Hàng trăm hộ dân khốn đốn vì dự án nằm trên giấy

14:54 01/08/2011
Dự án quy hoạch chi tiết khu biệt thự Thủy Trường, phường Trường An đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt từ năm 2004, thế nhưng đến nay đã hơn 7 năm, gần 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu ở xóm Khe vẫn tiếp tục phải sống trong điều kiện "vùng sâu", "vùng xa" ngay giữa lòng đô thị loại I.

Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu biệt thự Thủy Trường, phường Trường An (TP Huế). Nhưng đã hơn 7 năm nay, dự án vẫn đang nằm trên bản vẽ trong khi đó quy định cấm người dân không được cơi nới, sửa chữa, xây dựng thêm nhà ở trong khu vực. Đồng thời, cắt tất cả các ưu tiên về phúc lợi, dân sinh như: điện, nước, đường bê tông vẫn được tiến hành khiến cho gần 100 hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khốn đốn.

Xóm Khe có gần 100 hộ dân, với hơn 400 nhân khẩu, nằm ngay giữa trung tâm TP Huế nhưng cuộc sống lại như một vùng quê hẻo lánh: nghèo nàn, rách rưới và thiếu thốn đủ bề. Ông Lê Hoàng Trung, Tổ trưởng dân phố 16A (khu vực V, phường Trường An, thành phố Huế) cho biết: "Xóm Khe hình thành tự phát từ năm 1990. Gần hai mươi năm nay, xóm Khe vẫn chẳng khác mấy ngày đầu, thậm chí còn tệ hơn. Mặc dù sống ngay tại trung tâm TP phố Huế nhưng nhà cửa của cư dân xóm Khe rách nát, không nước, không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân và các phương tiện thông tin cần thiết".

Được biết năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu biệt thự Thủy Trường, phường Trường An. Vì vậy, UBND phường Trường An đã tổ chức họp dân yêu cầu tất cả các hộ dân ở đây không được cơi nới, sửa chữa, xây dựng thêm nhà ở trong khu vực. Tiến hành cắt tất cả các ưu tiên về phúc lợi, dân sinh như: điện, nước, đường bê tông. Đồng thời sẽ tiến hành chuyển dân đến khu tái đinh cư. Nhưng đến nay đã hơn 7 năm trôi qua dự án vẫn chưa thấy đâu trong khi người dân phải sống trong cảnh khốn khổ, dở khóc dở cười.

Chúng tôi vào thăm gia đình chị Đặng Thị Hóa (52 tuổi, xóm Khe, phường Trường An). Căn nhà rộng chừng 20m2, được dựng từ năm 2000 bằng tre nứa tạm bợ. Chị Hóa cho biết: "Nhà ni được làm lâu lắm rồi, từ ngày mới về đây. Nhưng giờ các chú thấy đó, nó đã ọp ẹp, cột trụ đã bị mối ăn gần hết, chỉ cơn gió nhẹ thổi qua là nhà lại rung lên, xiêu vẹo. Còn mỗi lần trời mưa, gia đình phải lôi hết đồ đạc từ thau chậu, xoong, chảo đến những tấm nilon, áo mưa để chống dột".

Do nằm trong khu quy hoạch của dự án nên 7 năm nay, người dân xóm Khe không dám xây dựng nhà cửa.

Khi được chúng tôi hỏi tại sao bà con không tiến hành sửa sang, xây nhà bằng gạch cho kiên cố thì chị Hóa cho biết: "Khi có dự án xây khu biệt thự ở đây thì họ đã tiến hành phong tỏa, không cho người dân được cơi nới, sửa chữa, xây dựng thêm nhà ở trong khu vực này. Nhưng đã hơn 7 năm ni vẫn chưa thấy dự án triển khai. Giờ mà sửa sang, xây nhà kiên cố lỡ mà dự án triển khai thì lại phải tháo dỡ. Chú thấy đó, nhà tui đã chuẩn bị gạch, ngói để làm nhà nhưng đến giờ vẫn đang nằm một đống đó vì không dám làm".

Cũng giống như gia đình chị Hóa, gia đình ông Hen lên xóm Khe cư ngụ đã ngót nghét 20 năm. Ba thế hệ với gần 20 người trong gia đình ông Hen đến giờ vẫn sinh sống chen chúc, tạm bợ trong "ngôi nhà" xiêu vẹo, chật chội dựng từ hồi mới nhập cư về xóm.

Không chỉ vậy, nước sạch cũng là vấn đề khiến những hộ dân ở đây hết sức bức xúc. 100% hộ dân nơi đây đều phải dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt. Do nằm trong vùng quy hoạch nên những ưu đãi về phúc lợi như: nước... đều bị cắt. Năm 2006, sau một thời gian đề nghị, những hộ dân nơi đây mới được đầu tư xây dựng một hệ thống nước máy. Thế nhưng, sau khi lắp đặt xong hệ thống ống dẫn, không hiểu vì lí do gì công trình lại bị ngưng. Đã gần 5 năm nay, công trình nước sạch của người dân vẫn giẫm chân tại chỗ, khiến người dân phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt.

Vòng quanh xóm Khe rộng chưa đầy 3ha, chúng tôi đếm cả xóm vỏn vẹn có sáu giếng đào dùng chung cho hơn 400 nhân khẩu. Nước lấy từ lòng đất nghĩa địa vừa bẩn vừa nhiễm phèn nhưng dân xóm Khe vẫn phải sử dụng cho sinh hoạt, thậm chí cả ăn uống. Ông Trung cũng cho biết: "Nhiều lần họp chi bộ tôi cũng đã phản ánh lên chính quyền và họ hứa sẽ đầu tư cho những hộ dân nơi đây 3 nhà máy nước sạch nhưng đến giờ vẫn không thấy gì".

Hơn 7 năm nay, gần 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu ở xóm Khe vẫn tiếp tục phải sống trong điều kiện "vùng sâu", "vùng xa" ngay giữa lòng đô thị loại I. Không hiểu rồi số phận những con người nơi đây sẽ còn phải chịu đựng đến khi nào?

Ngàn Trươi

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文