhưng vấn đề vô cùng quan trọng của việc “đột phá” lần này là: đã là thử nghiệm thì phải có chủ trương “dự phòng” phù hợp, đáp ứng quyền lợi của người học, cần thiết phải tổ chức thi lại môn văn để lấy kết quả chính xác đánh giá năng lực HS. Nếu không, quyền lợi của người học đã bị Bộ bỏ qua.

Và khi ấy, việc lo ngại của giới chuyên môn trong các trường phổ thông sẽ trở thành hiện thực, đó là sẽ có một kết quả thi tốt nghiệp 2014 “không mấy tốt đẹp”!. Vì kết quả tốt nghiệp của mỗi HS được đánh giá bằng kỳ thi “thử nghiệm” là không công bằng, thiệt thòi cho HS

Huyền Nga

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文