Hà Nội ngoạn mục đi qua năm 2020 đầy biến động

20:21 07/02/2021
Thu ngân sách trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020 ước đạt 280.500 tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán pháp lệnh. Đây là kết quả được đánh giá "lội ngược dòng" trong bối cảnh cả nước và Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19.


Có được kết quả này là nhờ toàn thể hệ thống chính trị của Thủ đô đã cùng nỗ lực với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa phát triển toàn diện, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, xứng đáng với vị thế là Thủ đô của cả nước.

Vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển toàn diện

Vào thời điểm tháng 3/2020, Hà Nội ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4/2020. Hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, năm 2020 là một năm rất khó khăn với Thủ đô cũng như cả nước, bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng Hà Nội vẫn đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với những kết quả quan trọng, toàn diện, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá. Tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2020 ước đạt 3,98%, là mức cao so với các tỉnh, thành phố và gấp 1,5 lần mức chung của cả nước. Đây chính là dấu ấn đặc biệt của Thủ đô trong năm 2020 đầy biến động.

Báo cáo với Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 được tổ chức vào những ngày cuối tháng 12/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh về hiệu quả thực hiện mục tiêu kép. Hà Nội là địa bàn trọng điểm, số lượng người tiếp nhận, sàng lọc và cách ly lớn, nguy cơ lây nhiễm rất cao. TP đã kịp thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt với tinh thần tự giác, tích cực của người dân và doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị, TP đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt.

Bên cạnh việc phòng chống dịch hiệu quả, TP đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và có các kịch bản chi tiết. Từ đó đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều hoạt động kết nối với các địa phương về cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. 

“Nhờ vậy, quy mô nền kinh tế đã đạt ở mức trên 44 tỷ USD. Thu ngân sách trên địa bàn đã đạt mức 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân đầu tư công đạt mức trên 93% với quy mô 45.000 tỷ đồng. Năm 2020, TP dành tỷ lệ cho đầu tư phát triển tới 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỉ đồng chi thường xuyên. Cùng với đó, giải quyết việc làm cho trên 18.600 lao động, đạt 116% kế hoạch năm, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,3%, đối với khu vực thành thị là 3,52%...”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ.

Công an phường Trúc Bạch giúp người dân mua nhu yếu phẩm trong đợt cách ly do dịch COVID-19.

Trong những ngày đầu xuân 2021 này, nhìn lại những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được, bên cạnh những nỗ lực phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, Hà Nội còn là TP phát huy mạnh mẽ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP đã nhận được sự đăng ký, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là 243,076 tỷ đồng; ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 118,7 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì biển đảo được 42 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo các cấp khoảng 70 tỷ đồng.

Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á

Năm 2021 là một năm được HĐND TP Hà Nội xác định là năm thực hiện chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5% GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của TP; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Ngay từ đầu năm 2021, chúng ta phải chung sức đồng lòng và quyết tâm bắt tay vào việc ngay không ngừng nghỉ, bám sát và giải quyết tận cùng công việc”. Về những nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung cao độ để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và ổn định, bền vững, đồng bộ, hài hòa.

Đồng thời, TP chú trọng đổi mới công tác quản lý, điều hành, tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp giao quyền và bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng giúp người nghèo tại Hà Nội những ngày dịch Covid-19

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, UBND TP Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chính. Trong đó, TP tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời kiên trì các giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp như “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”, “Chi phí không chính thức”...

Với tinh thần nỗ lực vượt khó, nhân dân cả nước hoàn toàn có thể kỳ vọng Hà Nội sẽ thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do TP Hà Nội tổ chức ngày 27/6/2020: “Với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam…, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta”. 

Ngọc Yến

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文