Gian nan những cặp vợ chồng hiếm muộn:Miệt mài theo đuổi công nghệ “nuôi cấy tinh tử”

03:40 06/05/2013
Có một thực trạng đáng báo động là gần đây, số lượng cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đang ngày một gia tăng, trong đó, theo như phân tích của PGS.TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi thì điều bất ngờ là nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới đang chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 30 – 50%. Có nhiều nguyên nhân khiến các đức ông chồng “chưa làm tròn phận sự” như ô nhiễm môi trường, công nghiệp hóa, thói quen sinh hoạt, tuổi kết hôn và sinh con muộn.
>> Gian nan những cặp vợ chồng hiếm muộn: Cháy bỏng khát vọng làm cha, làm mẹ

Vô sinh ở nam giới có thể là do tinh trùng (TT) yếu hoặc không có TT. Không có TT nếu như chục năm trước thì coi như đặt dấu chấm hết trong cuộc đời, nhưng điều tuyệt vời đã đến với những ông chồng không may mắn này. Đó là Trung tâm Công nghệ phôi đã bước đầu thành công trong nghiên cứu nuôi cấy tinh tử thành TT để tạo phôi trong ống nghiệm. Hàng chục em bé đã cất tiếng khóc chào đời từ công nghệ “biến không thành có này”.

Và được sự giúp đỡ của PGS.TS Quản Hoàng Lâm, chúng tôi đã được gặp gỡ trò chuyện với những đức ông chồng đang nhẫn nại miệt mài đi tìm điều may rủi. Có thể nói, mỗi số phận là một cuộc đời và những đức lang quân này đã khiến chúng tôi cảm động về sự kiên trì nhẫn nại, về niềm tin chưa bao giờ tắt ngay cả những lúc khốn cùng nhất…

Còn nước còn tát, sẽ thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Trời oi nồng. Căn phòng chờ của “bệnh nhân” nam sặc mùi thuốc gây tê. Tôi nhẹ nhàng ngồi vào một chiếc ghế. Ở những chiếc ghế đối diện, một số người đàn ông đang lặng lẽ ngồi chờ đến lượt để làm xét nghiệm hoặc chờ chọc hút tinh hoàn. Họ ngước nhìn tôi rồi lại cúi xuống, đôi mắt có những vệt buồn xa thẳm. Nhìn dáng họ ngồi nhẫn nại tôi có cảm giác họ như một con lạc đà đi trên sa mạc khô khát.

Mà không thể không nhẫn nại, chữa bệnh bình thường đã cần người bệnh kiên trì huống chi là chữa hiếm muộn để có con. Còn tôi, thật khó nhọc để cất lời, biết chia sẻ gì với họ đây khi những nỗi buồn phiền trong họ theo thời gian đã quá lớn rồi. Theo như lời giới thiệu của các y bác sỹ thì những người đàn ông này đều không có TT, đang chờ để áp dụng công nghệ nuôi cấy tinh tử…

Tôi đang loay hoay vì sự xuất hiện “vô duyên” của mình thì cửa phòng khẽ mở. Một ông chồng lách đi vào. Anh ta vừa được các bác sỹ chọc hút tinh hoàn xong và nghe nói kết quả khá khả quan. Tinh thần phấn chấn của anh như một cứu cánh, làm không khí trong phòng giãn ra. Anh đã trở thành cầu nối tôi với những người đàn ông còn lại.

Anh kể, anh quê ở Nghệ An, vợ chồng anh đều là giáo viên, anh dạy toán, vợ dạy mỹ thuật, gia đình nội ngoại đều là cán bộ công chức chân chất. Cuộc sống như thế có thể coi là hạnh phúc giản dị với cặp vợ chồng trẻ. Nhưng như một quy luật tất yếu, lấy nhau rồi thì phải có con. Vậy mà đã chín năm rồi ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh chỉ có bóng dáng hai vợ chồng lụi cụi.

Anh kể, buồn nhất là những buổi chiều đi làm về, mong có tiếng trẻ thơ trong gia đình líu lo sẽ làm mình giảm căng thẳng, vợ anh muộn phiền vì không có con và miệng tiếng thị phi nên già hơn đến chục tuổi. Vợ chồng buồn thì là một lẽ, nhưng bố mẹ anh và gia đình nhà vợ cũng nặng nề u ám không kém. Do đó, anh rất sợ mỗi khi nhà có việc đông người, tụ tập người ra tiếng vào, người thông cảm cũng nhiều nhưng người tiếng bấc tiếng chì cũng lắm, thành ra chỉ thêm gieo vào lòng anh nỗi buồn vô hạn.

“Đông tây, lá lẩu, thuốc thang, thuốc tễ chúng tôi đã thử cả. Có lần còn vào mãi Tây Nguyên để theo thuốc của một ông lang, nhưng vẫn vậy thôi. Song sốc nhất là cách đây 3 năm, tôi và vợ ra Trung tâm Nam học của Bệnh viện Việt Đức làm xét nghiệm chuyên sâu. Các bác sỹ kết luận tôi không có TT nên không còn hy vọng có con” – Anh chia sẻ.

“Không có con có nghĩa là mình không bình thường, mình đang đi ngược với quy luật tự nhiên, điều này làm vợ chồng anh đau đớn, giằng xé. Đã nhiều lần tôi viết đơn ra tòa đưa cho vợ, để giải phóng cô ấy khỏi sự mất mát thiệt thòi này nhưng cô ấy không chịu. Cô ấy bảo tôi còn nước còn tát. Mà cũng lạ, chỉ sau đó ít ngày, tôi được một người bà con mách ở Trung tâm Công nghệ phôi có công nghệ nuôi cấy tinh tử thành TT. Bao của nả chúng tôi dồn cả vào để đến đây”.

Trời không phụ người kiên trì. Sau gần một năm uống thuốc “kích thích” sinh tinh theo phác đồ của bác sỹ, hôm nay anh là người đầu tiên được chọc hút và cho kết quả rất tốt. Nếu cứ tiến độ này, các bác sỹ sẽ sớm làm thụ tinh ống nghiệm cho vợ chồng anh.

Chuẩn bị cho một ca nuôi cấy tinh tử tại Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y.

Anh chồng giáo viên này không phải là con trưởng nên sức ép có con có lẽ không quyết liệt bằng trường hợp anh T.T.H. quê ở Thái Nguyên. Anh H. làm nghề cơ khí ở một khu công nghiệp của Thái Nguyên. Anh bảo tôi, môi trường độc hại nơi anh làm việc cũng là một yếu tố khiến anh không có TT, nhưng anh hiểu sâu xa có thể là do di chứng từ đời bố anh để lại cho anh. Bố anh là bộ đội từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bàn chân ông đã đặt chân đến cả những nơi mà chất độc dioxin của Mỹ rải nhiều nhất…

Anh lấy vợ cũng được tám năm. Vợ anh làm thợ may, ngoan hiền và chiều chồng. Nhưng vì hiếm muộn nên cuộc sống từ màu hồng nhuốm màu bi kịch. Mẹ anh vẫn nặng tư tưởng phong kiến cứ đổ vấy do con dâu. Nhiều lần bà còn ép anh H. bỏ vợ. Đích thân bà còn đi tìm kiếm con dâu mới mang về. Những lúc đó, vợ H. chỉ biết khóc và khóc. Tám năm nước mắt của người vợ trẻ đó cũng đã cạn rồi. Ngay cả khi anh H. đi xét nghiệm cho kết quả “zero TT” thì mẹ anh vẫn không chấp nhận kết quả đó.

Nhưng một ngày nên nghĩa. Anh H bảo tôi, đúng là ông trời không bao giờ lấy hết của ai điều gì, đã cho anh người vợ chung thủy, một mực không bao giờ ly hôn và cũng không muốn xin con nuôi. “Ánh sáng cuối đường hầm” đã mở ra khi anh biết đến Trung tâm Công nghệ phôi. Nhưng anh theo công nghệ nuôi cấy tinh tử này đã ba năm rồi, vì không phải cứ làm là thành công. Lần này do anh tuân thủ phác đồ điều trị khá nghiêm túc nên kết quả cũng khá ổn. Nói đến đây tôi thấy đôi mắt anh như rực sáng, chứa chan niềm hy vọng dường như chưa bao giờ tắt ở anh thợ cơ khí này…

Kỹ thuật khó mà giàu tính nhân văn

Đã có những bệnh nhân nam theo đuổi khát vọng có con 15 năm trời, như trường hợp của anh N.P.L. ở Vụ Bản, Nam Định. Anh L. giơ cánh tay đã tím đen vì vết tiêm thuốc lên cho tôi xem. Anh bảo, có lần đi chữa bệnh, anh phải tiêm thuốc ròng rã năm trời, không ngày nào được bỏ, tiêm nhiều tay cứ nát nhẽo, mà kết quả chưa thấy đâu. Nhưng anh chưa bao giờ nguội ý chí.

Anh bảo tôi, ý chí của mình cũng là một liều thuốc, nghe rất lý thuyết suông nhưng thực chất đúng như vậy. Khi theo đuổi công nghệ nuôi cấy tinh tử ở đây, anh càng thấm thía điều đó, vì hai lần trước, dù đã tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc nhưng anh vẫn “zero”, lần thứ ba anh quyết tâm và vẫn nuôi hy vọng. Bác sỹ bảo anh rằng, kết quả chọc hút cho thấy anh đã có thể làm cha – điều mà chính bác sỹ cũng không nghĩ là sự thật…

Theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm, kỹ thuật nuôi cấy tinh tử thành TT đã có ở trên thế giới từ năm 2001, do nhà khoa học người Thổ Nhĩ Kỳ phát minh sáng tạo. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có hơn chục nước áp dụng kỹ thuật này. Vì sao lại như vậy?

Bác sỹ Quản Hoàng Lâm giải thích, kỹ thuật này không phải khó đến mức không thể áp dụng, vì đã nhiều nước ứng dụng rồi. Vấn đề là do quan niệm. Có những nước ở Châu Á, họ quan niệm giống nòi là phải khỏe mạnh, thành đạt, ưu tú, nên với những người đàn ông có TT mà TT yếu hoặc không có TT thì tốt nhất nên vào ngân hàng xin TT khỏe mạnh.

Nhiều nước Châu Âu cũng ủng hộ quan điểm này nên họ không phát triển mạnh kỹ thuật nuôi cấy tinh tử. Tuy nhiên, ở một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam thì vẫn tôn trọng quan niệm “con dòng cháu giống”, con cháu là phải của mình. Do đó, khi ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử, theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm còn đạt được giá trị nhân văn, đó là đứa trẻ sinh ra đúng là con của mình.

Phác đồ điều trị một “ca trắng TT” nôm na là: bệnh nhân sẽ được xét nghiệm tinh dịch, khám nam, siêu âm tinh hoàn, xét nghiệm gen AZF/Y, sau đó uống thuốc theo chỉ định nhằm kích thích quá trình sinh tinh. Quá trình uống thuốc kéo dài 3 – 6 tháng, đòi hỏi các đức lang quân phải kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ.

Vậy kỹ thuật này có rủi ro, khiếm khuyết không? PGS.TS Quản Hoàng Lâm cho hay, những người đàn ông đến đây đều ít nhiều được tuyên truyền rằng, kỹ thuật này có khiếm khuyết như: tỷ lệ bất thường cao gấp đôi, đặc biệt sẽ di truyền mạnh đối với con trai, nhưng họ vẫn chấp nhận vì khát vọng có con là quá mãnh liệt và chính đáng. Và họ còn có một niềm tin rằng, sau này biết đâu y học sẽ có những phát minh mới, sẽ khắc phục được ngay những “biến dị” trên các thế hệ F2, F3 đó.

“Chính sự mạnh mẽ, quyết tâm của bệnh nhân đã thôi thúc chúng tôi phấn đấu làm tốt hơn nữa kỹ thuật này, chăm sóc bệnh nhân tốt nhất, coi như đây là “đặc sản”, là “thương hiệu” của trung tâm. Bạn xem, còn niềm vui nào hơn là đón một em bé khỏe mạnh chào đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của cha mẹ chúng không?” – Bác sỹ Quản Hoàng Lâm tâm sự…

Thu Phương – Trần Hằng

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文