Đường dây 500kV và bài toán giải tỏa công suất cho các nhà máy điện sạch

08:27 15/12/2019
Đến nay, cả nước đã có 90 nhà máy điện gió và điện mặt trời, tổng công suất lắp đặt là 5.543MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, chỉ riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt 2.027MW. Chưa dừng lại ở con số trên, đến cuối năm 2020, công suất điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ còn tăng lên gấp đối, đạt 4.240MW.


Đây là con số rất ý nghĩa đối với ngành điện trước thực trạng phải đối mặt với chuyện thiếu điện hàng năm vào mùa khô, phải tăng cường huy động nguồn điện dầu và một số nguồn khác với giá thành cao. Với công suất này, lượng điện cần truyền tải từ 2 tỉnh trên cũng rất lớn.

Cụ thể, với Ninh Thuận công suất cần truyền tải từ 1.000 đến 2.000MW, còn với Bình Thuận con số này lên đến 5.700 đến 6.800MW nếu tính cả các nguồn điện khác. Công suất phát trên đã kéo theo nhiều hệ thống đường dây, trạm biến áp ở khu vực này rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Hạ tầng truyền tải cho các dự án điện sạch tại Ninh Thuận bị quá tải nghiêm trọng.

Thực hiện mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đến hết 2020 phần hạ tầng đấu nối với công suất thiết kế 2.000MW cũng phải được hoàn thành và đưa vào vận hành. Để bù đắp cho phần công suất phát thiếu hụt giờ thấp điểm của các dự án điện mặt trời ở khu vực này, một nhà máy thủy điện công suất lớn cũng đã được quy hoạch xây dựng.

Nhưng khi xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất vài tháng, còn để đầu tư một công trình lưới truyền tải phải mất ít nhất vài năm nên sau 2 năm phát triển, các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận đã có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chính là do quá tải về hệ thống lưới truyền dẫn, đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (A0) đã buộc phải cắt giảm công suất phát của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm. Trung bình trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, công suất phát bị cắt giảm ở mức 30-35%.

Hiện tượng quá tải đường truyền tải khi các dự án đồng loạt nối lưới cũng đã được ngành điện cảnh báo từ cuối năm 2018 khi các dự án điện gió, điện mặt trời cùng tập trung ở một số khu vực phát triển “nóng” trong khi lưới điện chưa phát triển tương ứng.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0 cho biết, dù không muốn nhưng A0 buộc phải giảm tải của tất cả các nhà máy để đảm bảo an toàn lưới điện theo yêu cầu kỹ thuật. Theo ông Cường, thời gian tới, các nhà máy điện sạch sẽ phải tiếp tục giảm công suất phát và việc này kéo dài hay ngắn phụ thuộc vào tiến độ cải tạo, nâng cấp và bổ sung các công trình truyền tải mới.

Nhằm tháo gỡ thực trạng trên, theo đại diện Sở Công thương Ninh Thuận và Bình Thuận, các tỉnh này đã kiến nghị với Bộ Công thương xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư, xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp các đường dây truyền tải và trạm biến áp 500kV, 220kV, 110kV trước năm 2020 để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Trong khi đó, theo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) nếu toàn bộ các dự án đường dây đang đầu tư được đưa vào vận hành đúng kế hoạch, thì đến tháng 6-2020 cũng chỉ giải tỏa được công suất cho các nhà máy ở khu vực Ninh Thuận đã đưa vào vận hành thương mại trước tháng 6 năm nay. Như vậy, các nhà máy mới triển khai sau ngày 30-6 sẽ vẫn còn phải tiếp tục chờ hạ tầng đấu nối.

Khi các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư theo Quyết định 115 của Chính phủ phải đối mặt với thực trạng không đủ đường truyền tải để tải công suất hiện có và 2.000MW năng lượng tái tạo trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tìm mọi giải pháp tháo gỡ.

Tỉnh Ninh Thuận đã mời gọi đầu tư dự án trạm và đường dây 500kV. Cụ thể, dự án trạm biến áp và đường dây 500kV sẽ tải công suất cho cụm các nhà máy điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận; tải công suất cho tuyến dây 110kV khu vực Ninh Thuận nối lên lưới 220kV; đường dây 220kV Tháp Chàm - Vĩnh Tân, thậm chí là cả đường dây 500kV Vân Phong đi Vĩnh Tân. Ngoài ra, dự án đường dây 500kV này còn truyền tải 4.000 MW điện từ các dự án khác. Việc đầu tư và xây dựng trạm đường dây 500kV sẽ mang đến lợi ích cho nhiều bên, trong đó có UBND tỉnh Ninh Thuận.

Bởi giải tỏa hết công suất trước năm 2020 sẽ giúp Ninh Thuận đảm bảo cam kết với các nhà đầu tư, tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Ngoài ra, mục tiêu của Ninh Thuận là dự án trạm và đường dây 500KV này sẽ giúp giải tỏa công suất lên đến 6.000MW thời gian tới. Với EVN, lợi ích mang đến cho tập đoàn này là sẽ không phải giảm phát công suất các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận...

Vướng mắc hiện nay khiến dự án trạm và đường truyền tải 500kV chưa thể triển khai là theo quy định của Luật Điện lực, “truyền tải là độc quyền Nhà nước”. Tuy vậy, Luật Điện lực không nêu rõ khâu nào trong các khâu đầu tư, vận hành, quản lý của lĩnh vực truyền tải thuộc “độc quyền Nhà nước”.

Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, doanh nghiệp đầu tư xong sẽ bàn giao toàn bộ cho EVN vận hành, quản lý với giá 0 đồng. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho rằng phương án này là “chấp nhận được”.

Vì hiện tại EVN NPT đang thu phí ở mức 100 đồng/kWh truyền tải trên lưới điện quốc gia. Mặt khác, về nguyên tắc EVN phải đảm bảo điểm đấu nối cho các nhà máy điện độc lập, nhưng do EVN chưa thể đầu tư giải toả hết công suất 2.000 MW này cũng như các tuyến dây 220, 110kV hiện hữu. Nếu có sẵn điểm đấu nối và giải toả hết công suất, các nhà đầu tư dự án sẽ đấu nối bằng chính dường dây 110, 220 kV của EVN mà không cần đến trạm 500kV.

Bảo Sơn

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文