EVN không dám khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 tuyệt đối an toàn

11:00 13/09/2012
Ông Lương Thế Biểu - Phó Trưởng BQL Xây dựng thuộc EVN nói: “Không thể khẳng định đập Sông Tranh 2 tuyệt đối an toàn trước mọi tình huống. Nhưng có thể khẳng định đến nay, đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn”(?!).

Chiều 12/9, tại cuộc họp với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam và đại diện Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu - Bộ KH&CN, đã báo cáo bước đầu kết quả khảo sát động đất tại huyện Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 và các khu vực lân cận.

Theo đó, từ ngày 3/9 đến 7/9, các trạm quan trắc động đất tại Huế, Bình Định và các máy gia tốc của Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 đặt tại khu vực đập đã ghi nhận được 15 trận động đất xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2.

Tiến sỹ Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu khẳng định, động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 chưa có dấu hiệu suy giảm về độ lớn cũng như về tần suất và là động đất kích thích.

Chiều 12/9, công nhân vẫn thi công hoàn thiện phần thẩm mỹ bên ngoài đập thủy điện Sông Tranh 2.

Kết hợp tài liệu khảo sát của Viện Vật lý Địa cầu với việc chống thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2 thực hiện trong thời gian vừa qua, ông Lương Thế Biểu - Phó Trưởng BQL Xây dựng  thuộc EVN cho rằng, động đất ở khu vực Bắc Trà My không ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của thuỷ điện Sông Tranh 2.

Theo ông Biểu, đập thủy điện Sông Tranh 2 vừa được Colandco, đơn vị tư vấn độc lập của Thụy Sỹ kiểm định và khẳng định đập an toàn, việc chống thấm đảm bảo chất lượng. Đại diện EVN cho biết, Bộ Công Thương đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho Sông Tranh 2 tích nước để phát điện…

Trước băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức là địa phương nằm dưới hạ lưu, lo ngại về chất lượng đập Sông Tranh 2 sẽ có những nguy cơ khôn lường nếu động đất khiến thân đập bị vỡ ở thời điểm tích nước mức cao, ông Biểu phát ngôn rằng, lãnh đạo và người dân tỉnh Quảng Nam phải tin vào khoa học công nghệ, tin vào kinh nghiệm mấy chục năm làm thuỷ điện của mình.

Ông Biểu “phê bình” rằng, lãnh đạo huyện không tin thì làm sao dân tin(?!). Tuy nhiên, ý kiến này đã bị ông Trần Xuân Thọ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam phản bác: “Tin vào khoa học, chúng tôi phải tin, rất tin, người dân cũng tin. Nhưng đối với nhân dân, trăm nghe không bằng một thấy. Cái đập quy mô như thế mà thấm nước ào ào làm sao dân tin? Chất lượng như thế có kém hay không kém? Rồi còn che giấu, cấm cửa báo chí, ngay cả Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng không cho vào thân đập thì bảo làm sao tin. Rồi động đất tần suất ngày càng dày, cường độ càng mạnh mà không nghiên cứu, giải thích thoả đáng thì làm sao dân tin. Ngay cả tôi cũng không tin. Các nhà khoa học ngồi ở đây và đại diện EVN có khẳng định là sau khi tích nước, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 an toàn 100% không?”.

Trước câu hỏi này, ông Biểu trả lời: “Không thể khẳng định đập Sông Tranh 2 tuyệt đối an toàn trước mọi tình huống. Nhưng có thể khẳng định đến nay, đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn”(?!).

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu phải nghiên cứu kỹ và đánh giá thận trọng về nguy cơ xảy ra nếu tích nước thuỷ điện Sông Tranh 2. Đồng thời kiến nghị lãnh đạo TW, hết sức tỉnh táo khi quyết định cho tích nước. “Vì sự an nguy tính mạng người dân đặt lên hàng đầu thì việc tích nước thuỷ điện Sông Tranh 2 không được vội vàng. Nếu xảy ra động đất kèm vỡ đập thì hậu quả khôn lường, không thể sửa sai…”, ông Hải bày tỏ

Thân Lai

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文