Hải Phòng: Tràn ngập rác thải khu vực ngoại thành
Bãi rác ở thôn Nghi, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên là một điển hình. Nó tồn tại ở đây đã hơn 8 năm, trên diện tích hơn 2.000m2, với khối lượng rác lên đến hàng nghìn mét khối, đang ngày đêm bốc mùi xú uế, rất khó chịu. Theo người dân thôn Nghi phản ánh, vì phải "sống chung" với rác nên tới bữa ăn cơm, họ thường phải mắc màn vì ruồi bay về quá nhiều, bậu đen ngòm các đĩa thức ăn. Thậm chí, đi ngủ vẫn còn phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối xông vào nhà.
Tương tự, tại huyện Kiến Thụy, bãi rác khổng lồ, lộ thiên cũng nằm chình ình ngay trước trụ sở UBND thị trấn Núi Đối. Hiện, rác đang ùn thành đống khá cao, tràn cả xuống các kênh mương, ao hồ, đặc biệt là sông Đa Độ - dòng sông nước ngọt cung cấp chủ yếu nguồn nước thô cho các nhà máy nước trên địa bàn.
Còn ở các huyện An Dương, An Lão và Tiên Lãng, rác thải sinh hoạt cũng ngập ngụa không kém. Có thể nói, đi qua bất kể xã nào, cũng đều gặp cảnh tượng những đống tạp phế lù ở bên đường, với đủ mọi thứ rác được tống ra, bốc mùi nồng nặc. Riêng huyện An Dương có 16 xã, đến nay chưa xã nào có bãi rác được quy hoạch.
Trong khi các huyện kể trên không có địa điểm để đổ rác thì ở huyện Vĩnh Bảo, hầu như thôn nào cũng có bãi rác. Những bãi rác này không phải do qui hoạch, mà tự hình thành bởi thói quen vứt rác bừa bãi của người dân. Đơn cử, xã Tân Hưng 9 thôn, có tới 9 bãi rác; xã Nhân Hòa có 3 thôn cũng có 3 bãi rác…
Để giải quyết "vấn nạn" rác thải ở nông thôn Hải Phòng hiện nay, theo chúng tôi, trước mắt các địa phương cần tăng cường giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung cho tất cả người dân ở các xã, thị trấn. Trong khi chưa có bãi chôn lấp, xử lý rác tập trung, các hộ gia đình cần chủ động trong việc xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình mình. Về việc này, trước mắt các địa phương và ngành chức năng cần phối hợp xây dựng mô hình thu gom, xử lý rác thải tại các cụm dân cư để các xóm, thôn, xã cùng thực hiện…