Dùng tiền hưu dựng tượng và xây nhà thờ Bác Hồ

10:57 13/02/2010
Nói về chuyện xây dựng tượng đài và nhà thờ Bác Hồ tại nhà, ông Tử Vi Dân tâm sự: "Mình là lính cụ Hồ, tại sao mình không dựng tượng đài Bác nơi đây để tỏ lòng tôn kính cũng như để giáo dục cháu con học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh?

Nghe vợ chồng cựu chiến binh Thiếu tá Tử Vi Dân (nguyên Trưởng Ban tuyên huấn Cục Hậu cần QKV) và Huỳnh Thị Thuyền (chiến sĩ quân Y thời chống Mỹ) bỏ ra hơn 100 triệu đồng để dựng tượng đài và xây nhà thờ Bác Hồ ngay tại vườn nhà tại thị trấn miền núi Bắc Trà My đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi một lẽ, giữa cái thị trấn miền núi ấy, 100 triệu đồng là cả một tải sản khổng lồ, vậy mà vợ chồng cựu binh Tử Vi Dân ấy mang đi dựng tượng đài và xây nhà thờ Bác Hồ mà theo ông, "làm vì tình thương mến với Bác Hồ".

Người lính già Tử Vi Dân bên tượng đài Bác do chính mình dựng.

Người lính già…

Đến Thị trấn Bắc Trà My, vào một quán cà phê, tôi hỏi chị chủ quán đường đến nhà ông Vũ Như Thông, tức Tử Vi Dân, người xây tượng đài Bác Hồ, theo giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.

Ông đang đứng ngắm và dọn dẹp lại một số thứ quanh ngôi nhà ba gian bốn mái còn thơm mùi vôi vữa, dưới chân tượng Bác Hồ. Mảnh vườn rộng chừng gần 1.000 mét vuông, phía trước trồng nhiều hoa và cây cảnh. Bên cạnh ngôi nhà cấp bốn kiểu miền Trung cũ kỹ là một tượng đài Bác Hồ đang vẫy tay chào bằng đá trắng Non Nước rất đẹp, được đặt trên một đài xây bằng đá xanh cao quá đầu người.

Phía sau lưng tượng đài Bác là cái nhà bốn mái, phía trước là đôi sư tử bằng đá Non Nước. Thấy người lạ, ông phủi tay chào khách. Ông mặc bộ đồ lính đã ngả màu, nét mặt quắc thước, nhanh nhẹn như người lính không ai nghĩ ông đang ở cái tuổi "xưa nay hiếm" - cái tuổi 75.

Trong các tuần trà hầu chuyện, ông giải thích vì sao lại có tên Tử Vi Dân. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Điện Nam (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) anh hùng. Cái tên đầu tiên của ông là Võ Như Thông, do cha mẹ đặt. Đến năm 1955, ông tập kết ra Bắc, để đảm bảo bí mật, ông đổi thành tên Vũ Như Tống.

Đến năm 1964, ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Để đảm bảo bí mật, một lần nữa ông đổi tên. Đang khí thế hừng hực vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương, ông đặt tên mình là Tử Vi Dân, mà theo lời giải thích của ông là "sẵn sàng chết vì nhân dân".

…Và tượng đài Bác Hồ trong vườn nhà

Hòa bình lập lại, vợ chồng người lính Tử Vi Dân chọn mảnh đất Bắc Trà My - căn cứ Khu V xưa - nơi ông có một thời gian dài chiến đấu để định cư. Dù trong chiến tranh mưa bom bão đạn hay thời bình đè nặng bởi áo cơm vợ chồng người lính già vẫn giữ cho mình tư thế của người lính cụ Hồ và mơ ước một ngày "mời Bác về quê".

Hai chục năm trước, vợ chồng ông đã đặt ảnh Bác lên bàn thờ gia tiên, và cứ đến ngày 2 tháng 9 hàng năm, vợ chồng ông cùng con cháu làm giỗ Bác như giỗ ông bà, cha mẹ. "Bác muốn hai miền Nam - Bắc thống nhất, nhưng khi đất nước thống nhất thì bác đi xa, không nhìn thấy được niềm vui thống nhất. Chính vì thế, tôi ước nguyện là một ngày mời Bác về thăm quê miền Nam" - ông kể.

Rồi đến cuối năm 2008, sau khi tích cóp được một khoản tiền kha khá, ông bàn bạc với vợ dựng tượng đài Bác ngay trong vườn nhà. Ông bỏ ra 50 triệu đồng để ra tận làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tạc tượng Bác cao 1,6 mét "thỉnh" về Bắc Trà My. Ông dùng đá xanh - một loại đá đặc trưng của Bắc Trà My - xây dựng đài cao 1,7 mét để an vị tượng. Nghe ông đặt tượng Bác Hồ trong vườn nhà, người ủng hộ ông rất nhiều và ông thực hiện ước nguyện của mình "mời" Bác về thăm quê Bắc Trà My.

Không những thế, ông tiếp tục bỏ ra hơn 50 triệu đồng để xây dựng một căn nhà 3 gian bốn mái để thờ Bác, để trưng bày những hình ảnh, sách báo về Bác Hồ. Khi đi bất cứ nơi đâu, ông cũng sưu tầm hình ảnh, sách báo và những câu chuyện kể về Bác để trưng bày trong nhà thờ Bác sau này. Thậm chí, ông sưu tầm cả những bức Thư pháp viết những bài thơ của Hồ Chí Minh rồi về đóng khung treo. 

Nói về chuyện xây dựng tượng đài và nhà thờ Bác Hồ tại nhà, ông tâm sự: Trong kháng chiến thì theo lời Bác chiến đấu thà chết chứ không làm nô lệ; trong thời bình, mình cũng theo lời Bác xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

"Mình là lính cụ Hồ, tại sao mình không dựng tượng đài Bác nơi đây để tỏ lòng tôn kính cũng như để giáo dục cháu con học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh? Một mai tui chết đi, gia tài của tui để lại cho con cháu là tượng đài Bác, là những hình ảnh, sách báo nói về Người" - ông Tử Vi Dân tâm sự

Đông Nghi

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文