Giáo dục giới tính - con dao hai lưỡi
"Tình yêu chân chính là tình yêu không có tình dục" - chúng tôi và cả thế hệ trước đã được học quan niệm đó trên ghế nhà trường nhiều năm liền. Nhưng theo quan điểm của các nhà khoa học hiện nay, việc giáo dục giới tính cho học sinh như vậy là trốn tránh thực tế, nói dối trẻ con.
Vậy thì phải làm thế nào để chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật mà vẫn đạt được mục đích giáo dục giới tính một cách lành mạnh, hiệu quả và tránh tác dụng ngược. Tuy nhiên, thực trạng về thông tin giáo dục giới tính hiện đang ở cấp báo động khi nó bị lạm dụng và nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi.
Loạn giáo dục giới tính
Chỉ mới tìm hiểu sơ sơ trên mạng Internet, chúng tôi đã có thể liệt kê được trên chục website được gắn mác "giáo dục giới tính" (GDGT). Đó là chưa kể các dịch vụ GDGT qua điện thoại hoặc trung tâm tư vấn trực tiếp vẫn quảng cáo tràn lan.
Khi các bậc phụ huynh và cả các thầy cô giáo đang loay hoay với cách truyền đạt thông tin về giới tính thì có thể coi các dịch vụ này như một "cứu cánh" và để bọn trẻ tuỳ ý tìm kiếm thông tin. Nhưng ngay cả các phụ huynh và giáo viên cũng chưa lường hết được những nguy hại từ chính các địa chỉ khác nhau.
Nơi được coi là các thành viên có thể trao đổi thông tin thoải mái mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ việc xấu hổ hay sợ lộ thông tin chính là những diễn đàn trên mạng.
Họ có thể tâm sự, trao đổi từ những thông tin đơn giản cho đến những bí mật về cơ thể của chính mình hay bí quyết thành công trong "chuyện ấy" và còn hơn nữa. Những dữ liệu đưa ra diễn đàn không được kiểm soát nên rất thoải mái.
Một số website được truy cập khá lớn hiện nay là: Tình yêu giới tính, Sức khoẻ cộng đồng, Y khoa, Giới tính tuổi teen...
Khi chúng tôi đọc các chuyên mục trong website T.K. thì thấy nhiều điều bất ổn. Bởi những câu chuyện (theo giới thiệu) có nguồn gốc từ Trung Quốc của bác sỹ H.Đ.D. không mang tính GDGT mà là câu chuyện nhạy cảm về "của quý", thậm chí khá tục tĩu.
Hầu hết các bài viết nói về giới tính trên mạng hoặc sách báo đều chỉ là một số kinh nghiệm dịch từ tài liệu nước ngoài, có những chi tiết không phù hợp với văn hoá Việt Nam.
Ở nước ta hiện nay, do việc GDGT trong nhà trường và cả gia đình vẫn còn né tránh nên GDGT được phát triển theo kiểu dịch vụ. Thực tế, nhiều địa chỉ GDGT không hướng dẫn cách sống, yêu lành mạnh hay tìm hiểu cơ thể một cách khoa học.
Việc lạm dụng và GDGT không đúng cách khiến những trang web và diễn đàn về giới tính trở nên nguy hiểm cho giới trẻ, nhất là lứa tuổi mới lớn. Để tin cậy hơn, nếu muốn tìm hiểu vấn đề này, hiện người ta thường tìm đến các phòng khám chuyên khoa và bệnh học giới tính, tiện hơn là qua điện thoại giải đáp thắc mắc về giới tính.
Theo quảng cáo, các cơ sở tư vấn sức khoẻ thường tư vấn toàn bộ: "Giới tính, tình dục an toàn và các kỹ năng trong cuộc sống; sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình; tình yêu hôn nhân và hạnh phúc lứa đôi...".
Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người chưa thực sự thỏa mãn vì đôi khi câu trả lời từ phía nhà cung cấp dịch vụ chưa mang tính thuyết phục do không có kiến thức khoa học mà chỉ trả lời theo kinh nghiệm.
Nhu cầu GDGT đang ngày càng lớn do xã hội phát triển. Kiến thức này lẽ ra phải được bổ sung, cập nhật đàng hoàng tại trường học mới đảm bảo lành mạnh và không bị biến tướng do thông tin ngoài luồng. Việc GDGT trong nhà trường hiện mới chỉ dừng lại ở những bài học giáo dục tình yêu, gia đình và ít có thực tế.
Trên một diễn đàn, có học sinh đã bộc lộ quan điểm của mình: "Cần có những cuộc thảo luận chân tình và thẳng thắn giữa các học sinh với giáo viên hoặc những người có khả năng giải đáp. Việc đó sẽ giáo dục học sinh những vấn đề an toàn tình dục theo lối hướng thiện, đồng thời thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, có phần sai lệch ở học sinh".
Cần trao đổi chứ không nhận tin thụ động
Hiện nay, website có chất lượng thông tin đảm bảo, có ích cho lứa tuổi học trò chính là "Giới tính tuổi teen" của Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên (trực thuộc Trung ương Đoàn). Ngoài việc tư vấn qua mạng Internet, trung tâm này còn tư vấn trực tiếp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia.
Những câu hỏi, trả lời và kiến thức đưa lên trang web này đều bổ ích, khoa học, mang tính giáo dục cao. Ví dụ như: "Vai trò của bạn trai trong tìm kiếm dịch vụ sức khoẻ sinh sản?". Câu trả lời cũng thú vị: "Bạn trai cần chủ động và có trách nhiệm tìm đến điểm cung cấp dịch vụ cũng như chăm sóc bạn gái sau khi sử dụng dịch vụ"...
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: Chúng ta luôn tìm cách bưng bít thông tin đối với trẻ em nên trẻ em không tin lời người lớn nói mà tự tìm kiếm thông tin. Việc tự tìm như thế chỉ mang tính may rủi, nếu là thông tin tốt thì có lợi, còn thông tin sai lệch thì ngược lại.
Sách giáo khoa và cách dạy trong nhà trường cũng như gia đình không thực tế và không hiệu quả, có thể nhìn thấy rõ nhất là tình trạng nạo phá thai, những vụ cưỡng bức, hiếp dâm... vẫn liên tục gia tăng.
Việc truyền đạt thông tin theo quan niệm "Tình yêu chân chính là tình yêu không có tình dục" cũng không thực tế.
Chúng ta nhồi nhét cho thế hệ trẻ tuổi rằng tình dục là xấu và nói theo kiểu tiêu cực khiến những nhu cầu bức xúc bị "treo", không được giải tỏa dẫn đến tình trạng thiếu cởi mở và hành động theo sự mách bảo của bản thân hoặc những thông tin thu thập được.
Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đang nỗ lực cho ra đời website GDGT chính thống cung cấp thông tin khoa học, lành mạnh về sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản và đề cập các vấn đề xã hội như nạo phá thai, các bệnh tình dục... Đây còn là một địa chỉ trao đổi chứ không chỉ nhận tin thụ động.
GDGT phải được đặc biệt quan tâm từ nhà trường để tránh bị ảnh hưởng nguy hại từ các diễn đàn, website không rõ nguồn gốc hay GDGT không đúng cách. Các nhà quản lý văn hoá cũng như giáo dục cần kịp thời nắn chỉnh những website mang tên GDGT để loại bỏ thông tin không cần thiết, "vẽ đường cho hươu chạy" sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tương lai của thế hệ trẻ