Giúp dân ổn định cuộc sống sau bão lũ
Dấu tích của trận lũ kinh hoàng vẫn còn hiện rõ. Đường dây điện trung thế vượt sông từ Đại Lãnh qua Đại Hưng cao hơn 5m nhuốm màu bùn non và đung đưa rơm rạ. Con đường nhựa đi qua hai xã nhiều đoạn bị cuốn trôi, nhiều đoạn vẫn còn lầy lội. Mấy chiếc xe gạt đang hối hả hất bùn lầy sang hai bên lề, vun thành từng đống.
Phóng viên Báo CAND trao quà của Công ty 559 cho người dân xã Đại Hưng. Ảnh: Thân Lai. |
Chị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã không thể quên nỗi khiếp sợ trước con lũ dữ. Chưa bao giờ người dân Đại Lộc phải trải qua trận lũ kinh khủng như thế. Nhiều nơi, lũ cao hơn 1,5m so với mực nước năm 1964. Tất cả các nhà dân ở Đại Hưng đều bị ngập nước, trong đó có gần 1.300 nóc nhà bị ngập sâu. 14 ngôi nhà sập hoàn toàn, cả trăm nhà bị xiêu vẹo, tốc mái.
Một số hộ dân cho biết nhiều ngày qua chỉ ăn mì tôm vì lúa bị trôi hết. Mà còn lúa cũng không thể xát gạo vì đến nay hệ thống điện vẫn bị tê liệt. Cầm trong tay món quà nhỏ do phóng viên Báo CAND và đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 559 trao, chị Hà - một người dân trong thôn vui mừng nói: "Mấy đứa con cứ kêu thèm cơm quá, giờ thì có gạo nấu cơm cho con rồi".
Người dân xã Đại Lãnh nằm kế bên Đại Hưng cũng khó khăn không kém do lũ dữ vây cắt. Nhà cửa hư hỏng, thóc lúa, gia súc, gia cầm bị trôi hết, cuộc sống lâu dài của người dân đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng khó khăn trước mắt đối với các hộ dân là lương thực cạn kiệt.
Ngoài số gạo và mì tôm nhờ UBMT các xã phân phát, dọc đường về xã Đại Lãnh, anh Thân Đức Tiết - Giám đốc Công ty 559 trực tiếp trợ giúp gạo, cho thêm tiền những hộ có nhà bị sập hoặc sống trong các căn nhà xiêu vẹo, tạm bợ dọc đường đi.
Sau khi nước rút và đường thông, nhiều đơn vị, cá nhân khắp mọi miền đất nước đã mang lương thực, chăn màn, tiền của đến hỗ trợ người dân miền Trung vừa hứng chịu bão lụt, trong đó có người dân Đại Lộc. Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, những món quà tình nghĩa của đồng bào cả nước là vô cùng quý giá, góp phần giúp người dân vùng bị thiên tai vượt qua hoạn nạn.
Báo CAND và Công an Kon Tum tiếp tục cứu trợ người dân vùng bão lũ
Ngày 6/10, phóng viên Báo CAND và Công an tỉnh Kon Tum đã về huyện Đăk Glei, Kon Tum chia sẻ khó khăn với bà con nơi đây. Đến hôm qua, các đoàn cứu trợ mới cõng được hàng cứu trợ đến trung tâm các xã giúp dân. Người dân từ làng về xã nhận gạo, thực phẩm phải đi bộ cả ngày trời mới đến nơi được. Hiện tại, để vào các xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong, Xốp (Đăk Glei, Kon Tum) chỉ có cách duy nhất là lội bộ hàng chục km đường núi lở, lầy lội.
PV Báo CAND chia sẻ khó khăn với gia đình cô giáo Y Lan Linh. |
Tính đến chiều 6/10, toàn huyện Đăk Glei, Kon Tum đã có 11 người chết, nhưng mới chỉ tìm được xác 6 người. Báo CAND phối hợp cùng Công an huyện Đăk Glei, Kon Tum trợ giúp 10 gia đình có người bị chết, mỗi gia đình 1 triệu đồng. Đến thăm và chia sẻ nỗi đau của gia đình cô giáo Y Lan Linh (27 tuổi), giáo viên Trường PTCS xã Đăk Choong bị chết hôm 29/9 do sạt lở núi chôn vùi, chúng tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến cảnh hai đứa con thơ của chị mới lên 2 tuổi và 7 tuổi từ nay phải vĩnh viễn mất mẹ. Anh A Lê Mai (chồng cô Y Lan Linh) bày tỏ: "Đến chiều hôm qua mới tìm được xác vợ bị chôn vùi ở tận kênh Đăk Choong, trên đường đi dạy học về".
Đến nay ở Kon Tum vẫn còn nhiều xã bị cô lập ở địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei chỉ đi bộ chứ xe máy cũng không vào được. Đồng bào nơi đây đang rất cần sự chia sẻ của cộng đồng cả nước để sớm khắc phục hậu quả thiên tai.
Cienco5 hỗ trợ hơn 600 triệu đồng giúp đồng bào miền Trung
Ngày 6/10, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy và lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), tổ công tác xã hội - từ thiện do Phó chánh Văn phòng Nguyễn Tiến Dân dẫn đầu, cùng đại diện Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... đã đến với đồng bào huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Đoàn công tác đã xuống địa phương các xã Bình Nguyên, Bình Khương, Bình An trực tiếp thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho từng gia đình, mỗi suất quà trị giá 650 nghìn đồng. Tổng số tiền Cienco5 ủng hộ đồng bào tại huyện Bình Sơn khoảng 230 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tiến Dân trao tiền, quà Cienco5 hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Long Vân. |
Ông Nguyễn Tiến Dân cho biết: Trong 2 ngày 6 và 7/10, các đoàn công tác của Cienco 5 đã chia nhau về những địa phương bị lũ lụt tàn phá của các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng, trao tiền, quà, giúp đỡ đồng bào miền Trung với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Số tiền và hàng hóa được quyên góp từ cán bộ, nhân viên Cienco 5 và các công ty thành viên.
Người dân nơi "cổng trời" (Quảng
Dù không bị thiếu đói do mưa bão chia cắt, nhưng huyện Tây Giang (Quảng
Ngay sau bão số 9, huyện Tây Giang đã kịp thời chỉ đạo các địa phương mở kho thóc phòng chống lũ cấp cho những hộ nghèo. Ông Pơloong Đăn (thôn Achinr, xã Atiêng) không giấu được niềm vui khi nhận 30kg lúa do xã hỗ trợ. Pơloong Đăn nói: "Mấy ngày qua bị tắc đường, gạo trong nhà mình đã hết rồi. May mà có lúa của xã hỗ trợ, gia đình sẽ có cái ăn trong khoảng 20 ngày tới". Còn chị Pơloong Đôi, người vừa được nhận 50kg lúa, cho biết: "Hạt gạo trong lúc mưa gió tắc đường thế này quý lắm. Gia đình tôi sẽ để dành ăn dần, còn phòng mưa bão tiếp tục xảy đến".
Ông Bhling Apú, Chủ tịch UBND xã Atiêng cho biết, xã mở kho thóc ưu tiên cấp gạo cho những gia đình nghèo trước. Bình quân mỗi hộ được nhận từ 30 - 50kg lúa. "Hiện kho lúa dự trữ của xã còn khoảng 4 tấn, xã sẽ cấp hết số lúa này cho dân trong trường hợp thiếu đói xảy ra" - Bhling Apú nói. Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban PCLB huyện Tây Giang Bhling Mia, khẳng định là người dân tại những vùng cô lập ở các xã khu 7 cũng sẽ không bị đói. Bởi trước thời điểm mưa bão xảy ra, huyện đã cấp kinh phí 400 triệu đồng cho các xã mua thóc dự trữ phòng chống lũ.
Trước, trong và sau khi bị bão số 9 ảnh hưởng, hơn 340 em học sinh của Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Tây Giang vẫn đảm bảo chỗ ăn ở an toàn. Thầy Huỳnh Ngọc Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường còn 4 tấn gạo dự trữ nên mùa mưa bão năm nay sẽ đảm bảo cái ăn cho các em học sinh.
Đường về xã Anông (Tây Giang) bị sạt lở nặng. Ảnh: Thy Ngân. |
Theo ông Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Công Thành, các trường trên địa bàn huyện cũng đã chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2009. Bình quân mỗi trường đều dự trữ từ 4 - 5 tấn gạo và các thực phẩm cần thiết.
Trước mắt huyện Tây Giang sẽ tập trung lực lượng thông tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện. Từ ngày 4/10, Công ty Phước Mạnh, Công ty Đại Hồng Phúc, Công ty Tây Giang và Công ty Hồ Minh đã đồng loạt ra quân, đưa hàng chục phương tiện cơ giới san ủi mặt bằng, khai thông những đoạn bị sạt lở. Lo nhất hiện nay là 4 xã khu 7 ở bên kia "cổng trời" Quảng Nam bị cô lập hoàn toàn (cả về thông tin liên lạc) nên đến nay vẫn chưa biết tình hình thiệt hại ra sao.
* Ngoài 4 xã khu 7 bị cô lập hoàn toàn (cả về thông tin liên lạc), các địa phương khác ở Tây Giang có 160 điểm sạt lở nghiêm trọng, với khoảng hơn 300.000m3 đất đá. Tuyến đường từ Adích, xã Bhalêê đi Atiêng bị chia cắt hoàn toàn. Sạt lở và trôi 12 công trình đập dâng, 15 công trình đập chắn nước, hư hỏng 12.000m kênh mương bê tông, gẫy và cuốn trôi gần 10.000m ống dẫn nước các loại… 108ha lúa, 252ha hoa màu các loại bị hư hại; 40ha rừng bị ngã đổ.
Điện thắp sáng đã bị gián đoạn từ chiều 28/9, thông tin liên lạc thì chỉ còn duy nhất mạng Viettel. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay 6 xã vùng thấp của huyện đã có hàng trăm ngôi nhà, trường học bị tốc mái, 12 nhà sụp đổ hoàn toàn.
* Thời điểm bão lũ ập đến, Bríu Bhrưnh, Bí thư Đảng ủy xã Anông, huyện Tây Giang - Quảng Nam, vượt đường rừng trơn trượt và suối sâu để đến các thôn bản đồng bào Cơtu trong xã, vào từng nhà dân để chỉ đạo và giúp dân phòng chống bão. Trong lúc đang làm nhiệm vụ thì ngôi nhà do vợ chồng anh chắt chiu từng hạt lúa, củ sắn xây nên đã bị đổ ập. May mắn là vợ con anh đã kịp chạy ra khỏi nhà. Chị Alăng, vợ của Bríu Bhrưnh, vẫn còn thất thần khi kể lại cảnh tượng kinh hoàng hôm ấy: "Thấy quá trưa mà ổng chưa về nên tôi hé cửa nhìn ra xem thử. Bất ngờ thấy đất đá trên núi lăn xuống nên tôi chỉ kịp kéo mấy đứa nhỏ chạy ra khỏi nhà".